Ước mơ bị trì hoãn
Một ngày cuối hè năm 2004 là ngày khó quên với gia đình nữ sinh Lữ Hân Hân ở Chiết Giang, Trung Quốc. Sau 12 năm đèn sách chăm chỉ, Lữ Hân Hân cuối cũng hái được trái ngọt khi đạt thành tích cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm đó.
Từ nhỏ, Lữ Hân Hân đã có ước mơ trở thành nhà thiết kế và mong muốn sẽ đỗ vào khoa Mỹ thuật của Đại học Thanh Hoa - ngôi trường hàng đầu Trung Quốc. Và năm đó, điểm số của cô cũng đã vượt điểm đỗ của Đại học Thanh Hoa, vì vậy cả gia đình đều vui mừng vì con gái sắp sửa được bước chân vào trường đại học danh giá.
Nhưng đến hết mùa hè, khi bạn bè cùng lớp đều đã nhận giấy báo nhập học, còn Lữ Hân Hân vẫn chờ đợi mòn mỏi mà vẫn chưa thấy giấy báo từ Đại học Thanh Hoa. Điều kỳ lạ hơn là cô cũng không nhận được giấy báo nào từ những nguyện vọng khác dù có mức điểm rất cao.
Thời điểm đó, các phương tiện thông tin vẫn chưa phát triển, Lữ Hân Hân không biết phải làm thế nào để tìm hiểu lý do mình không đỗ vào Đại học Thanh Hoa. Cuối cùng, nữ sinh ở Chiết Giang không còn cách nào khác đành vào học một trường Cao đẳng nghề tại Bắc Kinh.
Để bù đắp cho những tiếc nuối vì không đỗ ngôi trường mơ ước, Lữ Hân Hân đã lao đầu vào học thật chăm chỉ ngay cả khi học ở cao đẳng nghề. Sau một năm học tập, Lữ Hân Hân dần dần thích ứng với cuộc sống ở đây, nhưng đến một ngày, một sự việc xảy ra lại khiến cuộc sống của cô hoàn toàn thay đổi.
Khi Lữ Hân Hân vừa học xong năm nhất, một ngày, bố cô ra mở tủ thư tín kiểm tra như thường lệ thì bất ngờ phát hiện một phong bì lớn. Khi cầm lên xem, ông bàng hoàng đến không đứng vững, vì trên đó khi gõ giấy báo trúng tuyển của Đại học Thanh Hoa, kèm theo tên Lữ Hân Hân trên đó.
Nhưng tại sao phải đến một năm sau giấy báo trúng tuyển này mới được gửi đi? Rõ ràng một năm qua họ không hề biết đến sự tồn tại của nó. Bố Lữ Hân Hân quyết định đưa con gái đến Đại học Thanh Hoa để hỏi cho rõ. Ông cũng nghĩ rằng “còn nước còn tát”, chỉ cần có giấy báo là Lư Hân Hân vẫn có thể nhập học đại học Thanh Hoa.
Tuy nhiên, sau khi hai bố con Lữ Hân Hân đến nơi, phòng tuyển sinh Đại học Thanh Hoa xem giấy báo rồi tuyên bố: “Giấy báo trúng tuyển này đã đã gửi đi từ một năm trước và không còn hiệu lực. Em không đủ điều kiện học ở đây, trừ khi tham gia thi lại đại học”.
Mặc dù đã học 1 năm ở trường khác, cũng nghĩ rằng mình đã lỡ hẹn với Đại học Thanh Hoa, nhưng khi biết mình thực chất đã đỗ mà không hay biết, Lữ Hân Hân bật khóc ngay tại phòng tuyển sinh.
Tìm kiếm sự thật
Không chấp nhận được chuyện này, bố Lữ Hân Hân tìm đến bưu điện địa phương, nơi nhận chuyển phát tất cả đơn nguyện vọng và giấy báo trúng tuyển đại học của các học sinh trong khu vực. Tuy nhiên, nơi này chối bay chối biến và nói rằng chuyện đã qua 1 năm nên họ không còn nhớ rõ.
Cuối cùng, sau nỗ lực làm rõ sự thật của bố Lữ Hân Hân, bưu điện mới rà soát lại thông tin và thừa nhận do nhân viên của họ bất cẩn. Theo lời giải thích của bưu điện, nhân viên bưu tá làm việc vào thời điểm Lữ Hân Hân trúng tuyển năm ngoái là một nhân viên mới. Vì chưa có kinh nghiệm, thay vì để đúng phong bì vào tủ chuyên nhận thư trước nhà, người này lại để nhầm vào tủ dùng để giao sữa.
Ở Trung Quốc, các khu dân cư thường đặt một tủ đựng thư tín có nhiều ngăn, đánh số tương ứng với từng hộ gia đình. Tuy nhiên ở nhiều nơi, người dân thường đặt sữa giao định kỳ và sẽ có thêm một loại tủ tương tự để nhân viên giao sữa để vào đó. Do bất cẩn không nhìn chữ trên tủ, mới dẫn đến sự việc nhân viên bưu tá để giấy báo trúng tuyển của Lữ Hân Hân nhầm chỗ. Một năm sau, khi nhân viên khác đến giao thư, ban đầu cũng mở nhầm tủ sữa và nhìn thấy chiếc phong bì ở đó, vì vậy mới để lại đúng vào tủ thư tín của nhà Lữ Hân Hân.
Không chấp nhận lời giải thích của phía bưu điện, bố Lữ Hân Hân yêu cầu họ phải giải quyết vì đã làm lỡ dở giấc mơ của con gái. Nhưng bưu điện cho biết họ chỉ có thể sa thải nhân viên đó chứ không còn biện pháp nào hơn.
Khi thấy gia đình phải vất vả đòi lại công bằng cho mình nhưng không có kết quả, Lữ Hân Hân quyết định quay về ngôi trường mình đang học và tiếp tục nỗ lực. Mặc dù Đại học Thanh Hoa là mơ ước từ nhỏ, nhưng nếu cứ sống mãi trong tiếc nuối thì cũng không thay đổi được gì. Cô cho rằng mục tiêu của mình là trở thành một nhà thiết kế xuất sắc, vì vậy chỉ cần chăm chỉ và cố gắng thì nhất định đều có thể thành công, cho dù là ở nơi nào đi nữa.
(Theo 163.com)