*Bài viết theo quan điểm của nhà báo Eliza Anyangwe từ CNN
Ngày 31/1/2022, chính phủ Anh Quốc đã dần chuẩn bị biến thủ pháp phẫu thuật phục hồi màng trinh - hay còn gọi là "vá màng trinh" (hymenoplasty) - dù là đồng thuận hay ép buộc - cũng trở thành bất hợp pháp.
Động thái này là một sự bổ sung cho Dự luật Y tế và Chăm sóc sức khỏe của nước Anh. Nó trở thành vấn đề nóng kể từ tháng 11/2021, sau khi Anh và xứ Wales dự tính đưa "khám nghiệm màng trinh" trở thành một hành vi phạm tội.
Được biết tại Anh, thủ pháp "vá màng trinh" diễn ra tương đối phổ biến, với mức giá lên tới 3000 bảng (khoảng 100 triệu đồng)/ lần. Trong đó, các bác sẽ sẽ tái tạo lại lớp màng mỏng bên trong âm đạo - hay còn gọi là màng trinh, như để chứng minh người phụ nữ vẫn chưa có quan hệ tình dục.
Tuy nhiên trên thực tế, việc sử dụng "màng trinh" để xác định trinh tiết là một quan niệm đã quá lỗi thời. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định rằng việc có hay không có màng trinh không phải là yếu tố phù hợp để xác định một người đã có quan hệ tình dục hay không. Bởi lẽ, màng trinh có thể bị rách vì rất nhiều lý do - như chơi thể thao hoặc sử dụng băng vệ sinh dạng nhét (tampon).
Có điều, khám và vá màng trinh là các thủ thuật đang tồn tại ở ít nhất 20 quốc gia. Và với việc chuyển nó thành bất hợp pháp, đây sẽ là hành động cực kỳ ý nghĩa để bảo vệ cho quyền lợi của phụ nữ.
Trinh tiết chỉ là một khái niệm lỗi thời
Theo Tiến sĩ Edward Morris, hiệu trưởng ĐH Sản phụ Hoàng gia Royal College, cả khám và vá màng trinh đều là những thủ thuật phổ biến ở các nền văn hóa cổ hủ, và được xem là "hình thức bạo lực xâm phạm phụ nữ và trẻ em".
Với những tổn hại dành cho các nạn nhân, ông Morris cho rằng sự thay đổi trong luật pháp của Anh Quốc là rất đáng mong chờ. Tuy nhiên, nó chỉ nên xem là sự khởi đầu, chứ không phải kết thúc mọi thứ. Bởi đơn giản, dù là khám hay vá thì cũng chỉ là thủ thuật, trong khi thứ gây hại thực sự là khái niệm "trinh tiết", trong các nền văn hóa tự do và bảo thủ.
Trên thực tế, dù nói theo cách nào, có rất nhiều nền văn hóa xem trọng nam giới hơn phụ nữ, và giá trị của người phụ nữ được đoán định bằng màng trinh. Rõ ràng nhất là việc người phụ nữ "còn trinh" là người phù hợp để có một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Thậm chí, từng có một đề xuất bị chỉ trích rất nhiều tại Nam Phi về việc cấp học bổng đại học cho nữ sinh, chỉ cần họ giữ gìn trinh tiết.
Màng trinh vốn được xem là nền tảng của sự thuần khiết trong văn hóa xưa. Nhưng theo nhà báo Lynn Enright giải thích, thực tế thì chẳng có mối liên hệ nào giữa trinh tiết và màng trinh sinh học cả. "Màng trinh không phải là lớp da kéo căng để bảo vệ âm đạo. Nó chỉ là một nếp gấp mỏng của màng nhầy nằm giữa âm đạo thôi," - trích trong cuốn sách của Enright.
Nhưng bất chấp sự phát triển của kiến thức, bất chấp việc người ta dần hiểu rằng trinh tiết chỉ là một khái niệm, việc khao khát giữ gìn nó đã tạo ra áp lực cho phụ nữ trẻ. Có những người thậm chí chỉ dám quan hệ bằng... hậu môn trong lần đầu tiên.
Hơn thế nữa, trinh tiết còn là một áp lực khác với nam giới, dù là theo chiều hướng ngược lại. Trong xã hội trọng sự nam tính, việc đàn ông còn trinh được xem là sự thất bại, trong khi phụ nữ giữ gìn được trinh tiết thì được tôn vinh.
Thêm vào đó, khái niệm trinh tiết cũng vô tình hạn chế đi định nghĩa thực của quan hệ tình dục - khi người ta chỉ xem quan hệ thâm nhập giữa "cậu nhỏ" và "cô bé" mới là quan hệ. Bỏ qua các mối quan hệ đồng tính, khái niệm quan hệ tình dục bị thu hẹp sẽ vô tình khiến thanh thiếu niên dễ bị lạm dụng tình dục hơn, vì đôi khi nó chẳng liên quan đến quan hệ thâm nhập.
Nói cách khác, trinh tiết thực chất chỉ là một khái niệm, một tên gọi, giống như "răng sữa" của em bé. Chỉ khác là khi nó trở thành thứ được định nghĩa và khám xét, phụ nữ trẻ sẽ cảm thấy mình bị xâm phạm, đôi khi là chính bởi chồng hoặc người thân của mình.
Nhìn chung, việc đưa khám và vá màng trinh trở thành bất hợp pháp là điều đáng hoan nghênh. Giống như WHO từng nhận xét: "Việc khám màng trinh là một vấn đề của cả xã hội, của văn hóa và chính trị".
Nguồn: CNN