Hiện nay, trong các đám cưới, mọi người vẫn thường mừng vàng cho cặp vợ chồng trẻ. Đây được coi là truyền thống, vàng cũng là một tài sản giữ giá khá tốt trước các biến động của nền kinh tế.

Song, khác với thời ông bà và bố mẹ giữ vàng trong thời gian dài, người trẻ ngày nay thường bán vàng cưới để lấy vốn cho những mục tiêu tài chính khác của bản thân.

Bán gần hết vàng cưới ngay thời điểm giá tăng

Thuỳ Dương, 25 tuổi, đã kết hôn được 3 năm chia sẻ rằng bản thân đã bán gần hết vàng cưới để mua nhà, chỉ giữ lại một trang sức làm kỷ niệm. Vợ chồng cô quyết định bán ngay thời điểm giá vàng tăng cao nên có lời.

"Cảm giác khi bán đi nó không chỉ là tiếc tiền đâu mà cảm giác tiếc nuối lắm vì nó là kỉ niệm. Song, bọn mình cần gấp tiền để mua nhà nên vẫn quyết định bán. Vợ chồng mình cũng động viên nhau sau này mỗi năm mua một ít để dành lại".

Theo Thùy Dương, chỉ nên bán vàng cưới khi có kế hoạch cho những việc quan trọng và có ý nghĩa có tương lai như làm vốn kinh doanh, mua nhà, sinh nở… Quan trọng nhất, bán vàng cưới phải có sự đồng thuận từ cả hai phía vợ và chồng. Không nên bán vàng cưới cho những khoản chi tiêu không mang lại giá trị cho tương lai, ví dụ như: tiêu xài cá nhân, ăn chơi, hưởng thụ…

Bên cạnh đó, cô tự nhận bản thân là kiểu người sẽ mua vàng bằng khoản tiền nhàn rỗi. Thường khoản tiền này sẽ được chia thành 2 mục: một phần gửi vào tiết kiệm và phần còn lại mua vàng.

"Tùy vào từng thời điểm tình hình trên thị trường để phân chia số tiền nhàn rỗi hợp lý. Ví dụ, nếu lo lắng rằng lạm phát sẽ tăng thì bỏ nhiều tiền đầu tư vàng sẽ là phương án hợp lý. Ngược lại, nếu như nền kinh tế ổn định, lãi suất hấp dẫn, gửi tiết kiệm để nhận lãi cao hàng tháng. Mua vàng không chỉ nhằm mục đích đợi tăng giá mà còn muốn phòng thủ tài chính, tạo cảm giác an toàn, khi có việc cần đến có thể bán được ngay mà không mất giá quá nhiều".

Nuối tiếc khi bán vàng cưới thời điểm chững giá, đem tiền đi đầu tư rồi mất trắng - Ảnh 1.

Nuối tiếc khi bán vàng cưới thời điểm chững giá, đem tiền đi đầu tư rồi mất trắng - Ảnh 2.

Vợ chồng Thùy Dương trong lễ cưới - Ảnh: NVCC

Bán vàng cưới, đem tiền đi đầu tư rồi mất trắng

Quỳnh Nguyễn, 32 tuổi, đã kết hôn 7 năm. Cô chia sẻ rằng 2 năm đầu sau khi cưới, vợ chồng cô vẫn giữ vàng và không để ý đến nó. Song, đợt đó giá vàng không tăng, để vàng ở nhà khiến cô cảm thấy không yên tâm và an toàn. Do vậy, gia đình cô quyết định bán lấy tiền mặt gửi ngân hàng để có lãi suất tiết kiệm.

"Thời điểm đó, mình nghĩ đây là một quyết định đúng đắn vì lãi suất lúc đó khá cao. Nhưng sau vài năm, giá vàng tăng mạnh, mình thấy rất hối hận. Chưa kể đến, sau này, mình rút ngân hàng dùng toàn số tiền đó để đầu tư vào tài sản rủi ro rồi mất trắng".

Từ sau kinh nghiệm của bản thân, Quỳnh Nguyễn cho rằng vàng cưới nếu không có việc gì gấp gáp thì không nên dùng đến, giữ sau này có thể cho con cháu. Bên cạnh đó, dù trong ngắn hạn, vàng không thể tăng giá nhanh, đưa lợi nhuận cao nhưng khá bền vững nếu xét khía cạnh dài hạn.

"Khi đầu tư cũng nên cẩn thận trước các tài sản rủi ro. Không nên giống như mình, chưa nghiên cứu kỹ đã tất tay dẫn đến mất trắng", Quỳnh Nguyễn chia sẻ.

Nuối tiếc khi bán vàng cưới thời điểm chững giá, đem tiền đi đầu tư rồi mất trắng - Ảnh 3.

Ảnh minh họa - Pinterest

Mừng cưới bằng vàng có còn phù hợp?

Vàng gần như là món quà cưới mà tất cả các cặp đôi sẽ nhận được vào ngày cưới. Song, với thời điểm hiện tại, có rất nhiều loại tài sản và những món quà độc đáo khác, liệu vàng có còn phù hợp để mừng cưới?

Theo Quỳnh Nguyễn, thường người thân trong gia đình hay mừng vàng. "Mình thấy mừng gì là tùy tâm mỗi người, và người nhận đều quý. Mọi người hay mừng vàng vì vàng sẽ giữ được giá tốt hơn".

Đồng quan điểm với Quỳnh Nguyễn, Thùy Dương cũng đồng tình rằng mừng vàng là hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó, việc trao vàng trong ngày cưới không chỉ thể hiện được giá trị vật chất mà còn thể hiện được giá trị tinh thần. Trong ngày trọng đại đó, họ dành tặng cho con mình của hồi môn để gửi gắm tình cảm yêu thương nhất, mong con có chút tài sản "làm vốn" để phòng thân cũng là để mong cho con có cuộc sống sung túc và đầy đủ.

Vàng là hàng rào bảo vệ trước sự biến động của nền kinh tế. Do vậy, từ xa xưa, người Việt đã có truyền thống mua vàng để tích trữ vì đây là tài sản thường giữ giá trị tốt hơn nhiều loại tài sản khác. Vàng có thể là công cụ ngừa lạm phát khi mà sức mua của hàng hóa và dịch vụ giảm. Tuy nhiên, để mua vàng theo dạng đầu tư thì khá khó khăn vì cần phải nắm bắt được chu kỳ lên xuống của thị trường. Theo Thùy Dương, với người trẻ thu nhập chưa thật sự cao thì mua vàng tích lũy được xem như cách tiết kiệm đơn giản, an toàn.