Cô giúp việc tối nào cũng... gõ mõ tụng kinh
Tuy kinh tế khá giả nhưng đường con cái của vợ chồng anh S. (ngụ phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) khá vất vả. Cách đây mấy năm, cậu con trai của anh chị đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông.
Tuổi đã lớn, con thì không còn, vợ chồng anh buồn lắm. Nghe lời người thân, hai anh chị quyết định đi thụ tinh nhân tạo. Trời không phụ lòng người tốt, vợ anh đã mang song thai và sau đó sinh hạ được hai bé gái rất dễ thương.
Trong khi gia đình đang cần người giúp việc để chăm sóc hai con thì Trần Thị Yến Linh (SN 1970, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) được trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu đến.
Ngày mới ra mắt gia đình chủ nhà, Linh "thật thà" tâm sự: "Cha mẹ, anh em em ở quê mất hết rồi. Em cũng từng có một đời chồng nhưng đã ly dị, chỉ còn một đứa con nhỏ chồng đang nuôi. Anh chị thương tình thì nhận cho em làm việc". Nghe đến đây, lòng thương cảm đã trào dâng, vợ chồng anh S. không thể từ chối, chấp nhận thuê Linh và trả lương 2,5 triệu đồng/tháng.
Được cái Linh rất sạch sẽ, suốt ngày lau dọn nhà cửa. Cô chăm sóc hai đứa con của anh S. rất chu đáo. Thấy cô giúp việc ăn nói nhẹ nhàng, không cãi lời chủ nên vợ chồng anh S. rất ưng ý.
Không chỉ thế, đêm nào Linh cũng gõ mõ tụng kinh để cầu an cho cả gia đình chủ. Cảm động trước tấm chân tình của cô giúp việc, vợ chồng anh S. tin và coi Linh như người thân trong gia đình.
Sau khi vào làm được chừng nửa tháng, một buổi tối, Linh nhẹ nhàng kéo ghế ngồi bên vợ chồng anh S. mở lời: "Em có một người bạn rất cần tiền. Em biết, anh chị có lòng tốt, thương người. Anh chị có thể cho em mượn 150 triệu đồng để đưa cho bạn của mình không? Em hứa, sẽ trả lại trong thời gian gần nhất".
Mặc dù thương cô giúp việc, nhưng vì thời gian quen biết quá ngắn ngủi và số tiền Linh hỏi lại quá lớn nên vợ chồng anh S. từ chối. Thấy vậy, Linh tỏ thái độ giận dỗi. Tối hôm đó, cô trả con cho anh S. rồi vào phòng riêng nằm thút thít. Sáng hôm sau, cô xin nghỉ việc với lý do: "Em thương anh chị mà anh chị chẳng thương em chút nào".
Sau khi cô giúp việc bỏ đi, vợ chồng anh S. khá vất vả trong việc chăm sóc hai con. Tìm mãi, anh chị vẫn không thấy có người thích hợp để thay thế vị trí của Linh. Chừng nửa tháng sau, Linh đột ngột gọi điện thoại đến, nghẹn ngào nói với vợ chồng anh S.: "Em nhớ hai cháu quá. Anh chị cho em xin lỗi chuyện bữa trước, rộng lòng tha thứ cho em về làm lại".
Sau khi quay lại nhà anh S., Linh cười nói rất vui vẻ. Nhìn vẻ mặt hớn hở của cô giúp việc, vợ chồng anh S. không thể ngờ, thị đang vạch ra một kế hoạch "động trời".
Lộ chân tướng vì tội... "vui mồm"
Vì hoàn toàn tin tưởng cô giúp việc, tối hôm đó có việc phải ra ngoài, vợ chồng anh S. dặn dò Linh mấy câu rồi giao chìa khóa két sắt cho Linh giữ. Biết ông bà chủ đi khá lâu, Linh lập tức đến khu vực bến xe An Sương (quận 12) tìm một thợ khóa, nhờ đến xem giúp chiếc két sắt vì: "Tôi quên mất mã...". Anh thợ phá khóa tưởng thật, vui vẻ theo chân Linh về nhà anh S.. Hì hục chừng nửa tiếng đồng hồ, nhưng do tay nghề còn non nên anh thợ khóa không thể mở được chiếc két. Sợ mất mối làm ăn, anh thợ khóa liền giới thiệu một người bạn của mình đến.
Lần này, với sự hợp sức của người bạn, chiếc két sắt đã được mở tung. Xong xuôi, Linh hớn hở tiễn hai anh thợ phá khóa ra về, miệng cảm ơn rối rít. Sau đó, thị vào trong nhà, lấy một bao nilon lấy hết số tài sản bên trong két sắt bao gồm 90 triệu đồng và 20 lượng vàng SJC rồi bỏ đi không một lời từ biệt.
Tối hôm đó, vợ chồng anh S. về nhà. Họ chết đứng khi phát hiện một lượng tài sản lớn cùng cô giúp việc đã "không cánh mà bay". Ngay lập tức, vợ chồng anh đến công an quận 12.
