Đừng biến một hình ảnh đẹp thành sự thương hại

Câu chuyện trên chỉ đẹp khi mọi người suy nghĩ được rằng trong cuộc đời vẫn còn nhiều lắm những yêu thương, ấm áp.  Bởi vì, suy cho cùng, đây là một câu chuyện đẹp về hai người bạn nương tựa vào nhau giữa Sài Gòn bận rộn, share đi để thêm yêu Sài Gòn. 

Nó chỉ đẹp khi được hiểu rằng, hạnh phúc không phải là những gì xa hoa, hào nhoáng mà nó rất đỗi giản dị, gần gũi, cũng giống như hạnh phúc của anh đánh giày bị câm kia là làm bạn với chú chó mù nhỏ bé. Chứ không phải một câu chuyện “đáng thương hại”về hai mảnh đời bất hạnh đang cần được cứu vớt. 
Ở Sài Gòn, quý nhất là được yên
"Mối tình" người đàn ông đánh giày dành cho chú chó nhỏ thật đẹp biết bao giữa cuộc sống xô bồ

Ấy thế mà, ngay sau khi được chia sẻ, những dòng người tấp nập, rộn rã tới cái vỉa hè nhỏ bé “ban phát” tình thương. Cái tên người đánh giày Trần Khắc Ân bỗng dưng nổi như “sao” ở Sài Gòn, càng về tối lại càng nhiều người tìm gặp anh hơn. Góc vỉa hè ngày thường bình yên, tĩnh lặng nay đông đúc, ồn ào đến “lạ”.

Họ đến và mang theo nhiều đồ ăn cho anh và “người bạn nhỏ”, có người còn thể hiện lòng thương bằng việc cho anh tiền khi anh không hề ngửa tay ra xin. Anh cảm thấy khó chịu vì có quá nhiều người tìm đến tặng cái này, cái kia. Có lẽ chính “tình yêu” dễ dãi này của mọi người đang khiến anh cảm thấy mình trở thành một kẻ hành khất?!. Trong khi, với anh việc bầu bạn với chú chó nhỏ và công việc đánh giày gắn bó 20 năm nay mới thật là niềm vui, là hạnh phúc.

“Người bạn nhỏ bé” cũng chẳng thể ngủ yên trong chiếc giỏ là cái tổ ấm bao lâu nay của mình mà liên tục bị các bạn trẻ tới sờ nắn, vuốt ve. Họ chụp ảnh quay phim… chia sẻ lên facebook để “khoe” rằng “hôm nay, tôi đã làm được một việc 'tốt' là giúp đỡ 2 người này." Họ không hề biết, chú chó nhỏ yếu ớt cần phải được nghỉ ngơi sau một ngày vất vả cùng chủ nhân rong ruổi trên các con đường kiếm từng đồng mưu sinh. Chú chó mệt nhoài nhưng không biết than thở, chỉ biết nằm gác đầu lên chân “cậu chủ”, người bạn cưu mang mình cả cuộc đời.

Thậm chí, khi chú cún nhỏ đã “bất động”, nhiều người cũng không cho chú được yên. Họ không nghĩ “người bạn nhỏ” này cũng giống như con người khi mệt mỏi, đuối sức thì cần được phải yên tĩnh, nghỉ ngơi.

Clip "mệt mỏi" của chú chó nhỏ.

Trải lòng về câu chuyện này, nhà báo Trác Thúy Miêu nói: "“Lòng từ thiện và của bố thí không đúng chỗ là sự khiếm nhã, vô duyên và thô lỗ một cách đáng ngạc nhiên. Hiện nay, có thể nói chúng ta chưa có một nhà từ thiện chuyên nghiệp, chúng ta đã bớt hào sảng khi làm từ thiện. Hào sảng nghĩa là bạn có thể mời anh đánh giày một ly bia, trò chuyện cùng anh như một người bạn. Và lúc chúng ta đứng lên chào anh ra về, chúng ta không để lại cho anh một đống tiền, nhưng chúng ta để lại những nụ cười. Để anh có thể khoe với mọi người rằng “À, tôi có thêm một người bạn đấy, mỗi lần gặp là họ sẽ mời tôi uống bia!”. Rồi ai nấy trở về với công việc, với gánh nặng riêng của mỗi người. Hoặc nếu bạn muốn giúp, dẫu đôi giày của bạn vẫn còn sạch sẽ, bạn cũng có thể ngồi xuống uống café cùng anh và đưa giày cho anh đánh, đó là cách giúp anh làm nghề lương thiện”.

Nhà báo Thuý Miêu cũng tỏ rõ sự lo lắng cho số phận của anh Ân và chú chó: “Ở Sài Gòn, quý nhất là được yên. Yên ổn để được sống hào sảng, yên ổn để được hạnh phúc”.

Lòng tốt phải được sử dụng đúng cách

Ở Sài Gòn, quý nhất là được yên

"Người bạn bé nhỏ" của anh đánh giày bị mọi người chuyền tay nhau như "quả bóng"

Biết tin chú chó mù bị mệt ốm vì hành động sờ nắn, vuốt ve của không ít người khi tới thăm, những người theo dõi câu chuyện cảm thấy vô cùng bức xúc.

“Con chó nhỏ đã kém may mắn giờ lại còn bất hạnh hơn”, “ngày cỡ chục người cứ ôm nó, vuốt lên vuốt xuống người còn chết huống hồ gì là con chó nhỏ”, “chó con mà vần nó thế nó chết mất chứ, chó con nó tránh hơi người mà, không hiểu các bạn nghĩ gì nữa?”… là một số ít trong rất nhiều những lời trách móc được đưa ra.

