Bà Đinh Thị An, một trong những gia đình bị ảnh hưởng cho biết, từ khi đơn vị thi công đào làm giếng gom nước khu vực này đã liên tục xảy ra tình trạng sụt lún đất. Xung quanh giếng nước xuất hiện ngày càng nhiều vết trượt, nứt đất lớn chạy dài, gây toác tường nhiều nhà dân. Chiều 14/8, khu vực này xảy ra ít nhất 3 lần sụt lún đất, gây ra những tiếng động mạnh, tác động trực tiếp tới những căn nhà kề đó.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, một gia đình kề giếng thu gom nước bị ảnh hưởng phải di dời cho biết, tình trạng sụt lún đất xảy ra từ nhiều tuần qua nhưng vài ngày gần đây trở nên nghiêm trọng, mặt đất nứt toác đã khiến tường nhà của gia đình bà Thủy nham nhở vết nứt. Sụt lún đất mạnh tới nỗi gây ra rung lắc, giống hiện tượng động đất.
Trước tình trạng trên, các cơ quan chức năng đã phải di dời khẩn cấp 4 hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới nơi an toàn. Trong đó, có 2 hộ được thuê khách sạn để ở tạm, 2 hộ khác đến nhà người thân tạm trú.
Để khắc phục sự cố, cơ quan chức năng sẽ ép cọc chống sạt lở, sau đó gia cố lại nhà cho các hộ bị ảnh hưởng.
Khu vực dự án xử lý hiện tượng trượt nứt đất nhiều năm qua xảy ra tình trạng sụt lún bề mặt đất ngay giữa trung tâm TP Đà Lạt. Năm 2017, hàng chục hộ sinh sống tại đường Nguyễn Văn Trỗi, Trương Công Định và Phan Đình Phùng đã phải di dời tới nơi an toàn. Để khắc phục sự cố trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã mời các chuyên gia đến Đà Lạt kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân.
Xác định khu vực này kết cấu địa chất yếu, có mạch nước ngầm mạnh khiến mặt đất liên tục trượt nứt, sụt lún, vào tháng 3/2021 UBND TP Đà Lạt đã triển khai dự án giếng thu gom nước ngầm do liên danh Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần khoa học công nghệ Bách khoa TP Hồ Chí Minh thiết kế, thi công.