Ở nước ta hiện nay, nghề phi công là giấc mơ của nhiều người. Làm phi công, không chỉ được bay khắp thế giới, mà còn được hưởng mức lương cao chót vót lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng.

Học ngành phi công cũng chứa rất nhiều điều thú vị chỉ dân trong ngành mới biết. Cô bạn Mạch Khanh là du học sinh Mỹ ngành Phi công với mức học phí lên đến 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng). Và trên channel cá nhân, nữ sinh này đã chia sẻ rất nhiều điều liên quan đến nghề phi công.

Nếu bạn là "chiếu mới" học phi công hay có đam mê với nghề này, nhất định đừng bỏ quên kiến thức sau!

Mạch Khanh - cô bạn du học sinh Mỹ ngành Phi công với mức học phí lên đến 4,6 tỷ đồng

Tiêu chuẩn, yêu cầu để bắt đầu học phi công?

Trường hợp Mạch Khanh nêu ra ở đây là người có quốc tịch Việt Nam muốn làm việc cho hãng hàng không ở Việt Nam. Bởi lẽ ở mỗi quốc gia và hãng hàng không khác nhau lại có các yêu cầu riêng.

Trung bình, bạn sẽ tốn khoảng 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng) khi học ở cả Việt Nam lẫn Mỹ. Một số tiêu chuẩn bạn cần lưu ý như: Phiếu điểm tiếng Anh TOEIC từ 700 điểm trở lên (hoặc chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên còn hiệu lực).

Một số yêu cầu về thể lực như: Chỉ số khối cơ thể (BMI), vòng ngực trung bình, lực bóp tay thuận, lực bóp tay không thuận...

Mạch Khanh tâm sự: "Sau khi trải qua những lần khám sức khỏe ở cả Việt Nam và Mỹ, mình nhận thấy một số khác biệt. Nếu cân nặng ở Việt Nam có giới hạn thì ở Mỹ lại không có yêu cầu hay tiêu chuẩn. Bởi Việt Nam thường thì học phi công để làm công việc lái máy bay nên các tiêu chuẩn sẽ phải tuân theo các hãng. Còn ở Mỹ thì nhiều lý do hơn: vì đam mê, gia đình có điều kiện mua máy bay... Nên cũng không quá quan trọng về cân nặng người bay.

Nếu không có đủ điều kiện tài chính 4,6 tỷ để học lái máy bay, bạn vẫn có thể xem xét đến tiêu chuẩn học lái máy bay quân sự, thử công việc tiếp viên hàng không. Hoặc cũng có công việc gần liên quan đến phi công như kiểm soát viên không lưu, kỹ sư hàng không. Tuy nhiên, những công việc này cũng sẽ tốn một khoản chi phí theo học nhất định".

 - Ảnh 3.

Nếu không có đủ điều kiện tài chính học phi công, bạn có thể đổi sang các nghề khác gần liên quan như: Tiếp viên hàng không, kỹ sư hàng không, kiểm soát viên không lưu.

Giải mã ngôn ngữ của phi công khi bay lên trời?

Ít ai biết, phi công có sử dụng một số ngôn ngữ riêng. Đó là "ngôn ngữ của những chuyến bay", gồm khoảng 300 từ kết hợp cả những biệt ngữ chuyên nghiệp lẫn tiếng Anh thông thường, được gọi là Aviation English (Tiếng Anh hàng không). Ngôn ngữ này được tạo ra để tránh lỗi giao tiếp giữa phi công và nhân viên kiểm soát không lưu, hạn chế rủi ro hay tai nạn chết người.

Theo trang blog Oxford Dictionary: "Học cách giao tiếp qua bộ đàm máy bay là một trong những phần khó nhất khi học bay. Những phi công mới vào nghề phải ghi chép rất nhiều và trải qua nhiều bài kiểm tra thực hành để chứng minh kỹ năng của mình".

Một số từ ngữ thông dụng trong khoảng 300 từ vựng của tiếng Anh hàng không: Affirm (khi phi công muốn xác nhận "có"), approach (chuẩn bị hạ cánh), mayday (khi phi công muốn ám chỉ những trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm tính mạng hành khách như: động cơ hỏng hoàn toàn, hỏa hoạn trên máy bay), pan - pan (trường hợp cảnh báo, nhẹ hơn của "mayday")...

 - Ảnh 5.

Cách phát âm số trong ngôn ngữ hàng không

 - Ảnh 6.

