Trong Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐHQG-TP. HCM năm 2023, tổng cộng có 88.052 thí sinh tham dự (tỉ lệ dự thi/đăng ký là 98,2%). Kết quả phân tích tổng số 88.052 bài thi đã được chấm, không có bài thi vi phạm quy định. Điểm trung bình thí sinh đạt được là 639,2 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất kỳ thi là 1.091 điểm và thí sinh có điểm thi thấp nhất là 238 điểm (thang điểm 1.200).

Trong đó, em Nguyễn Trà My, hiện đang là học sinh lớp 12 Sinh, trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM đạt vị trí Á khoa 1087 điểm, chỉ thua thủ khoa 4 điểm. Cụ thể, phần Tiếng Việt em đạt 185/200, Tiếng Anh 200/200, phần Toán-Logic-Phân tích số liệu 292/300, KHTN 248/300 và KHXH 162/200.

Á khoa kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐHQG-HCM bật mí chinh phục điểm 1000+ - Ảnh 1.

Em Nguyễn Trà My, hiện đang là học sinh lớp 12 Sinh, trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM đạt vị trí Á khoa 1087 điểm.

Khi hoàn thành bài thi, Trà My tự đánh giá bản thân đã hoàn thành khá tốt, thậm chí có phần may mắn ở một số câu không chắc chắn. Nhưng nhận được kết quả cao vẫn khiến em thực sự bất ngờ.

"Hôm nhận điểm, em đang đi học trên lớp, trang web thinangluc thì liên tục bị lỗi do lượng truy cập đông quá. Em cứ để cho máy tải lại liên tục từ khoảng 10h30, đến tầm 13h thì tự nhiên vào được. Lúc đấy em thật sự rất bất ngờ vì số điểm vượt kì vọng, nhưng em không ngờ mình lại may mắn xếp hạng 2", My khiêm tốn chia sẻ.

Cần xác định và ôn tập những nội dung thường xuất hiện trong đề minh họa các năm, giữ một tâm lý thoải mái nhất

Cấu trúc bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút với ba phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề.

Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ (40 câu), có hai phần nhỏ. Trong đó, phần tiếng Việt (20 câu) nhằm đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản và sử dụng tiếng Việt, khả năng cảm thụ, phân tích các tác phẩm văn học. Đề thi tích hợp nhiều kiến thức về ngữ văn, đòi hỏi thí sinh nắm vững những kỹ năng thực hành tiếng Việt để áp dụng giải quyết các vấn đề liên quan.

Phần tiếng Anh (20 câu) nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh tổng quát ở cấp độ A2-B1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, thông qua các nội dung: lựa chọn cấu trúc câu, nhận diện lỗi sai, đọc hiểu câu, đọc hiểu đoạn văn.

Phần 2: Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu), nhằm đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức Toán học, khả năng tư duy logic, khả năng diễn giải, so sánh phân tích số liệu.

Phần 3: Giải quyết vấn đề (50 câu) sẽ đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản và áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể. Đề có năm lĩnh vực, gồm ba lĩnh vực Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) và hai lĩnh vực khoa học xã hội (Địa lí, Lịch sử).

Đối với cá nhân My, phần khó nhất có lẽ là Giải quyết vấn đề do phần này trải dài ở rất nhiều lĩnh vực. Ngoài kiến thức bản thân có, đôi khi chúng ta còn phải dựa vào may mắn.

"Nếu ở phần này ra những kiến thức mà mình từng đọc qua hoặc học qua thì sẽ có thể xử lý rất nhanh, còn không thì thực sự sẽ khá "chật vật". Để tối ưu số điểm cho phần này, em nghĩ trong quá trình ôn thi, chúng ta cần rèn thêm khả năng suy luận và "khoanh lụi" theo phương pháp suy luận - loại trừ", My chia sẻ.

Theo cảm nhận cá nhân của My, đề ĐGNL có một số phần tương đối lạ, nhất là những câu hỏi về Hóa học, các bài đọc kèm câu hỏi thì có nhiều yếu tố gây nhiễu, gây khó khăn cho không chỉ em mà còn nhiều bạn khác.

My cho rằng, bí quyết của em không có gì "cao siêu". Ngoài việc nắm vững kiến thức sách giáo khoa để làm nền tảng, em ôn tập chủ yếu bằng một số sách luyện thi được bán trên thị trường, bắt đầu từ khoảng giữa học kỳ I năm 12. Chẳng hạn cuốn Tăng tốc luyện đề thi đánh giá năng lực; Sách Giải mã 990+ bài thi ĐGNL ĐHQG TP.HCM (Bộ 2 quyển).

Ngoài việc nắm vững kiến thức sách giáo khoa để làm nền tảng, em ôn tập chủ yếu bằng một số sách luyện thi được bán trên thị trường.

Em chỉ nghĩ, "biết mình biết ta trăm trận trăm thắng", để làm tốt được bài thì cá nhân mỗi thí sinh trong quá trình ôn luyện cần nắm được điểm mạnh và yếu của bản thân, cũng như xác định được số điểm mục tiêu để từ đó xây dựng được chiến lược ôn tập thoải mái và hiệu quả.

Đối với em, cũng không có "chiêu thức" gì đặc biệt cho mỗi phần thi, chỉ là trong quá trình ôn tập cần xác định và ôn tập những nội dung thường xuất hiện trong đề minh họa các năm, giữ một tâm lý thoải mái nhất để phát huy tối đa khả năng của mình và có sự phân bổ thời gian hiệu quả khi làm bài. Một lưu ý là mọi người nên bắt đầu tô đáp án vào tờ phiếu ít nhất là 30 phút trước khi hết giờ làm bài để đảm bảo ít sai sót nhất có thể xảy ra, vì việc tô đáp án cho 120 câu chiếm một khoảng thời gian rất lớn.

Em ôn tập theo từng phân môn, dành khoảng 1 đến 2 tuần cho mỗi phân môn. Sau khi có đủ kiến thức nền tảng thì em bắt tay vào giải những đề minh họa hoàn chỉnh. Trong quá trình giải đề, em có thể phát hiện bản thân chưa thực sự tự tin ở phần nào và tiếp tục ôn tập kỹ hơn ở nội dung đó.

Với các bạn tham gia thi ĐGNL đợt 2 sắp tới, My khuyên nên cố gắng điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, đồng thời xác định rõ ràng mục tiêu để có thể xây dựng cho mình một chiến lược ôn tập hiệu quả, phù hợp và thoải mái nhất. Sắp tới, My dự định xét tuyển vào trường Đại học Ngoại thương, ngành Tài chính quốc tế.

Theo kế hoạch, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2023 được tổ chức thi trước kỳ thi THPT. Kỳ thi đợt 2 được tổ chức thi vào chủ nhật, ngày 28/5, tại bốn địa phương: TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang.

Thời gian mở đăng ký dự thi đợt 2 và đăng ký xét tuyển từ ngày 5-4 đến hết ngày 28-4. Các mốc thời gian đăng ký dự thi đợt 2 và đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực trên website http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 91 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2023 để xét tuyển (gồm 10 đơn vị thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM, 76 trường đại học và 5 trường cao đẳng ngoài hệ thống).