Vừa qua, Lại Thi Minh Hằng, 18 tuổi, sinh sống tại TP. HCM đã giành được suất học bổng trị giá 4,5 tỷ đồng tại trường Đại học Texas Christian University (Texas Christian University). Ngoài ra, nữ sinh TP. HCM còn giành được học bổng tại 8 trường Đại học danh giá khác ở xứ sở cờ hoa, bao gồm: Drexel University, Baylor University, University of Minnesota – Twin Cities, Rhodes College, Illinois Wesleyan University, University of South Florida, Augustana College, DePauw University.
Hiện Minh Hằng đang là học sinh lớp 12 chuyên Anh, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP. HCM). Đến tháng 8/2022, nữ sinh sang Mỹ nhập học, bắt đầu một cuộc sống mới tại đất nước có nền giáo dục phát triển bậc nhất thế giới.
TỪNG TRẦM CẢM VÌ ÁP LỰC HỌC TẬP, GIẬT HỌC BỔNG Ở PHÚT CUỐI
Minh Hằng cho biết bản thân nuôi ước mơ đi du học tại Mỹ từ những năm học cấp 2. Em dự định khi vào học lớp 10 sẽ sang nước ngoài học tập nhưng không được gia đình chấp thuận. Bố mẹ không yên tâm vì Minh Hằng là con gái nên yếu đuối, chưa biết cách bảo vệ bản thân, chưa va chạm nhiều với xã hội. Gia đình quyết định để em đi du học sau khi tốt nghiệp THPT - khi em trưởng thành và cứng cáp hơn.
Minh Hằng học tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong – một trong những ngôi trường danh tiếng bậc nhất tại TP.HCM. Học sinh trong trường đều có thành tích học tập xuất sắc, hoạt động ngoại khoá và xã hội cũng nổi bật không kém. Điều này khiến Minh Hằng rơi vào tự ti trong một thời gian dài.
Minh Hằng tâm sự: "Ngay khi mới vào lớp 10, em rơi vào stress, thậm chí là có thời điểm trầm cảm. Em học không giỏi các môn tự nhiên nên thường xuyên bị điểm kém. Có những lúc cầm bảng điểm trên tay, em ngỡ ngàng không tin vì chưa bao giờ điểm số lại thê thảm như vậy. Phương pháp dạy học khác hoàn toàn so với cấp 2 cùng với đề thi khó hơn rất nhiều khiến em loay hoay mất một thời gian dài.
Tuy nhiên, em may mắn vì được thầy cô, bạn bè hướng dẫn nên đã thích nghi. Dần dần mọi thứ đi vào quỹ đạo, em tìm thấy niềm vui trong học tập. Các bạn trong trường em đều rất giỏi, tư duy nhạy bén và có những điểm sáng nổi trội. Nhưng em không còn cảm thấy bản thân yếu kém nữa, em nhìn vào các bạn để cố gắng nhiều hơn".
Du học là phương án được nhiều học sinh ưu tú chọn lựa. Bởi khi ra nước ngoài học tập, các em sẽ có cơ hội phát triển bản thân. Thông thường học sinh sẽ làm hồ sơ du học từ đầu năm lớp 10 nhằm đảm bảo mọi thứ diễn ra thuận lợi. Nhưng Minh Hằng lại làm hồ sơ vào cuối năm lớp 11. Đây cũng là thời điểm nữ sinh cảm thấy áp lực, mệt mỏi.
"Em làm hồ sơ rất trễ! Cuối năm lớp 11 em mới đi học SAT, IELTS. Hồ sơ của em "xây" mới hoàn toàn, trong khi các bạn cùng trường, cùng lớp đã hoàn thành. Em luôn cảm thấy mình tụt lùi hơn nên phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần", nữ sinh TP. HCM chia sẻ.
Khó khăn là vậy nhưng Minh Hằng luôn nhận được sự động viên từ bố mẹ. Cuối cùng, em đã đỗ vào Texas Christian University và theo học chuyên ngành Marketing. "SAT em đạt vừa đủ điểm dùng; IELTS 7.5 và GPA từ 8.8 – 9.2. Đây là số điểm không quá cao so với nhiều bạn khác nhưng em vẫn dành học bổng giá trị "khủng" bởi năng động tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá cùng việc viết bài luận ấn tượng", Minh Hằng cho biết.
