LTS: Những vụ án đau lòng xảy ra trong gia đình khiến người phải chết, kẻ phải đền tội nhưng những đứa con thì sống sao với một kí ức đau đớn và dữ dội từ thảm kịch ấy? Loạt bài "Những đứa trẻ sau thảm án" đã tìm về với các em để hiểu hơn về điều đó.
Ký ức kinh hoàng
Vụ việc đã xảy ra cách đây nhiều năm nhưng người dân ngõ 97, phố Chính Kinh, Hà Nội vẫn chưa khỏi bàng hoàng mỗi khi nhắc đến vụ án mạng kinh hoàng xảy ra vào năm 2008. Thời điểm đó, ai cũng thất kinh khi nhận tin chị H. bị chồng giết hại, chặt xác phi tang nhiều nơi.
Theo đó, năm 1992, Nguyễn Văn Tuyên cưới chị Lệ Thị H. khi Tuyên đã có một đời vợ tại TP. Hồ Chí Minh. Cuộc sống của gia đình Tuyên khá hạnh phúc với 2 người con, một trai và một gái. Tuyên hành nghề xe ôm, còn chị H. thì làm giúp việc cho một gia đình người Hàn Quốc. Số tiền thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng tuy không nhiều nhưng cũng đủ lo cho hai con ăn học. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào khoảng tháng 3, 4/2008, khi toàn bộ số tiền kiếm được từ việc chạy xe ôm Tuyên đều ném hết vào cờ bạc. Nhiều lần khuyên giải chồng nhưng vẫn chứng nào tật đấy, chị H. “dọa” sẽ không cho Tuyên đi chạy xe ôm và có lần giấu chìa khóa xe, can ngăn không cho Tuyên đi làm nữa vì kiếm được bao nhiêu tiền lại nướng hết vào cờ bạc cũng như không.
Ngày 9/5/2008, do cự cãi nên Tuyên xô vợ khiến chị H. tử vong. Thấy vợ chết, Tuyên liền giấu xác rồi tính cách phi tang.
Đến chiều cùng ngày, sau khi chở bọn trẻ đi học, Tuyên quay về nhà rồi nghĩ cách phi tang xác của vợ ở nhiều nơi khác nhau. Sau khi gây ra cái chết cho vợ, sự táng tận lương tâm của Tuyên đã đi đến tột cùng của tội ác khi hắn lựa chọn cách thức dã man nhất đối với người vợ đã hơn 10 năm đầu gối tay ấp với mình. Tuyên kéo xác chị H. ra rồi phi tang xác nhiều nơi. Và chỉ sau 53 ngày dựng lên màn kịch "vợ đi làm ở Hàn Quốc" để che giấu tội ác của mình, Nguyễn Văn Tuyên đã phải sa lưới pháp luật và phải trả giá.
Ngày 25-3-2009, kẻ giết vợ bị TAND TP. Hà Nội tuyên án tử hình.
Những đứa con cùng nương tựa vượt qua giông bão nghiệt ngã
Hạnh phúc của những đứa con không là gì khác ngoài được sống trong gia đình có đầy đủ tình thương yêu của cha mẹ nhưng cuộc đời hai bé Nguyễn Hồng Thanh, sinh năm 1994 và Nguyễn Hồng Thủy, sinh năm 2001 thì không được như thế khi tuổi thơ trải qua nỗi đau mất mẹ mà thủ phạm gây ra cái chết oan nghiệt đó lại chính là người cha.
Khi chúng tôi tìm đến, ngôi nhà nhỏ trong ngõ vắng tiếng người, trầm lặng. Bà Lan – thím ruột của hai em Thanh, Thủy cho biết, ngày xảy ra sự việc đau lòng, cháu Thanh đã lớn nên hiểu rất rõ sự tình còn cháu Thủy thì vẫn còn hồn nhiên, chưa hiểu điều gì đã diễn ra. Cũng từ đây, ánh mắt của Thanh nhìn cha thay đổi. Đó là ánh mắt của sự căm thù đến tận xương tủy. Vì không muốn các cháu quá đau lòng, hiểu rõ về cái chết của mẹ và những điều tiếng của dư luận nên gia đình bên ngoại chị H. đã đón hai cháu về sinh sống trong căn nhà nhỏ tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.
Gia đình Tuyên ngày còn hạnh phúc.
Bà Lan tâm sự: “Sau
khi anh Tuyên bị bắt giữ, các cháu Thanh và Thủy về ở với ông bà ngoại rồi cháu
Thủy được làng trẻ SOS nhận nuôi dưỡng từ đó. Còn cháu Thanh ở với gia đình ông
bà ngoại. Từ đó cho đến tháng 5/2014 thì cháu được anh cả (con vợ trước của Tuyên) đón vào Nam
cùng chung sống và hiện làm việc ở trong đó. Cháu Thanh đã trưởng thành muốn làm việc để ông bà, gia đình bên ngoại không phải vất
vả vì mình”.
“Thấy anh em chúng nó yêu thương, cưu mang nhau mà tôi cũng cảm động, mừng cho anh em chúng nó. Tôi nói như vậy là bởi trước khi vào Nam sinh sống, thằng Tuấn (con của người vợ thứ nhất và Tuyên - PV) cũng sống với bố và vợ hai của bố nó là chị H. Suốt thời gian dài và được chị H. chăm sóc chẳng khác nào con đẻ nên nó cũng khổ tâm lắm khi biết bố nó là người gây nên cái chết đau đớn cho chị H. Nay bố thì bị tử hình, dì thì chết đau đớn nên nó cố gắng đứng vững để động viên các em sớm vượt qua nỗi đau, quay trở lại cuộc sống thường nhật. Đến giờ thì dường như chúng cũng quên đi quá khứ đau thương rồi.
Cháu Thủy ở với gia đình bên ngoại nhưng em cháu phải nhờ trung tâm SOS chăm sóc vì gia đình không đủ điều kiện. Có lần vào thăm cháu Thủy, thấy cháu sụt sịt nói: Vì cháu trông giống bố cháu nên các bác ghét, không ai muốn nuôi cháu nên, bỏ cháu vào đây… mà chúng tôi trào nước mắt”, bà Lan kể thêm.
Dừng lại giây lát, bà Lan kể thêm, cũng chính Tuấn là người thường xuyên chu cấp tiền cho em gái cùng cha khác mẹ ăn học cho đến khi em gái tốt nghiệp. Tuấn cũng mua tặng em gái chiếc xe máy để em gái có phương tiện đi lại thuận lợi hơn.
Hiện cuộc sống của cả 3 anh em đã ổn định, vượt qua được quãng thời gian giông bão nhất cuộc đời, họ cũng muốn giấu thân phận và quên đi những ký ức đau thương nhất...
* Tên nhân vật đã được thay đổi