Kristy Watson, bà mẹ trẻ ở bang Victoria (Australia) đã quyết định đăng bức ảnh con trai xấu số của mình lên Facebook với hi vọng "không người mẹ nào, không gia đình nào phải trải qua nỗi đau, sự tan nát và mất mát" mà cô phải chịu đựng.
Dấu hiệu tiền sản giật đã bị các bác sĩ liên tục bỏ qua
Nữ nhân viên quán cà phê cho biết, việc mang thai với vai trò mẹ đơn thân với cô quả thực không hề dễ dàng. Chưa kể, Kristy từng bị sảy thai 3 lần trước đó. Nhưng người phụ nữ 20 tuổi gọi đó là "trải nghiệm đẹp đẽ nhất". Cô ca ngợi cơ thể mình đã đủ khỏe mạnh để mang bên trong một sinh linh khi mà Kristy không tin rằng mình có thể mang bầu. Nhưng qua 26 tuần thai, cô bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Y tá thông báo trái tim bé Kaycen đã ngừng đập khi được 32 tuần 5 ngày trong bụng mẹ.
Kristy kể: "Tôi biết có điều gì không ổn. Từ đôi bàn chân, bàn tay và khuôn mặt bị sưng phù lên một cách khủng khiếp, những cơn đau đầu kéo dài nhiều tuần và thị lực suy giảm rồi huyết áp lên xuống thất thường. Tôi biết, đó không phải là những triệu chứng bình thường của thai kỳ.
Nhưng sau vô số lần đi khám bác sĩ, vào rồi ra bệnh viện, thậm chí, thử liên hệ với một bệnh viện khác để xin một lời tư vấn nữa, tôi đều được thông báo rằng mọi chuyện vẫn ổn".
Kristy khẳng định, trong 6 tuần tiếp theo, cô liên tục bị cho về nhà dù đã chia sẻ mối lo ngại của mình với bác sĩ. Mãi cho tới khi một y tá ngồi xuống bên giường Kritsy, vào thời điểm thai nhi đã được 32 tuần 5 ngày, bà mẹ trẻ mới được phát hiện bị tiền sản giật. Đây là hội chứng có thể gây tăng huyết áp và protein trong nước tiểu. Nữ y tá này cũng thông báo cho Kristy biết, trái tim con trai cô đã ngừng đập.
Hình ảnh đau xót của Kristy khi ôm con trai bé bỏng đã ra đi trong tay.
3 ngày sau, Kristy được kích đẻ và trải qua 12 giờ đau đớn trước khi bế trên tay bé Kaycen, lúc đó, đã không còn chút sự sống trong cơ thể. Kristy đã tắm cho con, mặc cho bé bộ quần áo mới và đặt Kaycen trong chiếc nôi nhỏ với những con gấu bông vây quanh.
"Hãy lắng nghe trực giác mình" và "đấu tranh để có được câu trả lời"
Sau sự ra đi đau lòng của con trai bé bỏng, người mẹ 20 tuổi đã lên tiếng cảnh báo những phụ nữ khác hãy lắng nghe trực giác của mình, hãy "đấu tranh để có được câu trả lời" và đảm bảo rằng mình được lắng nghe.
Những hình ảnh đau lòng của Kaycen.
Kristy nghẹn ngào kể: "Tôi cảm nhận những chuyển động cuối cùng của con trai tôi vào ngày 26/7, tầm 8h30 tối, trước khi con được phát hiện tim ngừng đập vào 6 giờ sáng hôm sau. Tôi từ chỗ có cả một sinh mệnh trong mình, cả thế giới của tôi rộn rã và con cũng khỏe mạnh, tới chỗ phải dùng biện pháp giục sinh để đứa con bé bỏng đã say ngủ chào đời. Tôi đã mất đi cậu bé tuyệt vời của tôi vì họ đã khiến tôi thất vọng, đã không lắng nghe tôi khi tôi biết có điều gì đó không ổn xảy ra.
Tôi phải chứng kiến gia đình tôi tan nát trái tim thế nào khi mất đi đứa cháu trai, người em họ và cả bản thân tôi nữa, bởi chẳng ai đủ quan tâm để giúp đỡ khi tôi cần đến.
Tôi muốn mọi người biết tới câu chuyện này của tôi, để bạn hiểu những gì mà trực giác bạn mách bảo và đấu tranh tìm kiếm câu trả lời, trở đi trở lại cho tới khi biết rõ chuyện gì đang diễn ra và đảm bảo mọi người sẽ thật lòng lắng nghe bạn.
Bởi giờ đây, tôi phải trở về nhà, nơi đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết để nuôi dưỡng con trai bé nhỏ của tôi.
Về với chiếc nôi trống rỗng mà con trai tôi không bao giờ còn nằm trong đó.
Về với những cuốn sách mà tôi không bao giờ có thể đọc cho con nghe.
Về với bộ đồ yêu thích của con mà tôi không bao giờ còn được mặc cho con nữa.
Tất cả chỉ vì tôi đã không được lắng nghe.
Giờ đây, tôi về nhà tay trắng, trái tim tan nát đau đớn tới nỗi sẽ cần rất nhiều thời gian để lành lại".
"Tôi muốn mọi người biết tới câu chuyện này của tôi, để bạn hiểu những gì mà trực giác bạn mách bảo và đấu tranh tìm kiếm câu trả lời".
Chia sẻ đẫm nước mắt của Kristy kết thúc bằng lời kêu gọi những phụ nữ khác hãy lắng nghe những gì cơ thể đang cố nói với mình và kiên trì thuyết phục bác sĩ hãy kiểm tra tới khi nào có được câu trả lời chính xác.
"Làm ơn hãy lắng nghe cơ thể bạn. Tôi biết, một số người không phải trải qua những căng thẳng mà tôi từng trải qua nhiều tuần trước cái chết của con trai tôi.
Chúng ta phải chăm sóc chính mình thật nhiều và tôi không thể hình dung bất cứ một người mẹ nào khác phải chịu đựng cảm giác họ không thể sinh con ra đời, như những gì tôi từng trải qua.
Hãy tự nhiên chia sẻ bài viết này. Tôi không muốn nó bị coi như là lời đổ lỗi cho bất cứ ai. Tôi chỉ muốn mọi người biết những gì tôi phải chịu đựng và theo một cách nào đó, câu chuyện của tôi có thể giúp ngăn ngừa điều tương tự xảy ra với ai đó".
Tiền sản giật là hội chứng ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc ngay sau khi trẻ chào đời.
Theo NHS - Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia Anh, dấu hiệu tiền sản giật có thể được phát hiện trong các cuộc hẹn khám thai. Nhưng trong một số trường hợp, nó có thể phát triển thành những triệu chứng dưới đây: Sưng phù bàn chân, mắt cá chân, mặt và tay do tình trạng giữ nước trong cơ thể; đau đầu nghiêm trọng; gặp vấn đề về thị lực; đau ngay dưới xương sườn.
Mặc dù nhiều trường hợp tiền sản giật chỉ ở mức độ nhẹ, nó vẫn có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé nếu không được kiểm soát và điều trị. Chẩn đoán càng sớm thì kết quả càng khả quan.
Nguồn: Mirror, News