Cô nữ sinh 17 tuổi người Pakistan Malala Yousafzai, đồng thời là nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và trẻ em vừa được trao giải Nobel Hoà Bình 2014 vào ngày 10/10 cùng nhà vận động chiến dịch chống nạn bóc lột trẻ em ở Ấn Độ Kailash Satyarthi.
Cô gái 17 giành giải Nobel Hoà Bình Malala Yousafzai
Tuy nhiên, chỉ cách đây 2 năm, Malala vẫn chỉ là một nữ sinh thích viết blog, hàng ngày đón xe bus đến trường cùng các bạn. Vào ngày 9/10/2012, khi những tay súng Taliban có vũ trang xông lên xe bus và bắn vào đầu Malala, cô nữ sinh nhỏ đã chuyển mình từ một blogger thành một biểu tượng quốc tế.
Thật khó tin nổi một cô gái 17 tuổi lại có thể vượt qua những thử thách lớn đến như vậy, bao gồm cả việc phục hồi vết thương nghiêm trọng do bị đạn bắn vào đầu chỉ trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, câu chuyện của Malala thực ra đã bắt đầu từ lâu, trước khi cuộc ám sát biến cô trở thành một nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng thế giới.
Malala nắm tay những nữ sinh Nigeria vừa thoát khỏi những kẻ bắt cóc vào ngày 14/7/2014.
Malala sinh năm 1997 tại thung lũng Swat, Pakistan, trong một gia đình mà cha mẹ cô luôn khuyến khích và nuôi dưỡng tình yêu với việc học tập của con gái. Cha của Malala, ông Ziauddin, mở một trường tư cho các cô bé và cậu bé, một phần là để chống lại nạn phân biệt giới tính ở Pakistan.
"Cha tôi dạy anh trai và tôi, nhưng không cho các chị em gái của tôi tới trường. Tôi nghĩ điều đó thật không công bằng", ông Ziauddin nói trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian.
Và khi Malala chào đời, ông đã đặt tên con gái theo tên một nữ anh hùng trong truyện dân gian và không bao giờ kiềm hãm giấc mơ của cô bé.
Người cha này nói: "Đừng hỏi tôi về những việc tôi làm, hãy hỏi tôi về những việc tôi đã không làm. Tôi đã không cắt đi đôi cánh của con bé".
Khi còn là một đứa trẻ hơn 2 tuổi, Malala thường ngồi trong các lớp học tại trường tư của cha mình và nghe các bài giảng cho học sinh 10 tuổi.
Cô bé với đôi mắt nâu to tròn không nói nhiều, nhưng cô có thể theo kịp các học sinh khác và không bao giờ tỏ ra chán nản, giáo viên của Malala kể lại.
Ảnh chụp Malala năm 2009, trước khi bị Taliban lên kế hoạch ám sát.
Bị bắn vào đầu vì đấu tranh đòi quyền được đi học cho phụ nữ
Đến năm 2008, mọi việc bắt đầu thay đổi. Taliban giành quyền kiểm soát khu vực Swat, và ra lệnh cấm đĩa DVD, khiêu vũ và các thẩm mỹ viện. Đến cuối năm đó, hơn 400 trường học bị đóng cửa. Người cha Ziauddin lúc này đã đưa Malala tới Peshawar, nơi cô nữ sinh có một bài nói chuyện nổi tiếng trước báo chí quốc gia với tựa đề "Tại sao Taliban dám cướp đi quyền cơ bản được học của tôi?". Lúc này, Malala mới chỉ 11 tuổi.
Vào đầu năm 2009, Malala bắt đầu viết blog ẩn danh cho BBC kể về cuộc sống dưới sự kiểm soát của Taliban. Chỉ vài ngày sau khi cô gái bắt đầu, tất cả các trường nữ sinh bị đóng cửa.
Vào năm 2012, những tay súng vũ trang chặn chiếc xe tải được sử dụng như một chiếc xe bus chở Malala và các bạn tới trường học. Một tên trong đó cất tiếng hỏi: "Đứa nào là Malala?". Không một ai lên tiếng trả lời, nhưng dường như kẻ tấn công nhận ra những ánh mắt nhìn về phía Malala. "Chúng tôi đã không nói gì cả, nhưng chắc hẳn chúng tôi đã nhìn vào Malala, bởi vì sau đó hắn đã bắn bạn ấy", người bạn cùng lớp Shizia Ramzan kể lại. Malala bị trúng một viên đạn vào đầu.
