Hơn 10 trung tâm tiêm chủng tư nhân ở Ấn Độ đã “hô biến” nước muối và thuốc kháng sinh trở thành vắc-xin Covid-19 để tiêm cho người dân.
Mới đây, hôm 2/7, chính quyền thành phố Mumbai đã cho niêm phong Bệnh viện Shivam và tước giấy phép kinh doanh, trước nghi vấn cơ sở này có liên quan tới bê bối vắc-xin Covid-19 giả quy mô lớn.
Cảnh sát Mumbai cho biết, họ đang điều tra xem Bệnh viện Shivam có phải là nguồn gốc tuồn vắc-xin Covid-19 giả ra bên ngoài hay không. Hiện các quản lý của Bệnh viện Shivam cũng đã bị bắt giữ.
Hồi đầu năm nay, Bệnh viện Shivam được đưa vào danh sách các trung tâm tiêm chủng tư nhân và được chính phủ Ấn Độ cho phép tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân.
Theo India Today, Bệnh viện Shivam đã nhận được hơn 20.000 liều vắc-xin Covid-19 từ chính quyền Mumbai. Tuy nhiên, cảnh sát nghi ngờ không ít liều vắc-xin này đã rơi vào tay những kẻ lừa đảo. Nói cách khác, Bệnh viện Shivam đã sử dụng nguồn vắc-xin Covid-19 được chính quyền thành phố Mumbai phân phối để làm những việc phi pháp và sau đó bơm nước muối vào các lọ để “phù phép” thành vắc-xin Covid-19 và tiêm cho người dân địa phương.
Dẫn lời cảnh sát địa phương, Indian Express đưa tin ít nhất 2.000 người đã bị tiêm nước muối thay vì vắc-xin Covid-19 trong tháng 5 – 6 tại Mumbai.
“Chúng tôi đã bắt giữ một mẻ lớn tội phạm. Chúng tôi sẽ tiếp tục bắt giữ thêm những người liên quan tới vụ lừa đảo”, ông Vishwas Nangre Patil, quan chức ở thành phố Mumbai nhấn mạnh.
Cho tới nay, ít nhất 10 trung tâm tiêm phòng vắc-xin đang bị cảnh sát Mumbai tiến hành điều tra và các nghi phạm được cho đã bỏ túi bất chính số tiền khoảng 2.600.000 rupee (35.000 USD) từ việc làm giả vắc-xin Covid-19.
Cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất chính là những người dân đã bỏ tiền để được tiêm vắc-xin Covid-19, nhưng trên thực tế, họ chỉ được tiêm “hàng giả”.
Cụ thể, anh Hiren Mehta và vợ sinh sống ở Mumbai đã phải trả 1.260 rupee (23 USD) mỗi người để được tiêm vắc-xin Covid-19 mà họ nghĩ là hàng thật. Hai vợ chồng anh Mehta hiện vô cùng lo lắng vì giờ đây họ cũng không thể được tiêm vắc-xin Covid-19 thật, do cơ sở tiêm chủng lừa đảo đã phát cho họ giấy chứng nhận tiêm phòng và đã được nhập vào cơ sở dữ liệu của chính phủ.
“Tôi lo ngại nhất là về chuyện họ đã tiêm thứ gì vào cơ thể mình. Và giờ chúng tôi nhận ra rằng, khi chúng tôi được tiêm mũi thứ nhất vắc-xin giả, làn sóng Covid-19 thứ 3 cũng đang mấp mé bùng phát”, anh Mehta nói với Straits Times.
Cảnh sát Mumbai cho biết họ đang khẩn trương điều tra các cơ sở y tế cố tình tiêm chất gì vào người dân thay vì vắc-xin Covid-19, dù nhiều báo cáo ghi nhận đây có thể là nước muối. Song ở Kolkata, lực lượng chức năng phát hiện thuốc kháng sinh cũng đã được 'hô biến' thành vắc-xin Covid-19.
Cụ thể, gần 500 người bao gồm người khuyết tật được cho đã bị tiêm Amikacin, thuốc kháng sinh dùng để điều trị các bệnh do nhiễm khuẩn như viêm màng não, nhiễm trùng máu và nhiễm trùng đường tiết niệu. Thuốc kháng sinh Amikacin đã bị các đối tượng bơm vào những lọ có gắn nhãn bên ngoài là vắc-xin Covid-19 AstraZeneca mà ở Ấn Độ được gọi với cái tên Covishield.
Cảnh sát sau đó đã bắt giữ một người đàn ông đóng giả là công chức có bằng thạc sĩ về di truyền học. Ông này được cho đã điều hành 8 trung tâm tiêm vắc-xin giả. Sau khi biết tin, các nạn nhân bị tiêm vắc-xin Covid-19 giả đang vô cùng lo ngại về những tác dụng phụ mà họ có thể gặp phải. Do đó, chính quyền địa phương cũng có kế hoạch lấy mẫu xét ngiệm cho gần 2.700 người được cho đã bị tiêm vắc-xin giả.
Ấn Độ nằm trong số những quốc gia trên thế giới bị đại dịch Covid-19 tấn công khủng khiếp nhất với hơn 30,5 triệu người đã mắc bệnh và hơn 400.000 ca tử vong. Hơn 351 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được sử dụng ở Ấn Độ với 59 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi, tương đương 4,3% dân số nước này.