Những bạn trẻ có ý định ra nước ngoài học tập thường chuẩn bị hồ sơ sớm để thuận lợi cho quá trình "apply" (nộp đơn) lên Đại học. GPA, chứng chỉ ngoại ngữ, bài luận, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu,… là những thứ không thể thiếu trong bộ hồ sơ "apply" học bổng. Để quá trình xét tuyển thuận lợi, bộ hồ sơ cần được thực hiện một cách cẩn thận, chỉn chu giúp tăng cơ hội bước vào vòng tiếp theo. 

Trước những yêu cầu khắt khe trong việc thực hiện hồ sơ, rất ít học sinh đủ khả năng "apply" học bổng ra nước ngoài học tập khi đang học ở bậc THCS. Các em thường chọn phương án học cấp 3 tại Việt Nam nhằm tích lũy kiến thức, kỹ năng cũng như nâng cao khả năng ngôn ngữ. 

Thế nhưng, Trần Nguyễn Duy Va (SN 2007), tỉnh Quảng Nam đã tự tin "apply" một số trường cấp 3 tại nước Mỹ. Nữ sinh xuất sắc nhận học bổng với tổng số tiền lên đến 6,8 tỷ đồng/3 năm học tại 4 trường THPT nội trú gồm: North Cross School, Brook Hill School, Lee Academy và Storm King. 

Tuy thành công ngoài mong đợi khi "apply" nhưng nữ sinh không chọn sang Mỹ mà quyết định ở lại Việt Nam tiếp tục học tập. Lý do nữ sinh "apply" học bổng sớm như vậy bởi em muốn tích lũy kinh nghiệm để khi lên cấp 3 có thể chuẩn bị hồ sơ đi du học tốt nhất. Không chỉ vậy, Duy Va còn đạt nhiều thành tựu khác trong học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Một số thành tựu mà nữ sinh đạt được:

- Giải Nhì cuộc thi HSG Tiếng Anh cấp thành phố (năm 2021).

- Giải Ba hội thi tài năng Tiếng Anh cấp thành phố (năm 2021).

- Giải Ba cuộc thi English Champion (kèm theo học bổng từ Ivy Global School và IvyPrep Education) (năm 2021).

- Huy chương Vàng giải Khiêu vũ thể thao Khánh Thi mở rộng lần thứ 15 (năm 2019).

- Huy chương Đồng giải Khiêu vũ thể thao Thanh thiếu nhi Đà Nẵng mở rộng lần thứ III (năm 2019).

- Founder kiêm Chủ nhiệm DREAM English Speaking Club (năm 2017 - 2019).

- Phát thanh viên cho chương trình về văn nghệ thiếu nhi tại Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam (năm 2017 - 2022).

- Đại sứ truyền thông tại Tiệm tạp hóa Kỹ Năng Du Học (năm 2022).

- MC tại một số sự kiện như: NOAH Workshop (năm 2021), Vì tôi còn sống (năm 2022),… Ngoài ra, nữ sinh còn là thành viên nhiều CLB, tổ chức khác.

Nữ sinh Quảng Nam đỗ 4 trường THPT tại Mỹ với tổng giá trị học bổng lên đến 6,8 tỷ đồng - Ảnh 2.

Trần Nguyễn Duy Va trúng tuyển vào 4 ngôi trường cấp 3 tại Mỹ khi đang là học sinh lớp 9.

"APPLY" HỌC BỔNG ĐỂ LẤY KINH NGHIỆM, AI DÈ ĐỖ HÀNG LOẠT TRƯỜNG NỔI TIẾNG

Ngay từ khi đang là học sinh THCS, Duy Va đã sớm xác định mục tiêu lớn là ra nước ngoài học tập nhằm phát triển bản thân. Vì vậy, thay vì đến năm cấp 3 mới chuẩn bị hồ sơ như nhiều bạn khác, Duy Va đã quyết định nộp hồ sơ cho một số trường THPT bên Mỹ từ sớm. Đây là cách giúp nữ sinh tích lũy kiến thức cùng kỹ năng thực chiến.

