Mới đây, những dòng chia sẻ của Lâm Ái Vy (SN 2006, TP.HCM) trên một hội nhóm dành cho học sinh, sinh viên đã thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tuy mới học lớp 11 nhưng nữ sinh đã trang bị cho mình hàng loạt kiến thức xã hội cùng kỹ năng mềm thông qua các dự án hoạt động ngoại khóa "xịn sò". Ái Vy mong rằng những hoạt động thiết thực sẽ giúp ích được cộng đồng và là điểm sáng trong hồ sơ xin học bổng tại Mỹ trong thời gian tới.

Nữ sinh TP. HCM chia sẻ, học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa với 1001 lý do khác nhau. Người muốn làm đẹp CV xin học bổng đi du học, người muốn tuổi trẻ của mình thêm ý nghĩa. Nhưng có lẽ sau cùng, mục tiêu vĩ đại, lớn lao nhất là giúp bản thân phát triển kiến thức và các kỹ năng mềm. Ngày nay, có rất nhiều dự án ngoại khóa do đơn vị/tổ chức/cá nhân mở ra. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng hữu ích, có ý nghĩa nhân văn.

Vì thế, từ kinh nghiệm của bản thân, Ái Vy đã chia sẻ tới các bạn học sinh bí kíp chọn các dự án hoạt động ngoại khóa "xịn sò" để học được nhiều điều bổ ích, tránh gây lãng phí thời gian.

Một số hoạt động ngoại khóa mà Lâm Ái Vy tham gia

The Bolm - Truyền thông - CTV (25/2/2022-24/4/2022).

Cerca Trova - Truyền thông - thành viên (1/3/2022-13/4/2022).

The Ethniques - Nội dung - thành viên (18/3/2022-01/07/2022).

LAAN - Truyền thông - Vice (2/6/2022 đến nay).

The Bolm - Nội dung - CTV (8/6/2022-2/7/2022).

ASP - Nhân sự - CTV (15/6/2022 đến nay).

Lovart - Truyền thông - Vice (17/6/2022 đến nay).

The OAP - Nội dung - Vice of Content (3/7/2022 đến nay).

Psychology Detective - Tài chính & Đối ngoại - thành viên (6/7/2022 đến nay).

Tiệm Sử Ca - vice PR (7/7/2022 đến nay).

Tiệm tạp hóa kỹ năng du học - Đại sứ (27/6/2022 đến nay).

CÁCH TÌM DỰ ÁN HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ "XỊN SÒ"

1. Nội dung các bài viết được đăng tải trên fanpage dự án

Đầu tiên, chúng ta cần xem bài tổng quan để hiểu sứ mệnh và mục đích của dự án, rồi tiếp đến là các bài viết có liên quan được đăng tải trên fanpage. Bạn cần chú ý đến chất lượng bài viết (đặc biệt là bài mở đơn). Chất lượng bài viết sẽ thể hiện qua: Thông tin bổ ích, mới lạ; giọng văn,…

2. Về mảng design của dự án

Cái này không phải chuyên môn của mình. Nhưng đại loại là design cho các bài đăng hay ảnh bìa, avatar (ảnh đại diện) trông phải bắt mắt một chút (có thể đơn giản mà trông vẫn xinh, có điểm nhấn) thể hiện được sự đầu tư về mặt hình ảnh của dự án.

3. Phần comment (tham khảo)

Điều này tuỳ vào sự thân thiện của các thành viên trong dự án hoạt động. Sự thân thiện của các thành viên cũng có thể được bộc lộ qua phần comment và cũng có một số dự án tích cực phản hồi comment của độc giả. Đây chính là một dấu hiệu tốt.

4. Mô tả công việc

Ngoài ra, để xem bản thân và dự án có phù hợp với nhau không thì đừng quên đọc kỹ phần mô tả công việc (job description). Hãy để ý đến yêu cầu chung, quyền lợi, nhiệm kỳ, yêu cầu từng phân ban.

Nữ sinh THPT chia sẻ bí kíp chọn hoạt động ngoại khóa: Ngoài làm đẹp CV, đây mới là mục tiêu lớn nhất - Ảnh 2.

Chân dung nữ sinh Lâm Ái Vy.

CÁCH ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC CỦA CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA

1. Không gian thoải mái

Môi trường làm việc tốt mới có thể tạo ra một không gian thoải mái cho chúng ta thoả sức "cháy" với đam mê, phát triển thêm năng lực của bản thân. Và có thể nói rằng, một dự án có chất lượng hay không nằm cả ở môi trường làm việc.

2. Ảnh hưởng trực tiếp

Môi trường xung quanh sẽ ảnh hưởng nhiều đến chúng ta (tính cách, cách cư xử). Việc này chúng ta có thể hình dung như khi chọn trường, chọn ban tự nhiên hay xã hội, chọn nơi sinh sống,… Đây là điều rất quan trọng. Một ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt thì mới có cơ hội cao đạt kết quả học tập cao. Chọn ban phù hợp mới giúp chúng ta học tập hiệu quả. Nếu chọn nơi sinh sống chứa những thành phần bất hảo sẽ ảnh hưởng đến lối xử sự hàng ngày. Chính vì lẽ đó, cũng tương tự như việc chọn môi trường làm việc ở các dự án phi lợi nhuận.

