Lần theo con hẻm trên đường Nguyễn Tri Phương (phường 4, quận 10, TP.HCM), chúng tôi tìm đến căn nhà tình thương ọp ẹp của bà Huỳnh Thị Điểu (92 tuổi). Cách đó vài trăm mét là nơi cụ hay ngồi bán chuối để kiếm được cơm ngày ba bữa.
Nhận nuôi đến 6 người con nhưng cuối đời, bà cụ làm bạn với cô đơn trong căn nhà hiu quạnh.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, điều bà cụ cần nhất là tình yêu thương của mọi người dành cho mình.
Dù bà có nhận nuôi tất cả 6 người con nhưng 2 người đã mất, 4 người con còn lại đều đã lập gia đình, cuộc sống khó khăn khiến họ không đủ điều kiện để đỡ đần bà trong những ngày cuối đời. Ngược lại, ngôi nhà duy nhất của bà cũng đã bán đi để lo cho những người con nuôi có một cuộc sống tốt hơn.
"Lúc trước bà có nhà lớn lắm, nhưng vì nuôi nhiều con quá, chồng bà lại mất sớm nên phải bán đi để lo cái ăn, cái mặc cho chúng. Giờ thì tụi nó bỏ đi hết rồi, lâu lắm mới có một đứa về thăm bà", bà Điểu nghẹn ngào kể lại.
Căn nhà tuy có gác nhưng cụ không thể lên xuống gác được vì sức khỏe yếu.
Những bữa ăn đạm bạc của bà cụ cứ thế trôi qua mỗi ngày.
Theo bà Điểu, do không có con ruột nên từ lúc còn trẻ, hai vợ chồng bà nhận nuôi đến 6 người con. "Vì thấy người ta khổ quá, tính bỏ con lại bơ vơ nên bà không thành, hai vợ chồng mới thủ thỉ với nhau, nhận từ 1 đứa lên 6 đứa, nhưng mà", nói đến đây, bà Điểu nghẹn lời.
"Lúc mà chồng bà còn sống, ông đạp xích lô để nuôi con, nhưng sau khi chồng bà mất năm 1980, một mình bà kham không nổi nên phải bán một phần căn nhà để nuôi con. Mà 2 đứa đã mất rồi, 4 đứa còn lại vì mưu sinh mà không ai ở lại với bà cả, lâu lâu mới về thăm một lần".
Dành cả thanh xuân của mình để nuôi con nuôi, nhưng khi về già phải bán chuối để kiếm sống một mình cô đơn.
Cụ phải bán đi một phần của căn nhà để có tiền nuôi con nuôi.
Một ngày mưu sinh của bà Điểu bắt đầu từ lúc sáng sớm và kéo dài đến tận chiều tối. Ngày nào bà may mắn bán xong sớm thì bà về ngủ được vài tiếng. Hôm nào ế ẩm, bán không được, chuối còn nhiều khiến bà cũng buồn lòng.
"Ngày trước khi còn khỏe bà bán trái cây, bánh ít, bánh hỏi để nuôi con. Nhưng nay già yếu rồi, bà chỉ bán mỗi chuối thôi. Dăm ba bữa, khi bán hết chuối hàng xóm lại gọi người đem chuối tới cho bà bán. Mỗi nải chuối bà bán với giá 18.000 đồng, bà chỉ lời 2.000 đồng một nải", bà Điểu hiền hậu nói.
Cuộc sống của bà khó khăn nhưng cũng may bà gặp được những người hàng xóm tốt bụng.
Ngày nào bà Điểu cũng ngồi bán từ sáng sớm đến chiều muộn.
Dù cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng mỗi ngày, bà Điểu chỉ kiếm được hơn chục ngàn từ việc bán chuối. Với số tiền ít ỏi đó cộng với sự giúp đỡ của bà con xóm giềng, bà chỉ đủ trang trải tiền ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày rồi dành dụm cho những ngày ốm đau, bệnh tật.