BÀI LUẬN VỀ TÔ CANH CHUA VÀ THÔNG ĐIỆP "NỮ QUYỀN" CHINH PHỤC HỘI ĐỒNG TUYỂN DỤNG
Minh Hằng cho biết, bài luận là một điểm sáng trong hồ sơ của em. Nữ sinh từng nhờ thầy cô tại Trung tâm American Study gửi qua bên Mỹ nhờ những người có kinh nghiệm chấm điểm. Họ đánh giá cao bài luận, khen có sự sáng tạo và văn phong sắc sảo. Minh Hằng cho rằng chính bài luận đã "cứu cánh" cô nàng trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".
Mở đầu bài luận, nữ sinh TP.HCM viết về nếp sống gia đình mình. Vì là học sinh cuối cấp nên em dành nhiều thời gian học tập, thường về nhà vào tối muộn. Nhưng gia đình vẫn đợi em đi học về để cùng ăn bữa cơm cuối ngày sum vầy, có khi đến 9 – 10h mới bắt đầu ăn tối. Minh Hằng cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của bố mẹ dành cho em.
Tiếp đó, nữ sinh kể về một món ăn yêu thích, đó là canh cá nấu chua. Minh Hằng đã mong đợi bố chia đều mắt cá cho hai chị em nhưng bố chỉ gắp cho mỗi người em trai. Điều này khiến nữ sinh cảm thấy hụt hẫng và tủi thân. Em nhận ra gia đình mình vẫn tồn tại suy nghĩ phong kiến, coi trọng nam hơn nữ.
Minh Hằng cho biết: "Gia đình em không đặt nặng nữ quyền. Bố mẹ cho rằng con gái không cần học giỏi, học nhiều, chỉ cần biết làm việc nhà, rèn luyện "công dung ngôn hạnh" là đủ. Vì thế, việc cho em đi du học đã là sự thay đổi lớn về mặt tư tưởng của bố. Điều này giúp em không còn buồn nữa, em thấu hiểu và biết ơn bố rất nhiều.
Em sẽ đợi đến một ngày bố chấp nhận rằng nam nữ bình đẳng như nhau. Thậm chí là con gái còn có sự nghiệp, vị thế tốt hơn con trai. Em sẽ kiên nhẫn đợi chờ, giống như cách bố mẹ đợi em đi học về để cùng nhau ăn bữa tối mỗi ngày".
Nữ sinh TP.HCM cũng cho biết, bên cạnh bài luận ấn tượng thì hoạt động ngoại khoá cũng là điểm sáng giúp em chinh phục hội đồng tuyển dụng. Minh Hằng là thành viên năng động của đội công tác xã hội trong trường. Ngoài ra, em còn là Chủ tịch CLB Thủ thư SiLaSol – Sign Language For The Soul. Hoạt động của CLB là dạy ngôn ngữ dành cho người khiếm thính. Minh Hằng cũng thường xuyên đi làm thiện nguyện tại các mái ấm tình thương, giúp đỡ người già, người neo đơn, trẻ em khuyết tật.
Đặc biệt, nữ sinh xinh đẹp còn là cô chủ nhỏ của một tiệm bán nến thơm có tên là The Peonie. Start-up (dự án khởi nghiệp) của em nhận được sự ủng hộ đông đảo từ mọi người. Có một vài công ty còn đặt đơn sỉ hàng với số lượng lớn. Minh Hằng tự tay làm mọi việc, từ pha chế nến đến lên đơn, đóng hàng, giao hàng.
"Mọi việc đang diễn ra suôn sẻ. Nhờ những hoạt động ngoại khoá cùng mô hình kinh doanh đã giúp bản thân em thay đổi theo hướng tích cực. Em có thêm nhiều mối quan hệ, học được cách set up 1 mô hình kinh doanh, phát triển các kỹ năng mềm quý giá", nữ sinh cho biết.
Người mà Minh Hằng ngưỡng mộ, cảm phục chính là mẹ của em. Em chia sẻ, mẹ là người kiếm tiền giỏi nhưng vẫn dành thời lo toan, vun vén công việc gia đình. Mẹ em là người tâm lý, luôn đưa ra lời khuyên hữu ích cho các con. Mẹ cũng rất chú trọng chuyện học tập: "Đầu tư cho việc học không bao giờ lỗ được". Điều này khiến Minh Hằng biết ơn mẹ rất nhiều. Em luôn tự nhủ sẽ nỗ lực để trở thành người tuyệt vời như mẹ.
"Nếu không sống cho ngày hôm nay thì sẽ không có ngày mai", đó là câu nói truyền động lực mạnh liệt để Minh Hằng nỗ lực mỗi ngày. Với em, mỗi giây mỗi phút đều quý giá, khi qua đi sẽ không quay lại được. Vì vậy, em luôn phấn đấu hết mình để chinh phục những ước mơ và khiến bản thân không phải tiếc nuối vì bất cứ điều gì.
Ảnh: NVCC