Ở Sài Gòn, quý nhất là được yên

Ở Sài Gòn, quý nhất là được yên
Nhiều lời trách móc, lên án hành động làm hại người bạn duy nhất của anh đánh giày được đưa ra

Một thành viên trên mạng xã hội biết tin chú chó mù bị mệt ốm đã chia sẻ: “Tình người ở đâu? Chia sẻ đâu không thấy, thấy tới ôm lắc chụp hình cho cố vào. Lúc trước không ai biết, anh và chú cún vẫn sống bình thường và giản dị nhưng có tình thương, giờ ngày nào cũng có người tới chia sẻ hết niềm vui của anh, tới nỗi giờ con cún sắp không chịu nổi. Không biết anh sẽ như thế nào khi không còn chú cún con bầu bạn”.

Hạ Vi buồn bã nói: “Thương nó quá, sờ nắn vuốt ve các kiểu rồi giơ điện thoại check in phát cho có với đồng bào. Các bạn tốt quá rồi các bạn ơi, con chó nhỏ đã kém may mắn giờ lại còn bất hạnh hơn”.

“Sức nó đã yếu rồi thì chớ, mấy ba mấy má làm như tốt quá, thương quá, ra cho tiền xong kiểu vọc lên vọc xuống, nựng qua nựng lại con chó của người ta. Người ta vốn đang yên ổn bình thường, không có mấy đồng tiền của mấy ba mấy má thì người ta vẫn ngày ngày đi làm kiếm đủ tiền để an ổn cuộc sống. Mấy ba mấy má nghĩ đồng tiền của mình to lắm hay sao mà có quyền cho tiền rồi ngồi vọc bạn người ta?.

Anh kia có mỗi con chó bầu bạn, mấy má đừng có thay nhau tiễn nó đến cửa “thiên đường”, không có ai mướn đâu. Giúp cho đàng hoàng thì giúp, đừng có chữa “lợn lành thành lợn què”. Đến con người bị sờ bị nựng hoài còn nổi cáu. Hỏi han, quan tâm được rồi sao cứ vuốt ve rồi lật qua lật lại chuyền người này sang người kia như chuyền quả bóng vậy?”, facebooker Jinie Lynk phẫn nộ.

Jinie Lynk cũng chia sẻ: “Thời đại của chúng tôi, có những câu chuyện được báo chí đưa lên để chia sẻ, để cho thấy cuộc đời còn lắm những câu chuyện cảm động về tình người, tình cảm giữa con người với con vật, nhưng qua tay thế hệ trẻ, với xu hướng sống ảo cộng đồng mạng, liền đem lòng tốt của bản thân mà chả biết có tâm hay giả vờ thu hút sự chú ý đẩy câu chuyện đi theo một chiều hướng tồi tệ chả ai muốn".

"Lòng tốt nếu không biết sử dụng đúng thời điểm, đúng cách thì lòng tốt cũng bằng không, có khi còn để lại hậu quả không lường trước được”, Jinie Lynk nhắc nhở.

Thật may, chú chó đã khỏe lại

Nghe tin chú chó bị mệt, trưa 14/8, chúng tôi quay trở lại góc đường Cao Bá Quát – Thái Văn Lung (quận 1), nơi anh đánh giày câm Trần Khắc Ân hay làm việc. Dù không nhiều như khi câu chuyện mới được đăng tải nhưng vẫn có lác đác vài bạn trẻ đến hỏi thăm tình hình của anh và chú chó mù. Những món quà như thức ăn, sữa, đồ chơi… vẫn tiếp tục được gửi tặng đến họ.

Anh Ân vẫn ngồi vỉa hè chờ người đánh giày. Anh giơ 5 ngón tay để nói số khách đến chỗ mình từ sáng giờ. Bên cạnh, chú chó vẫn quanh quẩn bên chân. Lâu lâu anh lại lấy đồ ăn, đồ chơi để chú nghịch. Thỉnh thoảng, một vài bạn lại chụp hình, vuốt ve.

Anh diễn tả, hôm qua con chó khá yếu ớt, không tinh nghịch mà chỉ nằm bệt một chỗ. Đêm hôm ấy, anh thức khuya để ôm ấp chú chó trong người vì sợ con vật của mình bị bệnh. Khi hỏi anh, có phải hôm nay chú cún khỏe hơn hôm qua không thì người đánh giày cười, gật đầu lia lịa.




Hôm qua chú chó khá yếu nhưng hôm nay đã khỏe, nghịch nghợm mà ăn được nhiều hơn.
Tuy nhiên, nhiều khi do mệt nên chú cho nằm nép vào góc tường.


Anh Ân vẫn ngồi một chỗ để chờ người đánh giày và chăm sóc chú chó mù.




Xung quanh người đánh giày câm là những món quà mọi người dành tặng.


Lác đác có vài người đến hỏi thăm tình hình
Chỉ hy vọng rằng, câu chuyện của anh Ân và chú chó nhỏ - sẽ giúp chúng ta nhìn vào đó và thấy rằng, thật ra, mọi người đều có thể tự "lo liệu" cuộc sống cho mình. Và thật ra, điều quý giá nhất trên cuộc đời là "sẻ chia" chứ không phải "ban tặng". Người đánh giày đang sống một cuộc sống chân chính của một người lao động chân chính. Thay vì phá vỡ sự "bình yên" của họ theo cách mà bạn nghĩ là tốt, thi thoảng hãy tạt qua đánh một đôi giày, trò chuyện vui vẻ cùng anh. Hẳn, mọi thứ sẽ yên an và hạnh phúc hơn nhiều.