Bảng chữ cái trong ngôn ngữ hàng không

Mạch Khanh tâm sự: Để đọc những ngôn ngữ, đầu tiên bạn phải đọc được bảng chữ cái và bảng ký hiệu của hàng không. Đó là Aviation Alphabet, hoặc Phonetic Alphabet.

Khi bắt đầu gọi cho đài trao đổi công việc, bạn cần tuân theo quy luật: Gọi tên đài - Tên phi công - Vị trí mà phi công đang bay - Yêu cầu phi công muốn làm.

Một ví dụ cho thấy độ phức tạp của ngôn ngữ này: 1853Z 03005KT 10SM CLR 28/27 A2996 (Dịch nghĩa: Thông tin Q - 18:53 giờ Zulu - gió từ hướng 030 vận tốc 5 knots - tầm nhìn 10 status miles - trời quang - nhiệt độ 28 điểm sương 27 - áp suất 29.95 mHg - đường băng 11 sử dụng).

Ý nghĩa của số vạch trên cầu vai phi công

Hiện tại, Mạch Khanh đang ở vị trí cơ phó dự bị, tức là có 2 vạch trên cầu vai. Số lượng vạch trên đồng phục của phi công cho biết cấp bậc của người mặc. Các cấp bậc thường được chia như sau:

- Cơ trưởng (Caption): 4 vạch trên cầu vai. Đây là những người luôn ngồi phía bên trái của buồng lái, là người chịu trách nhiệm chính về mọi vấn đề liên quan đến chuyến bay.

- Cơ phó (First Officer): 3 vạch trên cầu vai. Đây là người lái phụ, ngồi phía bên phải buồng lái. Đây là người sẽ lái máy bay trong trường hợp cơ trưởng không thể tiếp tục. Đồng thời, họ cũng bổ sung về các quyết định điều khiển máy bay nhằm giảm sai sót lớn nhất.

 - Ảnh 8.

Sau hơn một năm du học, Mạch Khanh đang có 2 vạch trên cầu vai, tương ứng với cơ phó dự bị

- Cơ phó dự bị (Second Officer): 2 vạch trên cầu vai. Đây là những phi công có số giờ bay còn thấp, làm nhiệm vụ trực bay trong khoảng 12h hoặc hơn. Trong thời gian này, cơ phó phải chuẩn bị hành lý và sẵn sàng bay, bởi vì lịch có thể chỉ định phi công bất cứ lúc nào.

- Học viên (Cadset): 1 vạch cầu vai. Các học viên thường sẽ mặc đồng phục có 1 vạch khi nhận bằng Private Pilot License - PPL hoặc bằng Commerical Pilots Licence - CPL và sau đó sẽ được mặc đồng phục 2 vạch sau khi hoàn thành Instrument Rating (IR).

Những khó khăn bạn cần biết khi quyết định học phi công?

- Về sức khỏe, bạn cần đạt sức khỏe loại 1 theo tiêu chuẩn.

- Về ngoại ngữ, mọi người nên chuẩn bị vốn tiếng Anh từ khá tốt trở lên, cùng với kiến thức liên quan đến các môn Tự nhiên thì sau này mới dễ dàng học được các môn chuyên ngành liên quan đến bay.

- Tuổi tác cũng là điều cần lưu ý khi những người học thường dưới 30 tuổi. Còn nếu bạn trên 30 tuổi thì cần phải chạy đua thời gian. Vì thời gian học phi công thường kéo dài khoảng 3-4 năm, trong khi các trường chỉ nhận học viên phi công và có đầy đủ chứng chỉ dưới 35 tuổi. Bên cạnh đó, càng lớn tuổi thì việc tiếp thu càng chậm và bị ảnh hưởng.

Tài chính là một trong những yếu tố cần lưu ý hàng đầu khi học phi công

- Tài chính là vấn đề nên cân nhắc lên hàng đầu. Không phải ai cũng học được phi công vì đây là ngành đặc thù. Học bay khác với những ngành khác, không chỉ học kiến thức mà còn là cảm giác. Khi mình bay thì cần cảm nhận máy bay đang thiếu gì, cần sửa gì thì mới bay được như bình thường.

Bên cạnh đó, Mạch Khanh cũng chia sẻ không phải vị giáo viên dạy bay nào cũng thực sự tốt. Bởi có những giảng viên chỉ quan tâm sao cho đủ giờ bay của mình nên không dạy nhiệt tình hoặc thậm chí câu thêm giờ. Điều này khiến sinh viên vừa không thực hành tốt, vừa mất thêm tiền vì sinh viên sẽ phải trả phí cho từng giờ bay như vậy.

Nguồn: Nhân vật cung cấp