TS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia, cho biết lần đầu tiên gặp “cặp ngực khủng” do tiêm silicon quá đà to như hai quả dừa biến dạng với biến chứng rất nặng nề.
Người phụ nữ 48 tuổi, quê gốc Quảng Ninh làm việc và định cư tại Hồng Kong. Chị đã tiêm silicon ở nước ngoài cách đây hơn 20 năm. Sau tiêm, bệnh nhân cũng cảm thấy khuôn ngực quá khổ nặng nề nhưng 1-2 năm gần đây thì chị thấy ngực hay đau tức, vùng ngực biến dạng nhiều. Chị đã có ý định sửa ngực từ lâu nhưng sợ biến chứng nên cố chịu.
Gần đây tình trạng ngực đau tức nhiều hơn, qua bạn bè thân từng phẫu thuật thẩm mỹ, nữ Việt kiều quyết định về nước tìm gặp BS Hoàng Tuấn với mong muốn “giải cứu hai bầu ngực sắp nổ”.
TS. BS Hoàng Tuấn cho biết, bệnh nhân đến gặp ông trong tình trạng bầu ngực đã biến dạng nhiều nhất là vú trái. Bệnh nhân có cảm giác đau tức tăng lên khi sờ nắn. Không những thế, người phụ nữ còn thêm tình trạng đau mỏi vai gáy vì phải “đeo” hai bầu ngực có thể tích quá lớn như vậy.
Bộ ngực khổng lồ mà bác sĩ chuyên "độ" ngực thốt lên "lần đầu tiên gặp"
Bệnh nhân được chỉ định chụp MRI để đánh giá toàn bộ cấu trúc mô tuyến cũng như khối chất lỏng. Kết quả chụp cho thấy khối lỏng có viêm xơ, buộc phải rạch nạo khối chất lỏng, bóc bỏ bao xơ viêm, các cột xơ, nạp phá triệt để các hang viêm xơ, rửa nhiều lần bằng các dung dịch sát trùngo
“Trước khi thực hiện cuộc “giải cứu” bầu ngực khủng này, bệnh nhân đã phải truyền kháng sinh 5 ngày.
Khi phẫu thuật chúng tôi hút ra được mỗi bên khoảng hơn 1 lít “dịch lỏng” như “nước rác” ngoài quán phở. Bao xung quanh chất dịch đó thì nó có các tua ra như hang ổ của ma cà rồng.
Không thể hiểu nổi sao chị vẫn có thể chịu đựng được suốt thời gian mấy năm như vậy! Không thể hiểu nổi sao họ lại dám tiêm như vậy vào cơ thể con người”, BS Hoàng Tuấn thốt lên.
Ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ thành công, ekip đã phải cấu trúc lại mô tuyến bằng phương pháp treo sa trễ mỏ neo kết hợp bảo tồn phức hợp quầng núm vú, đặt dẫn lưu theo dõi. Đáng lưu ý, sau phẫu thuật bệnh nhân vẫn tiếp tục truyền kháng sinh, chống viêm nâng đỡ thể trạng.
Rất may, sau khi tiến hành bóc tách hang ổ đó, tạo hình lại dáng ngực mới, bệnh nhân vẫn bảo tồn được quầng núm vú không bị thiểu dưỡng hay hoại tử.
Đáng lưu ý, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chất làm đầy khác nhau, trong đó chỉ một số ít chất làm đầy lưu hành trên thị trường được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Trong khi đó, có một số thẩm mỹ viện có thể chạy theo lợi nhuận nên dùng chất làm đầy bị cấm. Trong đó, silicon lỏng là chất làm đầy rẻ tiền hay được sử dụng nhiều nhất.
Silicon là một chất cao phân tử có nhiều ứng dụng trong đời sống hiện nay, trong đó silicone lỏng thường được gọi là mỡ nhân tạo, trước đây thường được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da, và cũng dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ. Hàng triệu người trên thế giới đã bơm silicon lỏng để tân trang sắc đẹp.
Nhưng từ năm 1965, người ta đã bắt đầu nhận ra những biến chứng nguy hiểm của việc bơm silicon lỏng vào cơ thể người, đặc trưng là sự xuất hiện của các u hạt. Cũng thời gian này có những báo cáo nghi ngờ về sự xuất hiện các bệnh tự miễn và nhiều biến chứng khác trên những phụ nữ Nhật đã sử dụng tiêm trực tiếp vào ngực.
Năm 1991 Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) liệt silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Năm 1995, Bộ Y tế nước ta đã ban hành cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể.
Nhưng hiện nay vẫn có tình trạng một số cơ sở làm đẹp “chui” sử dụng silicon công nghiệp - chất tuyệt đối không được sử dụng trên người thành chất làm đầy. Khi dùng silicon lỏng tiêm vào cơ thể dễ gây ra biến chứng tắc mạch.
Khi bị tắc mạch, máu sẽ không thể đủ để nuôi dưỡng bộ phận được tiêm vào như mắt, môi, mũi dễ gây ra hoại tử những bộ phận đó, nguy hại nhất là có thể gây tử vong cho người sử dụng.
Qua trường hợp người phụ nữ này, BS Hoàng Tuấn khuyến cáo, khách hàng khi lựa chọn dịch vụ thẩm mỹ nói chung và nâng ngực nói riêng hãy tìm hiểu thật kỹ về chất liệu phương pháp nâng ngực và đặc biệt hãy chọn bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ uy tín, có đào tạo về chuyên môn, có chứng chỉ chuyên môn và cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hành nghề để gửi gắm thân thể mình.
Ngoài ra, chị em cần phải tỉnh táo, đừng bao giờ ham rẻ tiêm chất làm đầy mà mình không biết là chất gì, không nghe theo lời rủ của bạn bè người thân tới các cơ sở làm đẹp không có uy tín để làm đẹp.
Trước khi tiêm chất làm đầy được phép, người đi làm đẹp cần chú ý tới thành phần ghi trên vỏ thuốc. Cụ thể là thành phần HA (Acid Hyaluronic hữu cơ), khi thấy thành phần có silicon tuyệt đối không nên dùng. Ngoài ra, cần đọc rõ thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo sản phẩm được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.