Lê Đỗ Bảo Trân (SN 1996, quê ở Nha Trang, Khánh Hòa) tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Hóa sinh - Y học của Đại học California, Los Angeles (UCLA) năm 2019 và theo học chương trình bác sĩ tại bang Philadelphia, Pennsylvania.

Trân có lẽ là cái tên xứng đáng khi nhắc đến 4 từ "con nhà người ta". Bởi không chỉ có tài săn học bổng siêu đẳng, Bảo Trân còn hát hay, chơi giỏi piano và vẽ đẹp như họa sĩ. Ngoài tiếng Anh, Trân còn biết tiếng Hungary, Indonesia, tiếng Hàn, American Sign Language. Thành tích ngoại khóa của Trân cũng khiến nhiều người trầm trồ.

Nữ sinh Khánh Hòa săn học bổng trường Mỹ top đầu, giành suất nghiên cứu sinh Harvard nhờ luận văn giải Rubik: Tiết lộ bí quyết chinh phục 5 ngoại ngữ - Ảnh 1.

Bảo Trân nhận học bổng 5,5 tỷ đồng của Đại học California, hoàn thành chương trình đào tạo ngành y với thành tích tốp đầu.

Bảo Trân nhận học bổng 5,5 tỷ đồng của Đại học California, hoàn thành chương trình đào tạo ngành y với thành tích top đầu. Năm vừa rồi, cô gái Khánh Hòa cũng trở thành nghiên cứu sinh của viện Massachusetts Eye and Ear Infirmary - Harvard Medical School (ĐH Y Harvard).

Xin học bổng nhờ luận văn về niềm đam mê Rubik's cubes

Khi mới qua Mỹ cách đây 8 năm, nữ sinh lớp 11 trường chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) hoàn toàn bắt đầu từ con số 0. "Lúc đó thật nhiều bỡ ngỡ, mọi thứ đều mới lạ, không biết cách học lên tiếp ở Mỹ như thế nào", Trân kể. May mắn Trân gặp được cô hiệu trưởng người Mỹ vô cùng quan tâm.

"Những gì không biết, em đều hỏi cô, xin cô cho ý kiến và cô luôn tìm cách giúp đỡ bằng tất cả nhiệt huyết. Cô là người giúp em hoàn thành luận văn để nộp vào đại học".

Đó là một bài luận văn khá lạ và đặc biệt bởi thay vì viết về những vấn đề thường ngày, Trân lại xoay quanh niềm đam mê về chơi Rubik's Cubes: "Em dựa vào ý tưởng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống như khi em chơi Rubiks vậy. Đôi khi có thể em giải sai hoặc đi sai hướng nhưng với sự kiên trì và quyết tâm, em đã tìm được cách thay vì từ bỏ. Cũng giống như trong cuộc sống vậy, một khi em đã chọn thì em luôn tin vào quyết định đúng đắn của mình".

Nữ sinh Khánh Hòa săn học bổng trường Mỹ top đầu, giành suất nghiên cứu sinh Harvard nhờ luận văn giải Rubik’s Cubes: Tiết lộ bí quyết chinh phục 5 ngoại ngữ - Ảnh 2.

Nhờ luận văn "phá cách" về Rubik's Cubes cùng thành tích học tập khá tốt từ cấp 3 trường chuyên Lê Quý Đôn Khánh Hoà và trường cấp 3 ở Mỹ, Trân được nhận vào đại học UCLA.

Lập phương Rubik là một trò chơi giải đố cơ học được giáo sư kiến trúc, nhà điêu khắc gia người Hungary, Ernő Rubik phát minh vào năm 1974. Mỗi mặt của phiên bản này có 9 ô vuông và được sơn phủ một trong sáu màu khác nhau. Bài toán bắt đầu bằng việc xáo trộn tất cả vị trí các ô vuông ở mỗi mặt, tức là các màu sắc xen kẽ nhau và chỉ được giải quyết khi mà mỗi mặt của khối là một màu đồng nhất.