Trong quá trình "apply" học bổng, Duy Va nhận được sự trợ giúp từ một trung tâm tư vấn du học. Tuy nhiên, nữ sinh không dựa hoàn toàn vào trung tâm mà luôn tự tìm hiểu thông tin các trường như: Ranking (bảng xếp hạng), chuyên ngành nổi bật, học phí,… để tìm ra những ngôi trường phù hợp với bản thân. 

Vì "apply" chương trình THPT nên hồ sơ "nhẹ nhàng" hơn so với chương trình Đại học. Duy Va chỉ cần chuẩn bị bảng thành tích học thuật, 1 bài kiểm tra tiếng Anh và vòng phỏng vấn. Trong đó, vòng phỏng vấn là "khó nhằn" bởi thí sinh phải trả lời các câu hỏi mà ban tuyển sinh, cũng như Hiệu trưởng đưa ra. 

Nữ sinh Quảng Nam đỗ 4 trường THPT tại Mỹ với tổng giá trị học bổng lên đến 6,8 tỷ đồng - Ảnh 3.

Mục đích "apply" học bổng ban đầu của nữ sinh là để tích lũy kinh nghiệm.

Nữ sinh Quảng Nam bật mí, 1 số nội dung cơ bản mà thí sinh có thể chuẩn bị trước như: Giới thiệu bản thân? Tại sao lại chọn ngôi trường này mà không phải là trường khác? Điều gì của trường khiến em đặc biệt ấn tượng? Khi được nhận vào học, em sẽ đóng góp cho trường thế nào?,… Tùy người phỏng vấn và sự thể hiện cá nhân sẽ quyết định thời gian cuộc trao đổi. Nhưng thông thường, buổi phỏng vấn kéo dài 10 – 20 phút. Thí sinh nên tập trung vào trọng tâm câu hỏi, tránh trả lời lan man. 

Duy Va hào hứng chia sẻ: "Trước khi bước vào vòng phỏng vấn, bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin của từng ngôi trường. Chẳng hạn khi em phỏng với Hiệu trưởng trường Lee Academy, em đã tìm hiểu kỹ mọi thông tin liên quan. Đây là ngôi trường thiên về khối Xã hội, phù hợp với năng lực của em. Trường lại có cơ sở tại Hàn Quốc và Trung Quốc nên đồng điệu với văn hóa Việt. 

Nữ sinh Quảng Nam đỗ 4 trường THPT tại Mỹ với tổng giá trị học bổng lên đến 6,8 tỷ đồng - Ảnh 4.

Duy Va cùng cô giáo chủ nhiệm lớp 10.

Khi bước vào buổi phỏng vấn với Hiệu trưởng, em đã giới thiệu mình sinh ra và lớn lên tại vùng đất Quảng và có niềm mong ước tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Vì vậy em đã "apply" vào Lee Academy bởi cảm thấy ngôi trường phù hợp với định hướng cá nhân. Nếu được nhận học, em sẽ trở thành MC trong các sự kiện/chương trình của trường và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa khác". 

Sau khi tham gia 4 cuộc phỏng vấn với 4 trường khác nhau, Duy Va rút ra cho mình được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho những lần "apply" học bổng vào Đại học sau này. Thứ nhất, trước khi phỏng vấn, bạn cần sắp xếp các ý theo mức độ ưu tiên để đảm bảo súc tích, mạch lạc. Điều này cũng khiến ban tuyển sinh đánh giá ứng viên là người cẩn thận, có sự chuẩn bị nghiêm túc. 

Điều thứ hai, Duy Va khuyên các bạn nên chuẩn bị 1 – 2 câu hỏi dành cho nhà trường. Những câu hỏi này tránh liên quan đến vấn đề chính trị, tôn giáo. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi biện pháp của nhà trường trong việc giúp tân sinh viên sớm hòa nhập ở môi trường mới. Việc đặt ngược câu hỏi thể hiện bạn là người tự tin, có sự chủ động. 

