Xung quanh thông tin các bác sĩ 1 bệnh viện tuyến huyện đã khiến nữ sinh lớp 10 phải cưa mất chân, chiều ngày 15/3, chia sẻ với báo Đất Việt, chị Lê Thị Thùy Trang (chị gái của Vi, ngụ xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết:
"Khi em Vi còn ở bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, gia đình rất tin tường và giao trách nhiệm cho bác sĩ. Tuy nhiên, đến khi tình trạng chân của Vi bị bỏng nước và sưng lên, gia đình thấy vậy xin chuyển viện đến lần thứ 2 mà không được thì lúc đó cảm thấy thực sự lo lắng, những người bình thường ở quanh đó nhìn vào cũng đoán chân này đang bị hoại tử rồi huống chi là người có kinh nghiệm chuyên môn trong nghề lại không biết.
Việc bác sĩ không cho gia đình chuyển Vi lên bệnh viện tuyến trên tôi nghĩ có khi do sợ bị tuyến trên đánh giá là trường hợp nhẹ cũng không xử lý được. Thực sự tôi rất bất bình về tinh thần trách nhiệm của các bác sĩ này, đây không phải trường hợp đầu tiên, mà còn sau này nữa. Tương lai của bé còn quá dài, cuộc sống chưa bắt đầu mà giờ không còn gì nữa"
Cũng theo chị Trang: "Mặc dù Vi bị như vậy nhưng em rất ngoan và thương bố mẹ. Vi động viên gia đình phải cố gắng bước tiếp, người ta mất 2 tay 2 chân còn phải cố gắng huống chi là mình. Tôi biết, Vi đau lắm nhưng vẫn phải cố tỏ ra mạnh mẽ để mẹ yên lòng".
Trong khi đó, cùng ngày, ông Nguyễn Văn Tâm (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin) cho biết: "Báo chí đưa tin 2 lần gia đình lên xin giám đốc cho chuyển viện là không có vì tôi ngồi ở 1 phòng chỗ khác, khi nào khoa viết giấy chuyển viện và có văn bản kèm theo thì mới đưa tôi ký, chứ tôi đâu có biết gì về việc gia đình xin chuyển.
Nếu như tôi trực tiếp nhìn thấy tình trạng của bệnh nhân như này tôi cũng sẽ cho đi thôi, vì tính mạng của bệnh nhân là trên hết, không có chuyện sợ các bác sĩ tuyến trên nhận xét đâu".
Nói về nguyên nhân xảy ra sự việc này, ông Tâm cho biết: "Xảy ra sự việc này là do hôm đó vào ngày nghỉ, thiếu bác sĩ, có mình bác sĩ bên khoa ngoại làm, công việc lu bu, khám chữa hàng trăm bệnh nhân nên mới không kiểm soát được hết tình trạng bệnh của em Vi.
Hiện tại bệnh viện tôi đang thiếu bác sĩ nhất là bác sĩ bên khoa ngoại. Đây cũng là do sự tắc trách từ lúc bác sĩ bên khoa ngoại bó bột cho đến lúc xin chuyển viện mà không được".
Cũng theo ông Tâm: "Trước mắt bệnh viện đã họp hội đồng lãnh đạo và quyết định không phân công việc chuyên môn cho bác sĩ đó 15 ngày, phải chờ kiểm tra xem sự tắc trách đến đâu sẽ có hình thức xử lý cụ thể. Về số tiền 20 triệu bệnh viện hỗ trợ bé Vi là tiền cá nhân của các bác sĩ tự bỏ ra".
Về vấn đề này, ngày 15/3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk yêu cầu khẩn trương xác minh thông tin về trường hợp nữ sinh mất chân vì bệnh viện tắc trách, xử lý theo quy định hiện hành.
'Mẹ ơi đừng khóc' Mạng xã hội đang chia sẻ khắp nơi câu chuyện về một
cô gái bị cưa chân sau tai nạn chỉ vì sự
tắc trách của bác sĩ. Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, huyện Cư Kuin, Đăk Lăk) bị chấn
thương chân, phải bó bột nhưng lại bị bác sĩ bó quá chặt, khi tháo bột ra thì
phát hiện chân đã hoại tử, phải cắt bỏ. Trên trang cá nhân của mình, dù đau đớn, mất mát quá lớn nhưng Vi vẫn tỏ ra bình tĩnh và sẵn sàng đối diện với mọi chuyện. Hơn thế, cô còn an ủi mẹ mình đừng khóc: “Chỉ là số phận trớ trêu... Đâu ai lường trước được điều gì. Bây giờ con chỉ muốn mẹ vui vẻ, khỏe mạnh để chăm sóc cho con. Mẹ vui ba vui thì con mới vui được. Nên mẹ đừng khóc hay suy nghĩ nhiều nữa. Mẹ phải lạc quan lên như con này” Chia sẻ của Vi nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều người tỏ ra rất bức xúc trước sự tắc trách và trình độ chuyên môn yếu kém của các bác sĩ và mong muốn vụ việc sớm được xử lý. |