Cách đây không lâu, do một lần vô tình bị trượt té nhưng không có tiền đi bệnh viện để chữa trị, nên tay phải của bà không thể co lại được. Chân bà lại bị rết cắn phải liên tục xoa dầu để giảm nhẹ cơn đau. Bà chỉ có thể ngồi ở một chỗ mà bán, không đi lại được nhiều.
Những đứa con bà nhận nuôi rồi cũng rời xa bà cụ, để bà một thân một mình khi về già.
Chân bà liên tục phải thoa dầu vì bị rết cắn.
Cụ Điểu bảo: "Những nải chuối cụ bán được chủ yếu là do bà con ủng hộ, nhiều người thương cho cụ thêm vài ba chục để mua thuốc men phòng khi ốm, cụ sống được chính là nhờ vào tình thương của mọi người xung quanh xóm làng".
Đưa đôi tay sờ vào chiếc chân đau nhức, bà Điểu ngậm ngùi khi nghĩ về những ngày tháng phía trước: "Bà chỉ sợ một ngày nào đó không còn sức khỏe, đổ bệnh thì không biết làm thế nào. Giờ con cái đều có gia đình riêng, mình đâu thể phiền tụi nó được. Sống một mình như vậy mà vui, khỏi phiền con cái, muốn ăn ăn, muốn ngủ ngủ..., riết rồi thành quen", đôi mắt bà ngân ngấn nước mắt mỗi khi nhắc đến những đứa con nuôi.
Bà cụ sống nhờ vào việc bán chuối và tình thương của bà con làng xóm.
Chồng bà mất năm 1980, bà sống một thân một mình trong căn nhà nhỏ cho đến nay. Lâu lâu những người con nuôi mới về thăm rồi ở.
Hỏi về khoảng thời gian nuôi con của bà Điểu, cô Lý Phước Ngọc Tươi, hàng xóm kể: "Ngày xưa nhà bà Điểu rộng hơn bây giờ nhiều nhưng vì lấy tiền nuôi con, bà bán nhà dần dần rồi không còn nữa. Sáng nào bà cũng ra đây từ 5 giờ, có mấy cô tới bữa lại nấu cơm cho bà ăn. Mọi người xung quanh thương bà nên người cũng cho bà dăm ba đồng mua thuốc", cô Tươi nói.
Tay phải cụ không thể co gập lại được vì bị té nhưng không có tiền chữa trị.
Để di chuyển được, bà một tay vịn tường, tay chống gậy.
Tiếp lời cô Tươi, chị Ngọc chia sẻ: "Tội nghiệp bà lắm, một mình bà ôm nuôi 6 đứa con, buôn bán bánh trái nuôi con đến lớn thì mạnh đứa nào cũng lo thân nó, bỏ đi cả rồi, không ai nuôi bà cả. Trong số mấy đứa con thì có một đứa út khi còn sống bà còn nhờ vả. Nhưng số bà khổ, đứa có hiếu thì lại mắc bệnh ung thư, đã chết rồi".
Khuôn mặt đượm nét buồn của bà Điểu.
Ngôi nhà nhỏ của bà sau khi được trợ cấp làm lại.
Tuy đã hơn 90 tuổi, nhưng bà Điểu vẫn bán chuối để mưu sinh.
Ngồi một góc trong con hẻm nhỏ, bà Điểu lặng nhìn những người qua lại, nghĩ đến những ngày tháng phía trước. Có lẽ, đối với bà, những ngày cuối đời, bà chỉ ước có một người thân bên cạnh, được vui vẻ sum vầy bên con cháu.
Ở cái tuổi xế chiều, bà nào cần chi tiền bạc giàu sang, chỉ cần mọi người nhớ đến bà, ghé mua bà dăm ba trái chuối, trò chuyện cùng bà cho vơi đi nỗi buồn hiu quạnh giữa chốn Sài thành hoa lệ.
Những bước đi mò mẫm của bà cụ trên đường về nhà.
Nụ cười móm mém, hiền lành của bà.
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua, cụ vẫn hàng ngày bán chuối để mưu sinh.