Liên quan đến sự việc em N.T.Y (học sinh lớp 9, trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bị 5 bạn nữ cùng lớp lột quần áo, đánh đập, khiến dư luận xôn xao, chúng tôi tìm đến bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên, nơi em Y. đang điều trị. Sau 8 ngày bị bạn đánh, sức khỏe của Y. đã tốt hơn nhưng tinh thần vẫn còn sợ hãi.
Nữ sinh N.T.Y vẫn đang được điều trị tại bệnh viện sau nhiều ngày sang chấn tâm lý.
Trao đổi với chúng tôi về chuyện bị bạn đánh, lột đồ, Y tâm sự: "Do là hôm ấy cháu không mang mũ ca-lô ra cho các bạn nên đã bị các bạn gây sự từ trưa. Đến chiều thì bạn T. nói là cháu viết thư cho người yêu bạn ấy, nhưng cháu bảo không biết gì hết, thế rồi bạn ấy đánh cháu luôn. Bạn L. cũng tiếp lời rằng cháu không mang mũ ca-lô nên lao vào đánh luôn. Các bạn không cho cháu giải thích dù cháu có giải thích nhưng không thể được", H.Y nhớ lại.
Theo lời Y. trong số 5 bạn đã tham gia đánh, hầu hết là những bạn đã từng có những hành vi tương tự đối với em. Nhiều khi đến giờ ra chơi các bạn được nô đùa thì Y. phải ngồi lại chép bài thay, hoặc có những lần em phải đến lớp sớm để trực nhật do các bạn này yêu cầu.
Bên cạnh nữ sinh luôn là bà nội ở cạnh chăm sóc.
Thế nhưng, tất cả những chuyện như vậy Y. đều không dám nói với gia đình hoặc kể lại cho cô giáo vì sợ các bạn bắt phạt.
"Buổi trưa hôm xảy ra sự việc, các bạn có gây sự với cháu, cháu sợ quá nên không dám nói, các bạn cùng lớp cũng sợ bị đánh nên cũng không dám nói gì. Sau buổi học, các bạn ấy hẹn cháu ở lại rồi đánh cháu, có lần đánh các bạn quay clip lại", Y. nói.
Nói đến đây, Y. trầm lại, chúng tôi hỏi thêm về cảm nghĩ của mình, Y. cho biết, em không hận và muốn tha thứ cho các bạn.
"Nếu đến trường, cháu vẫn mong được gặp các bạn ở lớp, không muốn các bạn bị đuổi học nhưng cháu muốn chuyển trường, dù chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là hết cấp", nữ sinh chia sẻ.
Nữ sinh có mong muốn được chuyển trường.
Nói về hoàn cảnh gia đình Y. tại thôn La Mát (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), nhiều người không khỏi xót xa khi gia đình nữ sinh này có hoàn cảnh đặc biệt éo le.
Ngôi nhà lâu đời của gia đình cháu Y.
Ngôi nhà nhỏ được xây bằng vôi vữa rất lâu đời đã ẩm mốc, bong tróc khắp nơi, đây là nơi sinh sống của 3 đời gồm ông nội và bố mẹ Y. (tổng số người sinh hoạt trong gia đình là 7 người). Tuy nhiên, trụ cột để kiếm tiền nuôi sống cho tất cả lại là 2 người phụ nữ (bà nội và mẹ của Y.).
Chia sẻ với chúng tôi, người thân trong gia đình Y. cho hay, bản thân ông nội của Y. là Nguyễn Văn Vang (SN 1952) bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học từ thời chiến dẫn đến căn bệnh thần kinh dạng nhẹ, đôi khi tinh thần không ổn định.
Việc sinh hoạt trong cuộc sống của ông nội em Y. cũng không được bình thường, hàng ngày ông Vang chỉ quanh quẩn việc nhà và trông nom 2 đứa cháu nhỏ để vợ và con dâu đi lao động kiếm tiền nuôi cả gia đình.
Anh Dư không đủ hiểu biết về những gì đang xảy ra đối với con gái.
Về phần anh Nguyễn Văn Dư (SN 1983, bố cháu Y.), theo chia sẻ của bà nội cháu Y. (mẹ anh Dư), anh này có thể hình bề ngoài không khác người bình thường, nhưng trí tuệ lại chậm chạp, ít nói do di truyền từ của bố nên không thể đến trường để học chữ.
Hàng ngày công việc của anh Dư chỉ có thể đi phụ hồ để kiếm khoảng 100 ngàn đồng/ngày do chủ thầu thương tình giúp đỡ để anh có chút tiền phụ cho vợ nuôi 3 đứa con nhỏ. Trong đó có một cháu gái út năm nay đã hơn 2 tuổi nhưng còi cọc, nặng chỉ khoảng 10kg.
Thấy anh Dư ngồi lặng lẽ trên chiếc giường cũ kỹ ở góc nhà, chúng tôi hỏi về sự việc đang xảy ra với con gái, anh Dư chỉ nhỏ nhẹ trả lời một vài câu rất tẻ nhạt.
Trụ cột của gia đình nữ sinh là bà nội và mẹ đẻ.
Đáp lời thay cho chồng, chị Vũ Thị Oanh (mẹ của Y.) tuy cũng chậm chạp như bao người nhận xét, nhưng chị vẫn còn đủ nhận thức một chút, chị vẫn biết tức giận và nói rằng, hàng ngày chị đi làm cho một công ty may từ sáng đến tối.
"Nếu tăng ca lên 12 tiếng/ngày thì tôi về rất muộn, một tuần chỉ được nghỉ ngày chủ nhật nên không có thời gian chăm con. Cháu hiền lành lắm, chẳng cãi nhau với ai bao giờ. Hàng ngày cứ đi học về là cháu giúp bà, cơm nước, việc nhà nên cũng không có thời gian giao lưu với các bạn.
Lúc xem đoạn phim do người ta mở điện thoại để xem cháu bị đánh, tôi tức lắm vì không ngờ con mình bị bạn đánh dã man đến như vậy, từ lúc đó tôi ám ảnh", chị Oanh tâm sự.