Thân chào bạn Dung - Tác giả bài viết “Nỗi lòng khó nói khi có chồng ở rể” và các bạn độc giả của chuyên mục!

Tôi là một người xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó. Tôi ra Hà Nội học và bám trụ lại ở đất phồn hoa này. Tôi làm trong ngành công nghệ thông tin, lương tháng gần hai chục triệu. Dù thế, đi làm 5 năm, tôi tiết kiệm vẫn chẳng đủ mua 1 căn nhà riêng ở thành phố đắt đỏ.

Vợ tôi - Liên là gái Hà Nội chính gốc. Bố mẹ cô ấy không giàu nhưng cũng có 1 căn nhà rộng rãi 3 tầng thoáng mát. Lúc chúng tôi chuẩn bị cưới, bố mẹ Liên có đề nghị tôi về ở rể. Ông bà sợ con gái tiểu thư phải khổ sở khi thuê nhà ở ngoài.

Tôi do dự. Vợ tôi cũng mè nheo, tìm mọi cách để thuyết phục. Nào là tiết kiệm được tiền thuê nhà lại đỡ phải lo lắng việc nhà vì có bố mẹ hầu hạ. Nhưng dù em dùng chiêu nào đi nữa, tôi cũng không nản lòng, quyết chí không làm “chó chui gầm chạn”.

Một phần tôi không muốn ở nhà vợ là vì sợ em lười nhác, phụ thuộc vào mẹ. Con gái thời nay, đặc biệt là con gái thành phố được bố mẹ cưng như trứng mỏng. Vì thế, cứ nghĩ đến việc nhà là các em lại ngại.

Chính mẹ vợ tôi sợ con gái vụng về không chăm lo được cho gia đình nên cứ níu kéo con rể về nhà ở cùng. Nhưng tôi không chấp nhận. Thà tôi chịu ăn cơm khét, thịt nát 1 thời gian còn hơn để vợ tôi cả đời đến cơm cũng chẳng biết cắm. 

Nhiều lúc, tôi cũng không hiểu các bà mẹ thành phố dạy con gái kiểu gì. Chẳng phải nhà giàu có gì mà cứ như công chúa. Hầu con cả đời đến lúc con đi lấy chồng còn xót xa muốn con ở cùng để tiện hầu hạ. Tôi cũng thật bó tay!

Tôi biết, bố mẹ vợ nhanh chóng đồng ý cho tôi lấy Liên cũng chỉ vì tôi là thằng nhà quê, không có nhà nên ông bà nghĩ sẽ dễ dàng dụ tôi về ở rể. Khi nhận được sự từ chối từ tôi, mẹ vợ có vẻ buồn lắm. Tôi biết bà thương con, nhưng thương kiểu ấy thì không thể chấp nhận được.

Lí do thứ 2 tôi không đồng ý đó là vì tôi sợ vợ và bố mẹ em sẽ như gia đình của bạn Dung đây. Đọc tâm sự của bạn nói là bố mẹ bạn thích ăn cá, còn chồng bạn thì ghét ăn món đó cay đắng. Vậy mà bạn vẫn chăm chăm chỉ nấu cho bố mà không thèm nghĩ tới chồng. 

Bố mẹ bạn là tuýp người không văn hóa, ghê gớm. Chồng bạn ở rể vì thương bạn, thương 2 cụ côi cút. Thế mà bố mẹ bạn còn xếch mé, nói xấu, làm nhục con rể trước mặt bạn bè, rồi gọi cháu chắt đến dọa đánh. Bạn đã không biết khuyên giải bố mẹ thì thôi, lại còn hùa nhau vào bênh. Tôi mà là chồng bạn, tôi li dị lâu rồi.

Tuy bố mẹ vợ tôi tri thức, không có kiểu ghê gớm như gia đình bạn, nhưng tôi cũng đã lường trước tình huống bị cô lập nếu về ở rể trong gia đình nhà vợ. “Dâu con, rể khách”, có chuyện gì xảy ra, ông bà lại sẵn sàng to tiếng với con rể và bênh con gái. Lúc đó dù ức cũng chẳng lẽ lao vào cãi cọ với hai cụ già.

