Những bức ảnh của "cuộc sống"
Mikiko Hara là một nhiếp ảnh gia người Nhật Bản khá “khiêm tốn". Không giống như Hiromix, Nagashima Yurie và Mika Ninagawa - những nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhờ vào loạt ảnh phóng sự táo bạo về cuộc đời mình - Mikiko tạo ra điểm đặc biệt bằng cách không tiết lộ bất cứ điều gì về cuộc sống cá nhân.
Ở vùng ngoại ô Tokyo, nơi Mikiko đã sống và làm việc gần 30 năm, nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ: “Như bạn thấy đấy, những gì tôi chụp không hề đặc biệt".
“Những người đang đi nơi góc phố, những cảnh tượng lướt qua chỉ trong chớp mắt, đây là những khoảnh khắc mà bất kỳ ai cũng có thể bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày của họ. Tôi vẫn chưa thể giải thích rõ ràng, nhưng tôi cảm thấy sở thích chụp ảnh của mình có liên quan đến sự vô thức".
Quả thật là như vậy, vì Mikiko chẳng bao giờ quan sát trước khi chụp ảnh, cô chỉ đơn giản là bấm nút chụp khi chiếc máy ảnh vẫn còn đang treo phía trước ngực. Cô giải thích rằng: “Máy ảnh tinh khiết hơn, công bằng hơn, rắn rỏi và cương quyết hơn đôi mắt của tôi”.
“Tôi chưa bao giờ cố gắng tạo ra một cách tiếp cận riêng hay gửi bất kỳ thông điệp nào thông qua các bức ảnh. Tất cả những gì tôi làm chỉ là ở đó, thành thật với những cảm giác của bản thân. Đó có thể là sự thích thú, ngạc nhiên, sợ hãi hay tức giận. Và máy ảnh sẽ làm những việc còn lại".
Cuốn sách mới của Mikiko đã được phát hành dưới một cái tên không thể hoàn hảo hơn: “Những huyền thoại nhỏ”. Đó là một bộ sưu tập các bức ảnh mà cô đã chụp từ năm 1996 đến năm 2021, ghi lại những bí ẩn nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày xung quanh khu vực Tokyo.
Cuốn sách kết thúc với một mẩu chuyện nhỏ mà Mikiko đã viết cho triển lãm cá nhân vào năm 1998. Trong đó, cô nhớ lại khoảnh khắc bạn của mình phát hiện ra một chú mèo con ngồi trên vòng xuyến khi đang đỗ xe.
Nếu trong trường hợp này, mọi người thường phản ứng lại bằng câu nói “thật đáng yêu", hay ra khỏi xe để nựng chú mèo nhỏ, thì thay vào đó, bạn của Mikiko đã hỏi: “Tớ phải làm gì đây?”
Con đường đến với nhiếp ảnh
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Tạp chí i-D với Mikiko về những cảm hứng cho cuốn sách mới của nữ nhiếp ảnh gia.
i-D: Xin chào Mikiko! Bạn có thể cho tôi biết bạn đã đến với nhiếp ảnh như thế nào không?
Mikiko: Đó là một điều tình cờ. Tôi đã học ngành điện ảnh ở trường đại học và cũng có tham gia một đoàn kịch nhỏ với vai trò diễn viên. Nhưng vì không muốn theo đuổi nghệ thuật, tôi đã đi làm cho một công ty sau khi tốt nghiệp. Làm được khoảng 2 năm thì tôi bắt đầu tìm kiếm một con đường khác, và đó là lúc tôi quyết định tham gia một trường đào tạo nhiếp ảnh.
i-D: Đó có phải là nơi bạn đã biết đến những tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Garry Winogrand không? Tôi nghe nói rằng ông ấy là người có ảnh hưởng lớn đến bạn.
Mikiko: Đúng vậy. Giáo viên đã cho chúng tôi xem cuốn sách Figments from the Real World (1988) của ông ấy để làm mẫu. Tôi rất ấn tượng với công việc của ông ấy, một công việc đầy tình cờ và tự do. Nhưng về sau, tôi mới được biết đến những câu nói đáng suy ngẫm của ông, chẳng hạn như: “Nhiếp ảnh không phải là về vật được chụp, mà là vật đó trông như thế nào khi được chụp". Đối với tôi, câu nói này đã giải thích được lý do vì sao ông có thể chụp mọi thứ một cách thư thái nhưng lại chính xác đến vậy.
i-D: Bạn bắt đầu chụp ảnh mà không có kính ngắm từ khi nào?