Nhờ luận văn "phá cách" ấy cùng thành tích học tập từ cấp 3 trường chuyên Lê Quý Đôn Khánh Hòa và lớp 12 ở Mỹ, Trân được nhận vào đại học UCLA (University of California, Los Angeles), top 1 về trường công lập ở Mỹ, và top 9 thế giới. Không chỉ được 9 trường đại học nhận, Trân còn nhận được học bổng toàn phần của trường đại học University of California, Merces và thêm 14 ngàn USD tiền sinh hoạt thêm hàng năm. Vì UCLA là ngôi trường mơ ước từ nhỏ, nên Trân đã chọn học ngôi trường này với học bổng toàn phần 4 năm học.

Cuối năm học, vì thành tích khá tốt, có điểm GPA cao nhất trường, chính cô hiệu trưởng còn giúp Trân xin quỹ học bổng của trường, của thành phố và bệnh viện. Năm vừa rồi, Trân trở thành nghiên cứu sinh của viện Massachusetts Eye and Ear Infirmary - Harvard Medical School (ĐH Y Harvard) nhờ vào bài viết và cuộc phỏng vấn 45 phút về Piano, Hội Hoạ, và góc nhìn giải quyết tình huống trong Y khoa nhờ chơi Rubik's Cubes. Hiện tại Trân có thể giải các loại Rubik khó như 7x7x7 hoặc 9x9x9 (các loại Rubiks khác phức tạp và lớn). 

Nữ sinh Khánh Hòa săn học bổng trường Mỹ top đầu, giành suất nghiên cứu sinh Harvard nhờ luận văn giải Rubik’s Cubes: Tiết lộ bí quyết chinh phục 5 ngoại ngữ - Ảnh 3.

Ngoài đam mê với Y khoa, Trân cũng thích vẽ và giỏi chơi các loại nhạc cụ.

Từ tiếng Anh bập bõm đến ngoại ngữ thành thạo 5 thứ tiếng

Ít ai biết, trước khi thông thạo nhiều ngoại ngữ và giành được những học bổng đỉnh, Bảo Trân từng thất bại rất nhiều lần trong việc học tiếng Anh.

"Lúc ở Việt Nam, em từng bỏ cuộc vì nản chí, từng nhận điểm kém vì không thể nghe hoặc xấu hổ khi không thể trò chuyện cùng người bản ngữ. Em từng nghĩ em không có khiếu học ngoại ngữ. Nhưng qua trau dồi luyện tập, em biến thất bại thành thành công, học được thất bại là một phần trong quá trình phát triển".

Trân chia sẻ, lợi thế của mình là được sống trong môi trường tiếp xúc với tất cả các ngôn ngữ của thế giới. Trân từng đạt giải ba thi hát bằng ngôn ngữ Hungary trong khoa ngoại ngữ của đại học UCLA.

Tuy vậy, Trân cho rằng không phải cứ ở trong môi trường bản xứ, được "tắm" ngoại ngữ hàng ngày mới học được mà có thể học bằng nhiều cách. Ngôn ngữ là công cụ để chúng ta giao tiếp hàng ngày, nên ở nơi tiếng Việt không được sử dụng rộng rãi thì bắt buộc mình phải tự cố gắng hết sức để theo kịp những bạn sinh ra và lớn lên tại Mỹ. 

Nữ sinh Khánh Hòa săn học bổng trường Mỹ top đầu, giành suất nghiên cứu sinh Harvard nhờ luận văn giải Rubik: Tiết lộ bí quyết chinh phục 5 ngoại ngữ - Ảnh 4.

"Lúc trước qua Mỹ, em được trực tiếp nói chuyện với người Mỹ rồi bắt chước họ. Nhưng thực sự cơ hội để tiếp xúc và nói chuyện hàng ngày là không thật sự nhiều, ai cũng có công việc và cuộc sống riêng nên nếu mình mới qua và nói không rành thì họ chỉ giúp được một phần nào chứ không bằng việc mình tự học được.

Chính vì vậy nếu các bạn trẻ không có điều kiện để tiếp xúc với môi trường nước ngoài có thể xem các chủ đề mình yêu thích bằng tiếng Anh thông qua Youtube, xem phim của họ để biết rõ hơn về văn hoá, kiên nhẫn với bản thân, luyện tập nói trong đầu. Cái gì cũng vậy, tự học là chiếm tới 90% rồi".