Nữ sinh Quảng Nam đỗ 4 trường THPT tại Mỹ với tổng giá trị học bổng lên đến 6,8 tỷ đồng - Ảnh 5.

Duy Va cho rằng, điều quan trọng nhất giúp tăng cơ hội trúng tuyển là các bạn cần tìm hiểu kỹ về trường.

LÀ CÔ PHÁT THANH VIÊN THÂN THUỘC TRONG CHƯƠNG TRÌNH THIẾU NHI 

Từ khi còn học lớp 4, lớp 5, Duy Va đã tích cực đến nhà Văn hóa thiếu nhi tham gia các hoạt động thể chất cũng như nghệ thuật. Tại đây, em thử sức với môn Âm nhạc nhưng sớm dừng lại vì nhận ra bản thân không có năng khiếu. Sau đó, Duy Va được một cô MC phát hiện ra có khả năng trở thành người dẫn chương trình truyền hình. Vì vậy, cô đã hướng dẫn em những kỹ năng cơ bản và khuyến khích tham gia buổi casting tại Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam. 

Ngay ở lần casting đầu tiên, Duy Va không thành công. Ban giám khảo nhận xét giọng dẫn của em phù hợp với dẫn sân khấu hơn bởi em sở hữu chất giọng cao. Còn phát thanh viên dẫn truyền hình cần chất giọng điềm tĩnh, trầm ấm. Sau lần thất bại ấy, Duy Va đã cố gắng cải thiện chất giọng cũng như học hỏi kỹ năng dẫn. Em học cách phát âm, cách nói chuyện nhấn nhá để tạo sự đặc biệt cùng việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể. 

Nữ sinh Quảng Nam đỗ 4 trường THPT tại Mỹ với tổng giá trị học bổng lên đến 6,8 tỷ đồng - Ảnh 6.

Nữ sinh từng là phát thanh viên quen thuộc trong những chương trình thiếu nhi tại tỉnh Quảng Nam.

Ở buổi casting lần 2, Duy Va thành công ngoài mong đợi. Sau đó, em trở thành cô phát thanh viên thân thuộc trong những chương trình thiếu nhi tại địa phương. Duy Va là thần tượng của không ít em nhỏ bởi sở hữu ngoại hình xinh xắn, giọng nói truyền cảm. 

Nữ sinh Quảng Nam hạnh phúc chia sẻ: "Gắn bó với công việc phát thanh viên suốt 4 năm đã mang đến cho em nhiều bài học giá trị. Ngoài nâng cao kiến thức chuyên môn, công việc còn giúp em trở nên tự tin hơn rất nhiều. Em còn học được cách viết kịch bản và phát triển thêm nhiều mối quan hệ".

Ngoài công việc phát thanh viên, Duy Va còn điều hành một Câu lạc bộ tiếng Anh với sự tham gia của 20 – 30 thành viên. Đây là sân chơi lành mạnh giúp học sinh cải thiện và nâng cao trình độ tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng Nói. CLB tổ chức mỗi tuần 1 buổi gồm các hoạt động như: Học từ vựng, chia nhóm thuyết trình, tham gia trò chơi,... Những hoạt động trên nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ học sinh và cha mẹ các em. 

Nữ sinh Quảng Nam đỗ 4 trường THPT tại Mỹ với tổng giá trị học bổng lên đến 6,8 tỷ đồng - Ảnh 7.

Vừa học tập, "apply" học bổng lại vừa tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nên đôi lúc, Duy Va rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Những lúc ấy, nữ sinh đã khóc rất nhiều, bỏ bê bản thân, trì hoãn mọi việc. Nhưng may mắn Duy Va luôn có gia đình và bạn bè bên cạnh, động viên tinh thần giúp em vượt qua thách thức. 

Nhìn lại hành trình đã qua và con đường phía trước cần bước tiếp, Duy Va thầm nhủ bản thân cần nỗ lực nhiều hơn nữa để chinh phục những mục tiêu mới. 

Ảnh: NVCC