Tại Trung Quốc, ngày càng xuất hiện nhiều băng nhóm buôn bán trứng phụ nữ. Từ phố ăn uống, khách sạn nhỏ, phòng khám tư nhân đến nhà vệ sinh công cộng, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy các mẩu quảng cáo với nội dung "Hiến tặng trứng, thu nhập hàng tháng hơn 10.000 NDT (35,5 triệu VND)".
Nữ sinh Đại học đã trở thành "đối tác" tiềm năng
Theo tờ Nhật báo Thông tin Kinh tế, giá của một nang trứng tùy thuộc vào độ tuổi, trình độ học vấn và ngoại hình của người bán trứng. Theo đó, trứng của một phụ nữ trong độ tuổi 17 - 28 dao động từ 10.000 đến 30.000 NDT (35,5 triệu VND đến 106 triệu VND). Lôi kéo nữ sinh đại học bán trứng là bước đầu tiên của ngành công nghiệp "chợ đen" mua bán trứng bất hợp pháp.
Ngày 24/11/2020, nữ sinh đại học Lâm Dĩnh (18 tuổi) đã quyết định bán trứng của mình với giá 150.000 NDT (khoảng 530 triệu VND). Để hoàn thành giao dịch, Lâm Dĩnh đã trốn học đến thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Sau nửa tháng liên tục tiêm thuốc kích rụng trứng, nang trứng đã được lấy ra khỏi cơ thể Lâm Dĩnh.
Lâm Dĩnh đã dùng số tiền bán trứng để mua một chiếc iPhone 12 Pro, một chiếc Macbook và quần áo, mỹ phẩm hơn 10.000 NDT (khoảng 35,5 triệu VND). Số tiền còn lại cô gửi ngân hàng để trang trải cuộc sống sau này vì không muốn dựa dẫm vào người khác.
Trong khi đó, cô sinh viên Hứa Phương Phương (21 tuổi) đã giải thích về hành vi bán trứng của mình: "Con gái rụng trứng hàng tháng. Nếu không sinh con thì điều này rất lãng phí. Nên tôi muốn dùng chúng để kiếm tiền mua mấy món đồ mình thích, đó cũng không phải là chuyện xấu. Tôi rất phấn khích vì đã mua được một chiếc điện thoại di động cao cấp bằng số tiền bán trứng của mình".
Theo tìm hiểu, những băng nhóm mua bán trứng còn khuyến khích các nữ sinh đã bán trứng giới thiệu bạn bè cùng lớp tham gia, tiền hoa hồng từ 3.000 NDT đến 5.000 NDT (10,6 triệu VND đến 17,7 triệu VND). Hiện tại, đã có không ít nữ sinh Trung Quốc tham gia thị trường môi giới bán trứng này.
Cách đây không lâu, Tòa án Nhân dân quận Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã xét xử vụ án nữ sinh họ Lại tham gia môi giới bán trứng bán thời gian. Công việc của Lại là đưa những người muốn bán trứng đến nơi phỏng vấn, khám sức khỏe, siêu âm. Cuối cùng, Lại bị kết án 10 tháng tù giam.
Trước sự tấn công dồn dập của những lời quảng cáo hấp dẫn, rất nhiều nữ sinh đại học đã bước lên bàn phẫu thuật, bỏ qua những rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe. Không lâu trước đây, một nữ sinh viên họ Lý đã phải nhập viện vì nhiễm trùng bụng dưới. Cô chia sẻ: "Vì không được gây mê trong quá trình phẫu thuật, tôi đã bật khóc vì đau đớn, không thể cử động trong một thời gian dài sau đó".
Bị tổn thương nặng nề hơn nữ sinh viên Lý là trường hợp của một thiếu nữ 17 tuổi họ Lương. Cô bị vỡ cả hai buồng trứng sau khi bán trứng, thương tổn ở mức độ 2.
Trong một trường hợp khác, nữ sinh viên năm 2 ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã bán trứng vì muốn có tiền mua điện thoại di động mới. Sau phẫu thuật lấy nang trứng, cô bị di chứng nặng nề, ngày nào cũng bị chóng mặt, buồn nôn và đau âm ỉ ở bụng dưới.
Vì lợi trước mắt, bất chấp rủi ro
Bác sĩ Chu Y Mẫn, giám đốc khoa Nội tiết Sinh sản tại Bệnh viện Phụ sản, thuộc trường Đại học Y khoa Chiết Giang (Trung Quốc) chia sẻ, chọc hút buồng trứng sẽ gây ra tình trạng đau bụng, nôn mửa, cổ trướng nặng, máu đông, suy thận, phù phổi, tắc mạch máu não, thậm chí là tử vong.
Bác sĩ Chu Y Mẫn cũng nhấn mạnh: "Trong quá trình chọc hút trứng sẽ dẫn đến hoại tử máu, thiếu máu cục bộ ở buồng trứng. Nếu không phát hiện kịp thời thì buồng trứng và ống dẫn trứng sẽ bị hoại tử, có thể phải cắt bỏ. Cắt bỏ một bên buồng trứng tương đương với mất một nửa khả năng sinh con, cắt bỏ toàn bộ buồng trứng đồng nghĩa với chuyện hoàn toàn mất khả năng sinh sản".
Không những gặp rủi ro về sức khỏe, người hiến trứng còn phải đối mặt với các vấn đề về pháp lý. Luật pháp Trung Quốc nghiêm cấm việc mua bán trứng và phôi thai dưới mọi hình thức, ngoài xử phạt hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, còn một nguy cơ nặng nề khác là về mặt xã hội. Theo điều tra, giá trứng phụ thuộc vào chiều cao, ngoại hình và trình độ học vấn của người cho trứng. Một số khách hàng mua trứng không chỉ ưu tiên chọn người cho trứng có chất lượng cao mà còn ưu ái sử dụng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm để tạo phôi thai con trai. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến tình trạng cân bằng giới tính trong tương lai.
Tiêu Hồng Mai, một giáo sư làm việc tại Viện Kỹ thuật Tế bào gốc và Sinh sản, Đại học Trung Nam (Trung Quốc) cho biết, hiện nay chỉ có một số trung tâm y tế có thể thực hiện thụ tinh nhân tạo bằng trứng hiến tặng và cũng chỉ đáp ứng cho một số ít bệnh nhân. Phần lớn còn lại đều phải chờ đợi trong vô vọng.
Tuy nhiên, nếu sửa đổi một số điều kiện hiến trứng, mở rộng nguồn hiến trứng có thể sẽ góp phần ngăn cản hành vi mua bán trứng bất hợp pháp trên thị trường "chợ đen".
Nguồn: 163, Sina