Ợ hơi là hiện tượng hoàn toàn bình thường và vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, nếu ợ hơi có mùi hôi bất thường khó chịu, mọi người cần lưu ý.
Nicket Sonpal, chuyên gia y khoa, bác sĩ tiêu hóa kiêm giáo sư tại Đại học Y Touro ở thành phố New York giải thích, mùi hôi này là tổng hợp của nhiều loại khí, trong đó có hydro sunfua được tạo ra trong đường tiêu hóa.
Ợ hơi thường xuyên không có gì đáng lo ngại. Jesse P. Houghton, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa kiêm giảng viên tại Đại học Ohio cho biết, tình trạng này xảy ra khi bạn ăn phải thứ gì đó làm kích thích vi khuẩn trong ruột giải phóng khí. Tuy nhiên, nếu ợ hơi có mùi hôi và xảy ra thường xuyên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe đường ruột hoặc rối loạn tiêu hóa.
Dưới đây là tổng hợp những nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng ợ hơi có mùi hôi:
Tiêu thụ nhiều thực phẩm
Thông thường, khí hydro sunfua, được tạo ra khi cơ thể tiêu hóa thức ăn chứa nhiều sunfua, là nguyên nhân gây nên hiện tượng ợ hơi có mùi trứng thối. Theo Harry J. Thomas, bác sĩ tiêu hóa tại Trung tâm Austin Gastroenterology, những loại thực phẩm chứa nhiều protein như thịt, hải sản, trứng và sữa, rau họ cải như súp lơ xanh, cải xoăn, gia vị như tỏi, hành, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống như bia và rượu vang, đều chứa một lượng chất này.
Do đó, mọi người hãy cân nhắc giảm bớt hoặc thay thế chúng bằng các món ăn khác để tránh gây đầy hơi.
Dư thừa chất xơ
Các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên cám, hạt chia, đậu và đậu Hà Lan có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi, gây ợ hơi có mùi hôi ở một số người.
Nếu bạn nghi ngờ bản thân gặp phải tình trạng này, hãy ngừng hấp thụ một khoảng thời gian và sau đó từ từ thêm những thực phẩm giàu chất xơ trở lại chế độ ăn uống hàng ngày. Nhìn chung, chất xơ sẽ đem lại nhiều lợi ích sức khỏe như cải thiện hệ tiêu hóa, duy trì lượng đường huyết trong máu, kiểm soát nồng độ cholesterol và tăng cường cảm giác no nếu mọi người biết kiểm soát lượng tiêu thụ.
Hấp thụ quá nhiều chất béo
Một nguyên nhân khác gây ợ hơi có mùi hôi là bơ, dầu và chất béo. Thức ăn chứa nhiều chất béo cần mất nhiều thời gian hơn để dạ dày tiêu hóa. Càng ở lâu trong đường tiêu hóa thì chúng càng sản sinh ra nhiều khí, dẫn tới hiện tượng đầy hơi.
Điều này tương tự với quá trình lên men. Hơn nữa, khi thức ăn từ từ đi qua đại tràng, vi khuẩn trong ruột sẽ tiêu hóa hết tinh bột và đường, từ đó sản sinh ra thêm khí.
Không dung nạp thực phẩm
Nếu ợ hơi có mùi hôi kết hợp với một loạt triệu chứng đường ruột khó chịu như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, táo bón và thậm chí buồn nôn, bạn rất có thể đang phải đối mặt với tình trạng không dung nạp thực phẩm.
Các bác sĩ có thể dựa trên kết quả xét nghiệm máu để chẩn đoán tình trạng này. Nếu bạn là một trong số 65% người trên toàn thế giới gặp phải vấn đề khi tiêu hóa đường sữa, hãy tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn loại thực phẩm phù hợp nhất cho chế độ ăn hàng ngày.
Viêm nhiễm
Theo bác sĩ Sonpal, Helicobacter Pylori, một loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, phổ biến đến mức chúng tồn tại trong cơ thể của ½ dân số thế giới. Mặc dù các bệnh nhiễm trùng không nghiêm trọng, chúng có thể khiến bạn thường xuyên ợ hơi có mùi hôi và đau dạ dày. Nếu không được điều trị, viêm loét dạ dày có khả năng phát triển thành ung thư.
Mất cân bằng hệ sinh vật đường ruột
Bác sĩ Thomas cho biết, sự phát triển quá mức của vi sinh vật trong đường ruột có thể gây đầy bụng, ợ hơi có mùi hôi. Dư thừa vi khuẩn này sẽ tạo ra một lượng lớn khí hydro, metan và hydro sunfua trong ruột non. Thông thường, ruột non chứa tương đối ít vi khuẩn so với ruột già. Tuy nhiên, nếu sự gia tăng vi khuẩn vượt khỏi tầm kiểm soát, hiện tượng này sẽ khiến cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng hơn khi tiêu hóa thức ăn, từ đó kéo theo đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy đi kèm với ợ hơi.
Trào ngược axit dạ dày
Nếu ợ hơi có mùi hôi đi kèm với chứng ợ nóng và xuất hiện nhiều lần trong tuần, bạn rất có thể đang phải đối mặt với bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Sara Cerrone, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ tiêu hóa tại Trung tâm y tế Peconic Bay ở Riverhead, New York giải thích, giống như tên gọi, tình trạng này khiến axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản.
Bác sĩ có thể kê thuốc kháng axit theo toa, thuốc chẹn thụ thể H2 như famotidine hoặc thuốc ức chế bơm proton như omeprazole nhằm giảm chứng ợ nóng và mùi hôi mỗi lần ợ hơi.
Rối loạn tiêu hóa
Ợ hơi có mùi hôi là một trong những dấu hiệu cảnh báo các bệnh về tiêu hóa. Ví dụ, hội chứng ruột kích thích (IBS) gây đau bụng kinh niên và làm thay đổi thói quen đại tiện, đau dạ dày, khiến người mắc phải mất nhiều thời gian hơn bình thường để tiêu hóa thức ăn.
Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ có thể khuyên người bệnh thay đổi lối sống như điều chỉnh chế độ ăn uống và uống thuốc theo toa để kiểm soát triệu chứng của bệnh.
Theo Prevention