Mà tôi cũng ghét nhất bị người khác xen vào cuộc sống riêng tư vợ chồng. Nhất là mẹ vợ tôi còn có tính hay tọc mạch. Từ thời chúng tôi yêu nhau, Liên có thói quen kể mọi chuyện cho mẹ đẻ. Không ít lần bà gọi điện cho tôi phàn nàn vì làm tổn thương con gái mẹ. 

Tôi phải dọa chia tay, Liên mới bỏ được thói xấu đấy. Nghĩ tới cảnh ở chung bị mẹ vợ dòm ngó, tôi rùng mình nổi hết cả da gà.

Các cụ ta có câu “Dâu con, rể khách”. Tôi thấy câu nói ấy rất đúng. Tôi đến chơi nhà bố mẹ vợ còn cảm thấy ngại ngùng, căng thẳng nữa là về ở rể.

Bố mẹ vợ và tôi luôn khách sáo với nhau. Đến nhà em chơi, tôi chẳng bao giờ cảm thấy thoải mái. Mẹ vợ thì ra chào 1 tí rồi lúi húi ở bếp, nói chuyện với bố vợ vài câu thì hết chủ đề. Hai bố con cứ ngồi nhìn chằm chằm vào ti vi im lặng, chán vô cùng mà cũng chẳng dám bỏ đi đâu.

Bữa ăn thì bố mẹ vợ cứ giữ lễ gắp thức ăn cho tôi, tôi cũng khách sáo gắp lại cho hai cụ. Cả bữa ăn cứ gắp qua gắp lại như vậy. Bát cơm cứ đầy ú ụ lên mà mẹ vợ vẫn gắp vào nhiệt tình. Nhìn bát cơm hổ lốn, tôi mất hết cả hứng ăn uống. Nhiều lúc vào món mình không thích ăn, cũng chả dám chối, bấm bụng ăn hết.

Ngày Tết đến thăm, mừng tuổi cho bố mẹ thế nào thì hai ông bà cũng sẽ mừng lại y nguyên như vậy cho tôi. Thậm chí thỉnh thoảng mẹ tôi có gửi ở quê lên chút quà, thường là cá, tôm, cua do quê tôi vùng biển, mẹ vợ cũng phải đáp lễ.

Khi thì mẹ vợ mua bánh biếu lại, khi thì lại… đưa tiền bảo cho các cháu ở quê. Nếu hôm nào mẹ tôi lên không có quà, mẹ vợ cũng chẳng lễ nghĩa lại. Mẹ tôi nhiều lần tâm sự buồn vì bà thông gia lúc nào cũng sòng phẳng, khách sáo, lại còn trả tiền quà.

Dần dà, tôi cũng ngại đến nhà vợ. Chỉ có dịp giỗ cúng, lễ tết tôi mới tới. Ăn xong tôi cũng viện cớ đi ngay. Không có tôi, chắc bố mẹ và vợ tôi cũng thoải mái trò chuyện, tâm sự, khỏi phải giữ kẽ.
 

Vợ tôi nhiều lần than phiền chuyện tôi xa cách gia đình em. Nhưng tôi toàn xài chiêu “ăn bánh mì bơ đội mũ phớt”. Tôi ngại phải tiếp xúc với bố mẹ vợ, cũng không thể nào yêu quý ông bà nhiều được. Tôi không muốn ép buộc mình giả tạo.

Tôi thấy, chỉ cần có sự tôn kính, ăn nói lễ độ với ông bà ngoại là được. Chứ cứ ngon ngọt sang nịnh bợ, rồi giữ ý tứ, mua quà cáp mà thật ra mình không đặt vào đó tình cảm, tôi không làm được. Đấy là tôi còn ít gặp mà đã vậy, ngày nào cũng giáp mặt nếu ở rể, còn ngại ngùng nữa.

Đọc xong bài viết của bạn Dung, tôi càng thấy quyết định của mình là đúng đắn. Dù không lớn chuyện như gia đình bạn nhưng nếu tôi về làm rể, lâu ngày cũng xích mích, bất tiện cho cả bố mẹ vợ và cả vợ chồng mình. 

Nếu được, tốt nhất là vợ chồng ở riêng cho thoải mái. Còn không thì vợ về làm dâu nhà chồng theo đúng truyền thống. Chứ đàn ông mà đi ở rể thì nhục và vợ sẽ sớm hư thôi.