Anh Nguyễn Văn Đồng (42 tuổi, quê Hà Tây) trò chuyện cùng một chị bán áo mưa bên lề đường: “Ông bạn tôi giờ như điên ấy, ai đến cũng kéo vào cho xem nồi nước lèo, rồi dùng vá dạo lên, kêu: xem đi, xem đi…”. Đó là những điều được anh nhắc đến khi chị gái kia hỏi về tin đồn: Phải chăng người ta nấu nước lèo bằng thịt chuột. Anh đang bán cả bắp luộc lẫn hủ tiếu gõ. Và chính anh cũng đang lận đận vì dính phải tin đồn.
Anh Đồng vào Sài Gòn đã hơn mười năm. Vợ anh đang ở quê cùng 2 con, một bé học lớp 11, một bé học lớp 4. Từ lúc mới vào anh đã bán bắp và trứng luộc dạo. Có thời gian, thông tin về việc làm chín bắp bằng pin hoặc hóa chất khiến anh vô cùng lận đận. Anh cho biết: “Mỗi cái bắp tôi lời được 1 ngàn đồng. Dạo đó có khi một ngày chỉ bán được 2 -3 bắp, đó là do anh em lao động họ mua ủng hộ”.
Hơn một năm nay, để tăng thêm thu nhập, từ 11 giờ khuya anh phụ bán hủ tiếu với một người bạn quê Quảng Ngãi tại ngã tư Nguyễn Thiện Thuật -
Nguyễn Thị Minh Khai cho đến sáng.
Anh Đồng thuê nhà tại quận Tân Phú. Mỗi sáng anh thức dậy lúc 10g, bắt đầu luộc bắp, trứng. Đến 3g chiều anh đạp xe đi khắp Sài Gòn để bán dạo. Chặng đường này anh không thể tính được là mấy chục km, bởi bán dạo không phải đi thẳng mà là đi lòng vòng khắp các đường lớn nhỏ. Đến 11g khuya anh sẽ đến quán hủ tiếu của người bạn để phụ bán, khách chủ yếu là người lao động. Thế nhưng người đàn ông từng khốn đốn vì tin đồn với bắp luộc giờ lại lao đao vì tin đồn với hủ tiếu gõ. Anh nói như gào lên: “Trời ạ, người ta đến ăn ít hẳn”.
Hiện hai việc bán hủ tiếu và bán bắp luộc là cách mưu sinh để anh nuôi cả gia đình mình ở quê. Anh tâm sự: “Vợ tôi đi may thuê ở quê, lúc có hàng thì làm, lúc hết lại nghỉ. Tiền ăn học của hai đứa nhỏ phụ thuộc hết vào tôi. Mà nuôi hai đứa trẻ ăn học thì tốn biết bao nhiêu là tiền ấy chứ”. Về cái khốn khó của lần trước, anh kể: “Không bán được bắp mà biết là mình phải dành dụm tiền để Tết còn về quê, tôi đã phải cố gắng làm thêm đủ thứ việc để có tiền mua vé tàu. Xém tí là tôi phải ăn Tết ở Sài Gòn rồi…”. Nói đến đây giọng anh bất chợt nghẹn lại, mắt đỏ lên…
Xe hủ tiếu của chị Hoa và anh Trường - trên đường Lạc Long Quân cạnh Kí túc xá đại học Sư phạm TPHCM ba hôm nay bỗng vắng khách hơn mọi khi. Nhắc đến thông tin phải chăng có người bán hủ tiếu dùng thịt chuột làm ngọt nước, chị Hoa buồn rầu chia sẻ: “Với xe của chúng tôi là chúng tôi không làm vậy. Mà khổ lây là ba hôm nay chúng tôi buôn bán ế quá! Một xe hủ tiếu này là chén cơm của hai gia đình, gia đình tôi và gia đình em trai tôi… Làm ngọt nước lèo thì có nhiều cách: ngoài mớ xương hầm, thịt, lòng luộc còn có thể bỏ thêm bột nêm, đường là được thôi. Chúng tôi cũng ăn hủ tiếu của mình bán mà, ai nỡ đồn ác vậy nữa”.
Một xe hủ tiếu khác trên đường Lạc Long Quân, Q11. Mọi khi khách đến dựng xe kín cả đầu hẻm nhưng hôm nay chủ yếu là khách quen.
Chị Thùy Nga (quê Phú Yên), bán vé số kể thêm về những người bán hủ tiếu, mì gõ. Chị Nga nói: “Miền Trung chúng tôi thì một năm hết chịu cơn bão này lại đến cơn bão nọ, làm ăn không khá nổi. Chúng tôi vào Sài Gòn làm để nghề để sống…”. Khi hỏi về việc ăn hủ tiếu gõ, chị tâm sự: “Đối với những người bán dạo như chúng tôi, lúc nào xe hủ tiếu cũng giảm giá. Ví dụ như hồi tôi mới vô Sài Gòn, giá hủ tiếu 2 ngàn đồng, thì họ bán ngàn rưỡi hoặc 1 ngàn. Giờ là 7 - 8 ngàn so với giá đúng là 10 ngàn”. Chợt như nhớ ra chuyện gì, chị im lặng rồi rưng rưng nước mắt kể tiếp: “Hồi mới vô, có hôm tôi bán không được nhiều. Tôi đi ăn mà phải hỏi trước: "Bao nhiêu một tô chú?". Chú ấy biết là tôi không có tiền nên mời tôi ăn miễn phí luôn”.
Đó là vài câu chuyện bạn sẽ nghe được quanh những xe hủ tiếu gõ trên đường phố Sài Gòn mấy ngày nay.
Câu chuyện tương tự từng xảy ra năm 2007. Năm ấy, nhiều báo đã đưa thông tin rằng: "Ăn nhiều bưởi làm tăng nguy cơ ung thư vú”, khiến người dân vô cùng hoang mang và gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Trong một chương trình radio đêm khuya, một người nông dân đã gọi điện lên đài và khóc nức nở kể rằng: “…Oan quá. Bưởi chẳng ai dám ăn nữa. Bưởi giờ cứ rụng đầy vườn…”. Sau quá trình điều tra, "nỗi oan" của bưởi đã được cơ quan chức năng giải quyết, tuy nhiên những vụ mùa mất trắng, cảnh lâm nợ thì chỉ người nông dân phải gánh chịu.