Mikiko: Đó là trong bài tập đầu tiên ở trường, khi tôi được yêu cầu chụp đường phố đen trắng. Ngày qua ngày, tôi mù quáng bước vào nhịp sống hối hả của thành phố và chụp những bức ảnh một cách nhanh chóng. Tôi nhận ra rằng thật khó để xác nhận mọi góc của kính ngắm giữa đám đông người qua lại trên phố, nhưng đồng thời, điều này cũng cho tôi ý tưởng về việc chụp ảnh mà không có bố cục. Tôi đã chọn một chiếc máy ảnh Ikonta được sản xuất vào những năm 1930 với phần kính ngắm rất đẹp, và để mọi thứ tự phát huy cơ hội của mình.
i-D: Qua những trải nghiệm với đoàn kịch, bạn có nhận thấy mối liên hệ nào giữa việc chụp ảnh và biểu diễn không?
Mikiko: Dù đã qua lâu lắm rồi, những ý nghĩ được đứng trên sân khấu vẫn khiến trái tim tôi rung động. Bây giờ khi nghĩ lại, có lẽ ban đầu tôi đã bị thu hút bởi cả sân khấu và ống kính máy ảnh. Một số bạn trong lớp nhiếp ảnh sẽ phàn nàn khi phải chụp ở nơi đông người, nhưng tôi thì không như thế. Có lẽ những trải nghiệm của tôi cùng với đoàn kịch đã vô tình cho tôi động lực để đối mặt với đám đông. Sự biến mất của chính mình trước khán giá có thể được so sánh với cảm giác bị lạc lối trong biển người…
i-D: Có vẻ như nhiếp ảnh gắn liền với bạn mỗi ngày…
Mikiko: Quả thật là như vậy. Tôi lúc nào cũng mang theo máy ảnh bên mình, không chỉ trên đường phố mà còn trong cả sinh hoạt hằng ngày. Đôi khi tôi đi ra ngoài với tất cả sự nhiệt tình nhưng lại trở về với tay không, ở một vài lần khác thì những bức ảnh chụp được lại không đúng ý tôi.
Không có gì là được lên kế hoạch cả. Ví dụ như việc tôi có thói quen buổi sáng là nấu ăn cho ba đứa con nhỏ và làm việc nhà. Nhưng ngay cả trong tình huống như vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn chụp những bức ảnh ngẫu nhiên ở nhà bất cứ khi nào. Dù đôi khi được chụp một cách vô tình, nhưng sau đó có thể chúng sẽ đi theo một chiều hướng khác.
i-D: Cuốn sách “Những huyền thoại nhỏ” của bạn tích lũy các bức ảnh trong thời gian khá dài. Cảm giác khi được xem lại mọi thứ từ đầu như thế nào?
Mikiko: Tôi khá bất ngờ khi được yêu cầu cho xem những bức ảnh cũ nhất và mới nhất, lúc đầu tôi đã bối rối vì đó không phải là điều mà tôi muốn cho mọi người thấy. Tuy nhiên, nó đã cho tôi cơ hội để nhìn lại những bức ảnh đầu tiên của mình.
Đáng ngạc nhiên là tôi không cảm thấy bất kỳ sự “ngắt kết nối" hay lạc lõng nào với chúng. Quá trình chỉnh sửa cũng là một nỗ lực hợp tác với nhà xuất bản. Mặc dù tôi đã có chủ ý riêng của mình, nhưng thật thú vị khi tìm thấy những sự kết hợp mà mình chưa từng nghĩ đến trước đây hoặc không giống với những tưởng tượng và thói quen của riêng tôi.
i-D: Bạn hy vọng độc giả có thể rút ra điều gì từ cuốn sách này?
Mikiko: Tôi sẽ rất vui nếu cuốn sách để lại trong suy nghĩ của bạn một điều gì đó khó nắm bắt và không thể giải thích. Cuối cùng thì tôi không cố gắng truyền đạt bất kỳ suy nghĩ hay thông điệp nào cả. Nếu bạn nắm một con bướm trong tay quá chặt, nó sẽ chết, còn nếu nắm tay quá lỏng lẻo, nó sẽ thoát ra ngoài.
Điều mà tôi đang cố nắm bắt cũng là một thứ mong manh như thế. Tôi hầu như không thay đổi phong cách của mình kể từ năm 1996. Có lẽ, theo một nghĩa nào đó, tôi đang ở trong trạng thái từ chối sự tiến hoá. Nhưng ngay cả khi đang chìm đắm trong mâu thuẫn của việc tìm kiếm tự do, thì tôi vẫn tiếp tục tìm đến một thế giới mà chỉ có thể thấy được thông qua nhiếp ảnh.
Nguồn: i-D Magazine