Hàn Quốc không chỉ chinh phục mọi người trên khắp thế giới bằng phim ảnh, âm nhạc mà văn hóa đặc sắc của xứ sở kim chi cũng là một yếu tố cực kỳ thu hút sự quan tâm và tò mò của bất cứ ai. Một trong số đó là triết lý Obangsaek đã tồn tại từ rất lâu và đến nay vẫn ảnh hưởng đến lối sống của toàn thể người dân nước này.
Obangsaek được gọi là triết lý ngũ hành, bao gồm 5 màu sắc đen, đỏ, xanh, trắng và vàng, được xem là màu may mắn của người Hàn Quốc. Chúng tượng trưng cho vật chất nước, lửa, cây, kim loại và đất, đồng thời đại diện cho sự cân bằng trong cuộc sống.
Người Hàn Quốc quan niệm con người luôn cần có được sự cân bằng trong tất cả các mọi chuyện, không quá dư và cũng không quá thiếu. Tư tưởng này thấm nhuần vào từng ngõ ngách cuộc sống của người Hàn, họ làm việc cật lực ở đất nước đầy rẫy áp lực và sự kỳ vọng nhưng cũng dành nhiều thời gian thư giãn sau ngày dài vất vả. Bằng chứng là không khó để bắt gặp cảnh tượng đàn ông lẫn phụ nữ Hàn nằm lăn ra ngoài đường sau buổi nhậu nhẹt hết mình đến giữa khuya để rồi đến sáng ra vẫn có thể về nhà thay đồ rồi đến công ty làm việc như thể không có chuyện gì xảy ra.
Obangsaek ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền ẩm thực Hàn Quốc. Người dân nơi đây quan niệm ẩm thực ngon không phải cao lương mỹ vị mà phải tốt cho sức khỏe. Đơn cử như kimchi chỉ làm từ rau củ nhưng có đến hàng chục, hàng trăm loại khác nhau, đảm bảo tăng cường sức khỏe cho người ăn. Thông thường người Hàn Quốc cũng chú trọng việc trang trí và bày biện món ăn, luôn tuân theo quy tắc Obangsaek, có đầy đủ 5 màu sắc chủ đạo.
Ngũ sắc còn là biểu tượng của 4 phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, và trung tâm, đều mang ý nghĩa quan trọng ngang bằng nhau.
- Màu trắng (đại diện cho kim loại, hướng Tây và mùa thu): Từ lâu người Hàn Quốc đã tôn sùng màu trắng bởi quan niệm nó đại diện cho sự thuần khiết và công bằng nên đây chắc chắn là sắc màu không thể thiếu trong triết lý ngũ hành Obangsaek. Màu trắng có liên quan đến chức năng của phổi do đó người ta thường ăn củ cải trắng, rễ hoa chuông và mầm đậu nành để ngăn ngừa cảm lạnh. Ngoài ra, màu này còn bao gồm các thực phẩm khác như gạo (món ăn chính không thể thiếu trong bữa cơm của người Hàn), hành tây, tỏi, khoai tây, củ sen…
- Màu đen (đại diện cho nước, hướng Bắc và mùa đông): Sự huyền bí và sắc sảo của màu đen tượng trưng cho trí thông minh, sự mạnh mẽ của con người. Các thực phẩm trong nhóm này bao gồm đậu đen, vừng đen, gạo đen, rong biển, mộc nhĩ… rất tốt để làm dịu tâm trí cũng như cải thiện chức năng làm việc của thận và bàng quang.
- Màu xanh (đại diện cho cây, hướng Đông và mùa xuân): Người Hàn cũng quan niệm màu xanh là màu của hy vọng, niềm tin và ước mơ. Thực phẩm màu xanh thường là dưa chuột, bí xanh, hành lá, lá nhỏ và lá vừng… tốt cho gan và ruột.
- Màu đỏ (đại diện cho lửa, hướng Nam và mùa hè): Đây là biểu tượng của năng lượng mạnh mẽ, đủ để đẩy lùi cái ác. Người Hàn Quốc ngày xưa phơi khô dây tiêu đỏ trong sân nhà để bảo vệ họ khỏi vận rủi. Màu đỏ bao gồm các thực phẩm ớt đỏ, tiêu đỏ, gạo đỏ... có tác dụng bổ huyết, thúc đẩy lưu thông máu tốt hơn.
- Màu vàng (đại diện cho đất, trung tâm): Từ thời xa xưa, màu vàng đã được xem là màu sắc của sự cao quý, sang trọng và uy quyền, thường làm người ta liên tưởng đến vua chúa. Nhóm thực phẩm thuộc màu vàng thường là bí ngô, khoai lang, đậu tương, trứng... giúp tuyến tụy, dạ dày hoạt động ổn định và kích thích sự thèm ăn.
Theo quan niệm của Obangsaek thì 1 món ăn nếu có đầy đủ 5 màu như trên thì không chỉ ngon về vị mà còn mang đến lợi ích sức khỏe cho con người. Khoa học hiện đại cũng đồng ý với tư tưởng này bởi việc bổ sung các thực phẩm thuộc 5 nhóm màu sắc kia sẽ đảm bảo được lượng dưỡng chất cung chất cho cơ thể, từ đó nâng cao sức khỏe.
Không chỉ vậy, các món ăn tuân thủ triết lý Obangsaek còn được cho là hội tụ đầy đủ các vật chất nước, lửa, cây, kim loại và đất. Người ăn nhờ đó mà hấp thụ được tinh hoa đất trời, thẩm thấu vào cơ thể sau quá trình dùng bữa. Không chỉ tốt về mặt sức khỏe mà còn bồi dưỡng tinh thần cho con người.
Ẩm thực Hàn Quốc mang đậm dấu ấn Obangsaek và nhất là các món ăn quen thuộc, nổi tiếng của xứ sở kim chi. Điển hình là món cơm cuộn, tuân thủ triết lý ngũ sắc bao gồm màu đen từ rong biển, màu đỏ từ cà rốt, màu xanh từ dưa leo, màu trắng từ cơm và màu vàng từ trứng. Một món ăn mang đậm tính truyền thống, biểu tượng lại còn thấm đượm triết lý Obangsaek thì càng tăng thêm nhiều phần ý nghĩa.
Món cơm trộn (bibimbap) cũng không ngoại lệ khi nó là sự kết hợp của màu đen từ nấm, màu đỏ từ ớt và cà rốt, màu xanh của rau, dưa leo hoặc đậu, màu trắng của cơm và giá, cuối cùng là màu vàng của trứng.
Gujeolpan từng là món ăn chỉ dành cho các bậc vua chúa và quý tộc ngày xa xưa. Tên được dịch ra là nem cuốn cửu vị và có 9 khay đồ ăn khác nhau, có thể thay đổi tùy theo mùa, nhưng đều chỉ xoay quanh 5 màu sắc chủ đạo của triết lý Obangsaek.
Ngoài ẩm thực thì Obangsaek còn hiện diện ở khắp mọi nơi trên đất nước Hàn Quốc, từ thiết kế trang phục truyền thống, kiến trúc văn hóa cho đến các trò chơi dân gian…
(Nguồn: Tổng hợp)