3. Tìm dự án theo sở thích cũng tốt nhưng mà…

Nếu tìm được một dự án về chủ đề bạn đang thích hoặc quan tâm thì rất tốt. Nhưng cũng đừng quên để ý môi trường làm việc. Bởi vì mình tin rằng ai trong chúng ta khi tham gia hoạt động ngoại khoá ngoài lý do làm đẹp CV, hồ sơ đi du học,… thì đều mong phát triển bản thân. Chỉ một môi trường làm việc tốt mới có thể mang lại cho bạn điều này.

Vậy những lợi ích mà một môi trường làm việc tốt sẽ mang lại là gì?

- Nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân: Nếu bạn đang còn phân vân về điểm mạnh, điểm yếu hay sở thích, niềm đam mê của mình thì môi trường làm việc tốt sẽ mở ra nhiều cơ hội khám phá bản thân. Qua các lời nhận xét tâm huyết từ leader sẽ giúp bạn cải thiện trình độ chuyên môn, cũng như nhận ra và khắc phục được những thiếu sót. Điều này là thứ mà chúng ta chẳng thể tìm được nếu ở một môi trường làm việc kém chất lượng.

- Trở nên tự tin và cởi mở: Sau khi hiểu rõ được năng lực của bản thân thì cũng là lúc chúng ta có cho mình sự tự tin để thử sức ở các vị trí cao hơn (head/vice của một phân ban hay thậm chí là co-founder, founder của một dự án hoặc tham gia các cuộc thi lớn, nhỏ khác nhau. Từ đó, định hướng cho tương lai sẽ không còn "quay cuồng trong mơ hồ nữa".

- Rèn luyện tinh thần trách nhiệm, kỷ luật: Sẽ không còn là "tôi - work" nữa mà thật sự là teamwork. Khi ở trong môi trường làm việc chất lượng, bạn sẽ thấy những cá nhân luôn năng nổ với tinh thần nhiệt huyết. Phải nói rằng họ là "đỉnh của chóp". Các bạn ấy không chỉ hoàn thành tốt công việc được giao mà còn sẵn sàng nhận công việc của phân ban khác (khi họ cần sự giúp đỡ và trong khả năng của mình). Khi được làm việc chung với những con người hết lòng vì công việc, phần nào bản thân chúng ta sẽ có động lực làm việc năng suất hơn.

- Tạo dấu ấn đậm sâu: Khi tham gia một dự án có môi trường làm việc tốt thì từng deadline đã được leader cân nhắc kỹ lưỡng. Hoặc nếu deadline được kiến nghị là chưa phù hợp sẽ được sửa đổi hoặc tìm hướng giải quyết. Và hơn hết, ở đấy có những con người siêu cute khi họ thấu hiểu rằng, làm việc đôi lúc sẽ có những "áp lực cột sống". Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên, tham gia hoạt động ngoại khoá là phụ, việc học trên trường vẫn là quan trọng nhất.

Nữ sinh THPT chia sẻ bí kíp chọn hoạt động ngoại khóa: Ngoài làm đẹp CV, đây mới là mục tiêu lớn nhất - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Những tiêu chí để đánh giá dự án hoạt động ngoại khóa trong môi trường làm việc tốt

- Kỷ luật: Cách vận hành dự án bài bản, chặt chẽ thể hiện thông qua nội quy, timeline, cách tính điểm,…

- Thân thiện: Mọi người luôn có thái độ niềm nở, sẵn sàng trò chuyện, giao lưu với nhau. Điều này thể hiện qua box chat tổng.

- Nghiêm túc: Tức là leader phải là người có định hướng, kế hoạch phát triển cho dự án một cách rõ ràng. Bởi đâu ai muốn công sức của mình bỏ vào một dự án chỉ để đi về hư không.

- Sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các thành viên và tiếp thu, sửa đổi: Mình nghĩ điều này là vô cùng cần thiết, không chỉ ở các loại hình hoạt động ngoại khoá mà còn ở cả trường lớp, gia đình, ngoài xã hội. Hãy lắng nghe để thấu hiểu nhau hơn.

- Quan tâm đến các thành viên: Mỗi người sẽ có cách bày tỏ sự quan tâm của mình khác nhau. Nhưng theo mình cảm nhận sẽ có những biểu hiện như sau: Thường xuyên nhắn tin vào box chat trò chuyện cùng mọi người; đưa ra lời nhận xét, góp ý cũng như đưa ra hướng giải quyết vô cùng chi tiết, đưa ra lời động viên. Ngoài ra, sự quan tâm đến các thành viên còn thể hiện qua những buổi tranning chu đáo, leader chủ động nhắn tin riêng hỏi han, nhắc nhở công việc hoặc có thể đưa ra lời ghi nhận khi thành viên làm tốt công việc.