Trong 5 thứ tiếng đã học, Trân cho rằng học tiếng Indonesia là dễ nhất mặc dù thời gian học tiếng Hungary của Trân là lâu nhất. "Tiếng Indo rất dễ vì ngữ pháp và cách đọc gần như là giống tiếng Việt, bên cạnh đó tiếng của họ có pha một chút tiếng Anh. Mặc dù được học trên trường chỉ 1 khoá tiếng Indo nhưng đến cuối kì thì em có thể tự tin giao tiếp, phỏng vấn và thuyết trình một bài về bản thân em trước lớp bằng tiếng Indo". 

Thay vì học quá nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, Bảo Trân đã chia nhỏ thời gian học và ôn lại kiến thức. Điện thoại của cô luôn có một app học ghi lại kiến thức cần nhớ, những lúc đi thư giãn, Bảo Trân sẽ vừa ngắm cảnh, vừa ôn lại kiến thức cũ và học những kiến thức mới có thể từ 30-45 phút mỗi ngày.

Nữ sinh Khánh Hòa săn học bổng trường Mỹ top đầu, giành suất nghiên cứu sinh Harvard nhờ luận văn giải Rubik’s Cubes: Tiết lộ bí quyết chinh phục 5 ngoại ngữ - Ảnh 4.

Ngoài đam mê với Y khoa, Trân cũng thích vẽ. Trong hình là một trong những tác phẩm của Trân lúc rảnh rỗi.

"Một người thầy của em từng nói, đừng sợ copy hay bắt chước ai đó. Ngôn ngữ luôn bắt đầu từ sự bắt chước. Cũng giống như trẻ em mới tập nói cũng vậy, chúng luôn nhìn, quan sát và bắt chước từ người lớn. Luyện tập liên tục giúp bộ não ghi nhớ thông tin, từ đó người học có thể sử dụng ngoại ngữ thành thạo", Trân chia sẻ.

Ngoài đam mê với Y khoa, Trân cũng thích vẽ và giỏi chơi các loại nhạc cụ, trong đó, Trân bắt đầu từ chơi Piano từ năm 3 tuổi rưỡi. Khi nộp đơn vào đại học, Trân đã viết một bài về đam mê Piano của mình, và có lẽ nhờ nhiệt huyết đam mê mà nữ sinh này được 9 trường đại học nhận vào năm đó. 

Bảo Trân cho rằng, sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ tài năng và trí tuệ để theo đuổi mọi ước mơ và hoài bão của mình mà không thua kém bất kỳ sinh viên nước nào trên thế giới.

"Hãy là chính mình, làm việc của chính mình và làm việc chăm chỉ. Chúng ta còn trẻ, chúng ta được phép sai lầm, nhưng chúng ta không bao giờ được phép từ bỏ hoài bão của bản thân", Bảo Trân bày tỏ.

Ngoài thời gian dành cho việc học tập và nghiên cứu, Bảo Trân tham gia nhiều hoạt động tình nguyện như: dạy Tiếng Việt cho các em học sinh của CLB Văn hóa Việt Nam tại UCLA (2015-2019); được công nhận là sinh viên tình nguyện tích cực của bệnh viện UCLA Children Mattel's năm 2019… Tính tới nay, cô có tới gần 1.000 giờ hoạt động xã hội.

Hiện tại, Bảo Trân mong muốn được trở thành bác sĩ nhãn khoa giỏi về chuyên môn, tham gia nhiều nghiên cứu, hội thảo để phát triển kĩ năng và nâng cao tay nghề. Trong tương lai, Bảo Trân cũng mong sẽ mở rộng, liên kết với nhiều chương trình từ thiện khám và chữa bệnh mắt miễn phí cho người dân nghèo ở Việt Nam.

Nữ sinh Khánh Hòa săn học bổng trường Mỹ top đầu, trở thành nghiên cứu sinh Harvard nhờ chơi... Rubik: Tiết lộ bí quyết chinh phục 5 ngoại ngữ - Ảnh 7.