Khi bị bắn vào đầu, viên đạn đi vào phía trên mắt trái của Malala và chạy dọc theo quai hàm, ảnh hưởng đến não của cô. Bác sĩ ở Pakistan đã lấy viên đạn ra, nhưng cô vẫn hôn mê ba ngày liền. Chính phủ Pakistan tài trợ cho Malala điều trị tại bệnh viện Đại học Birmingham và Queen Elizabeth ở Anh. Gần ba tháng sau, ngày 4/1/2013, cứ như có phép màu, Malala rời khỏi bệnh viện Queen Elizabeth mà không phải chịu di chứng hay tổn thương đáng kể nào về thần kinh.
Malala phát biểu trước Liên hiệp quốc vào ngày 12/7/2013, đúng sinh nhật thứ 16 của mình.
Cô nữ sinh nhỏ truyền cảm hứng cho cả một đất nước
Khi Taliban cử tay súng đến giết hại cô nữ sinh 15 tuổi bởi cô dám đấu tranh đòi quyền đi học cho các bé gái, chúng đã muốn reo rắc sợ hãi cho những ai muốn phụ nữ Pakistan được đến trường.
Nhưng khi viên đạn gim vào đầu cô gái nhỏ, thì cái tên Malala Yousafzai không chỉ trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho cả thế giới, mà sự sống sót của cô bé còn khích lệ các nhà giáo dục. Chính điều đó đã giúp cho các trường học ở Pakistan dần trở nên an toàn hơn.
"Những kẻ khủng bố nghĩ rằng chúng sẽ thay đổi mục tiêu của tôi, và giết chết giấc mơ của tôi. Nhưng không có điều gì thay đổi trong cuộc đời của tôi cả, ngoại trừ sự yếu đuối, sợ hãi và vô vọng đã chết. Nghị lực, sức mạnh và lòng can đảm được sinh ra", Malala phát biểu tại Liên hiệp quốc trong ngày sinh nhật thứ 16.
Gia đình Tổng thống Barack Obama gặp gỡ Malala tại Nhà Trắng vào ngày 11/10/2013.
Vùng tây nam Pakistan, nơi Malala sống và suýt bị giết chết, là một trong số những khu vực nguy hiểm nhất trên trái đất đối với việc đến trường, đặc biệt là các bé gái. Theo thống kê của UNICEF, vào năm 2010, khi lời đe doạ của Taliban trở nên nguy hiểm, gần 1000 trường công và tư đã phải đóng cửa, hơn 120.000 nữ sinh không được tới trường.
Nhưng ngày nay, những người ủng hộ giáo dục cho rằng sự sống sót kỳ diệu của Malala cùng với các cuộc tấn công quân sự vào căn cứ Taliban đã làm giảm đáng kể những nguy cơ này. Câu chuyện cuộc đời của cô nữ sinh đã trở thành nguồn cảm hứng cho các cộng đồng để bảo vệ trường học của họ và đấu tranh quyết liệu cho quyền đến trường của các bé gái.
"Thông điệp rõ ràng được gửi đến bởi những người tuyệt vời như Malala là chúng ta sẽ không ngừng đấu tranh cho nền giáo dục", Shirin Lutfeali, một chuyên gia giáo dục và xoá mù chữ của tổ chức Cứu giúp Trẻ em tại Pakistan nói. "Cô bé đã trở thành biểu tượng của sự thay đổi. Chúng có thể làm nổ tung các trường học, nhưng chúng ta không còn sợ hãi nữa".
Sau khi xuất hiện trở lại, Malala Yousafzai với vai trò là nhà hoạt động nhân quyền đã tạo nên một hành lang đối thoại về giáo dục trẻ em trên toàn thế giới, hướng đến 57 triệu trẻ em trên thế giới không được tiếp cận với giáo dục. Vào năm ngoái, cô nữ sinh kiên cường còn cho ra mắt cuốn tự truyện "Tôi là Malala" kể về câu chuyện cuộc đời mình. Malala còn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2013 do tạp chí Time bình chọn.
Những câu nói truyền cảm hứng cho cả thế giới của Malala Yousafzai: "Chúng ta chỉ nhận ra tầm quan trọng của tiếng nói khi tất cả chúng ta đều im lặng" - Trích tự truyện "Tôi là Malala". |
(Nguồn: Time/Forbes/ABC)