Lại nói về cô giúp việc tên Linh, sau khi cuỗm toàn bộ tài sản của vợ chồng chủ nhà, Linh tìm xuống tỉnh Tây Ninh xin vào làm tại một quán cà phê. Trong khi bán, Linh tâm sự với người cùng bán với mình rằng cô chỉ đi làm cho vui thôi chứ bản thân Linh có rất nhiều vàng do tích góp được khi làm việc ở quận 12, TP.HCM....
Câu chuyện của Linh được người bạn này đem kể lại với một người khác. Thông tin về cô gái "bán cà phê có nhiều vàng" cứ thế lan truyền. Cuối cùng, câu chuyện lọt vào tai của một đồng chí công an.
Đối với người bình thường, câu chuyện đó chỉ nghe cho vui, nhưng với kinh nghiệm của bản thân, đồng chí công an này nghi ngờ cô gái bán cà phê có điều gì đó không bình thường. Anh tìm đến công an quận 12 hỏi về việc trong khoảng thời gian qua trên địa bàn quận có xảy ra vụ mất trộm vàng nào lớn không.
Công an quận 12 cho biết, có xảy ra vụ mất 90 triệu đồng và 20 lượng vàng SJC của anh S. nhưng chưa có manh mối về thủ phạm. Nghe vậy, đồng chí công an nọ liền thông báo cho công an quận 12 về những nghi ngờ của mình với cô gái bán cà phê ở Tây Ninh.
Ngay lập tức, một nhóm trinh sát công an quận 12 đã chở anh S. lên Tây Ninh để xác minh cô gái bán cà phê có lượng vàng lớn có liên quan gì đến đối tượng Linh hay không.
Khi đến quán cà phê, anh S. vui mừng thông báo: "Chính là cô ta. Cô ta là người đã lấy số tài sản lớn của gia đình tôi". Linh bị bắt ngay lập tức và không ngờ câu chuyện trong lúc "vui mồm" đã khiến cô tự lộ chân tướng.
Rao giảng về "lòng tốt" trong... vành móng ngựa(!)
Mới đây, Trần Thị Yến Linh bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử về tội trộm cắp tài sản. Cuộc đời của Linh dần dần hiện ra sau những lời khai. Theo đó, Linh sinh ra tại Tiền Giang rồi cùng gia đình lưu lạc đến tỉnh Trà Vinh. Gia đình khó khăn, Linh chưa một lần được bước đến trường học, nhưng nhờ sáng dạ, học lỏm nên cô cũng biết đọc, biết viết. Sau đó, cả gia đình Linh đã bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Từ đó Linh sống lang thang khắp nơi.
Cuộc đời đưa đẩy, cô gặp một người đàn ông rồi kết duyên vợ chồng. Hai người có với nhau một đứa con trai. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng có nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết nên vợ chồng Linh ly hôn, đứa con trai xin được theo cha. Một lần nữa, Linh phải sống trong cô độc.
Trong những tháng ngày sống bơ vơ, Linh được trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu đến làm việc tại nhà anh S. Tuy nhiên, thấy nhà chủ có nhiều tiền của nên cô nảy sinh ý định "cuỗm" tài sản.
Đứng trong vành móng ngựa, khi được hỏi về việc tại sao chỉ mới làm được nửa tháng đã hỏi "mượn" chủ nhà 150 triệu đồng, Linh không một chút ngại ngần đáp: "Bị cáo là người sống có tình cảm, có trước, có sau. Trước đây, khi bị cáo gặp nạn đã được một người bạn cứu sống. Do đó, khi người bạn này cần tiền, bị cáo mới mở lời mượn chủ nhà. Bị cáo mượn chứ đâu có ý định gì đâu mà vợ chồng anh S. phải đưa ra đây để nói".
Cảm thấy nói như thế vẫn chưa đủ, Linh tiếp tục: "Các vị thấy đó, con người sống phải có tình cảm. Tôi là người có đạo đức, có cha, có mẹ nên cũng phải sống sao cho đúng là một con người".
Giờ nghị án kết thúc, HĐXX xét thấy hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật, số tài sản bị cáo đã lấy của chủ nhà có giá trị lớn: Hơn 1 tỷ đồng, do vậy tuyên phạt Linh 16 năm tù giam.
Diễn thuyết như một… "triết gia" (!) Trong suốt phiên toà, Linh liến thoắng rao giảng chuyện đạo đức, về cái tốt, cái xấu như một triết gia. Cô nói có vần, có điệu, giọng lúc trầm, lúc bổng. Có lẽ, nếu ai ở ngoài, không biết phiên tòa đang xử thì lại tưởng là đang có một cuộc diễn thuyết. Vị chủ tọa phải ngắt lời bị cáo: "HĐXX đang hỏi hành vi của bị cáo chứ không phải để bị cáo triết lý về cuộc sống. Nếu bị cáo là một người có đạo đức, biết trước, biết sau thì tại sao lại phụ lòng tốt người đã cưu mang bị cáo trong lúc khó khăn. Tại sao bị cáo lấy hết tài sản của anh S.?". Đến lúc này, bị cáo Linh đỏ mặt, cúi đầu thinh lặng.