Ô nhiễm không khí ở Hà Nội lên đến đỉnh điểm, khắp nơi bao phủ sương mù trắng xóa

Nhiều ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội đang vào mức đáng báo động, thấp nhất: 102, cao nhất: 197. Đường phố mịt mù bởi lớp không khí dày đặc, tạo cảm giác nôn nao, ngộp thở. Riêng trong ngày 27.3, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội đã lên mức báo động: thấp nhất: 102, cao nhất: 197, cao nhất châu Á, cao hơn cả Bắc Kinh, Delhi, Mumbai… vốn là những thành phố công nghiệp đông dân và có tiếng ô nhiễm nhất thế giới.

Ô nhiễm không khí kinh hoàng ở Hà Nội đáng sợ đến mức độ nào? - Ảnh 1.

Đường phố Hà Nội như sương mù bao phủ.

Trong những ngày gần đây, các điểm quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả ở ngưỡng kém và xấu vào thời điểm đầu giờ sáng. Thậm chí, tình trạng trời mù còn kéo dài tới đầu giờ chiều, có những ngày tới gần 18h tối mới chấm dứt.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ Văn Trung ương, Hà Nội đang trong những ngày không khí lạnh suy yếu gây nên hiện tượng nghịch nhiệt, chất lượng không khí chuyển biến nghiêm trọng. Dự báo sương mù, mưa lất phất sẽ còn lặp lại trong 2-3 ngày tới, nhất là từ 4-8h sáng, kéo dài tới chiều tối, chất lượng không khí chưa thể cải thiện.

Màn sương mờ khiến tầm nhìn của người tham gia giao thông bị hạn chế, mặt khác họ cảm thấy khó thở, ngột ngạt khi liên tục phải di chuyển ngoài đường. Khu vực quận Long Biên, Hà Đông, Tây Hồ, Cầu Giấy... luôn trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người ở mọi tầng lớp, mọi độ tuổi và cũng không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, trong đó nhóm phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ với hệ miễn dịch yếu, dễ mắc bệnh hơn thì đáng lo ngại hơn cả.

Ô nhiễm không khí kinh hoàng ở Hà Nội đáng sợ đến mức độ nào? - Ảnh 3.

Tình hình chất lượng không khí lên mức báo động ngày 27/3 ở Hà Nội. Ảnh Kenh14

Ô nhiễm không khí tàn phá sức khỏe mọi người thế nào?

Không khí bị ô nhiễm có tác động mạnh tới hệ hô hấp, là tác nhân gây nên nhiều bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhất là với trẻ nhỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), không khí ô nhiễm rất bất lợi cho sức khỏe của trẻ nhỏ, là căn nguyên dẫn đến các cơn hen phế quản cấp tính. Bản thân ông từng gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị khó thở, hắt hơi, dị ứng, viêm mũi dị ứng phải nhập viện do yếu tố khói bụi, môi trường. Chưa hết, đây còn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các bệnh viêm đường hô hấp cấp ở trẻ, viêm xoang, viêm mũi dị ứng kéo dài...

Ô nhiễm không khí kinh hoàng ở Hà Nội đáng sợ đến mức độ nào? - Ảnh 4.

Chưa hết, bà bầu cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh do ô nhiễm không khí trong thời điểm này. Bầu không khí độc hại chắc chắn gây ra những tác hại đối với bào thai khi còn trong bụng mẹ. Không khí ô nhiễm không chỉ đe dọa tới sự phát triển phổi ở trẻ nhỏ, mà còn có thể làm hỏng vĩnh viễn não bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của các em. Đây chính là kết luận trong nghiên cứu được trình bày tại hội nghị quốc tế của Hiệp hội hô hấp châu Âu (ERS) diễn ra tại Paris vào năm 2018.

Ô nhiễm không khí kinh hoàng ở Hà Nội đáng sợ đến mức độ nào? - Ảnh 5.

Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe khá lớn, đặc biệt là với trẻ em vì có tốc độ thở gấp 2 lần người lớn.

Chuyên gia nhận định thêm, không chỉ trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai mà còn nhóm đối tượng người cao tuổi cũng dễ mắc bệnh khi ô nhiễm không khí tấn công. Với tất cả người dân thường xuyên sống trong môi trường bị ô nhiễm cũng không tránh khỏi những nguy cơ mắc bệnh tật đáng sợ.

"Mặc dù vậy vẫn phải nhấn mạnh nhóm đối tượng trẻ nhỏ với nguy cơ cao hơn cả. Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe khá lớn, đặc biệt là với trẻ em vì có tốc độ thở gấp 2 lần người lớn. Chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây bệnh về đường hô hấp, tim, ung thư", chuyên gia nhấn mạnh.

Để đối phó với không khí ô nhiễm, giới chuyên gia khuyến cáo người dân cần tự bảo vệ mình khỏi ô nhiễm không khí như:

- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, 

- Giữ cho nhà thoáng khí, đun bếp ở nơi có lưu thông không khí,

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, 

- Thường xuyên xuyên rửa tay sạch sẽ, nếu không có việc cần thiết thì không nên tới các nơi nhiều khói bụi. 

- Bà bầu, trẻ nhỏ không đến những nơi đông đúc, ô nhiễm,

- Những người có tiền sử viêm mũi, dị ứng, viêm phế quản cần hết sức cẩn trọng, che chắn kỹ khi đi ra ngoài, tránh bụi tấn công và phải vệ sinh mũi họng sạch khi về nhà. 

- Nên tập thể dục buổi sáng nâng cao sức khỏe nhưng phải chọn nơi trong lành, nhiều cây xanh…

Ô nhiễm không khí đáng sợ ở Hà Nội, cần làm gì để bảo vệ mình khỏi bị nhiễm độc?