Là chú ruột gọi.

Sau 8 năm đây là lần đầu tiên người ấy gọi cho tôi. Vốn dĩ trước giờ tôi cũng chẳng lưu số của bất kỳ ai bên nhà nội, kể cả bố đẻ. Mọi người thấy ngạc nhiên bất ngờ phải không? Nhưng đúng là nhiều năm qua tôi không còn qua lại với nhà nội nữa, tất cả quá khứ họ đối xử với tôi vẫn còn nguyên trong tâm trí này.

Quay lại cuộc điện thoại của chú. Tôi đoán ông ấy gạt bỏ hết sĩ diện để gọi cho mình thì kiểu gì cũng mang đến tin xấu. Y rằng. Chú kêu bà nội ốm nặng sắp không qua khỏi, đòi tôi phải qua chăm sóc rồi trả viện phí cho bà. Tôi chỉ đáp ngắn gọn rằng mình bận việc.

***

Nói là ân oán cũng không hẳn, nhưng tôi thực sự không còn tình cảm với nhà nội chút nào. Mọi người hiểu cảm giác bị đối xử theo kiểu trọng nam khinh nữ, bị coi thường và tệ bạc là như thế nào chứ? Mẹ tôi cũng vì nhà nội quá quắt nên mới bỏ đi. Còn tôi ở lại sống hơn chục năm khổ cực trong căn nhà dát vàng dát bạc.

Ông bà nội tôi rất giàu, nói là đại gia cũng chẳng sai. Cách đây mấy chục năm ông bà nội đã sở hữu cả loạt tiệm vàng, 4 người con mỗi nhà 1 chiếc ô tô. Bố tôi là con cả được ông bà cho thừa kế hẳn nửa số tiệm. Mẹ tôi khi ấy là hoa khôi một vùng, được gả đi xong ai cũng nói là “chuột sa chĩnh gạo”.

Nhưng chính vì giàu có dư của nên nhà nội tôi sinh tật khinh người. Từ hàng xóm láng giềng đến giúp việc đều nói xấu ông bà chú bác tôi rất nhiều. Mấy đứa em họ tôi cũng bị lũ trẻ trong phố “cạch xít” không thèm chơi vì xấu tính. Hàng xóm quét sân bay tí rác sang ông nội tôi chắp tay đứng chửi cả buổi. Đứa nào đá bóng văng vào tường là bà nội vác chổi ra tìm đánh. 2 chú ruột thì người mê rượu người cờ bạc, suốt ngày sinh sự cãi nhau với bố tôi hoặc đòi tiền ông bà. Cô út thì hay vung tay quá trán, cậy nhà sẵn vàng bạc nên toàn lấy trộm đem đi chơi.

Nói chung gia cảnh bên nội tôi vô cùng hỗn độn. Câu phú quý sinh lễ nghĩa chẳng hề đúng với họ chút nào. Và mấy chuyện ở trên chỉ là nhỏ nhặt, cái đáng sợ nhất đối với tôi là sự ki bo của nhà nội cơ.

Ông bà nội giàu nứt vách nhưng bữa cơm 10 người chỉ cho ăn 2 quả trứng - Ảnh 1.

Mang tiếng nhiều đời ở Hà Nội lại giàu nứt đố đổ vách nhưng từ ông bà nội đến bố tôi và cô dì chú bác đều keo kiệt vô cùng. Họ kị nhất là hàng xóm sang vay gạo vay mắm, thậm chí xin cọng hành họ cũng chẳng muốn cho. Cái xe đạp ghẻ 20 năm cũ rích người khác hỏi mượn cũng không cho. Đôi dép rách vứt chỏng lỏn ngoài sân có đồng nát đi ngang qua xin thì đuổi đánh như bệnh dịch. Tiền thuê giúp việc thì mặc cả từng xu, nên ai tới cũng chỉ ở được 1 tháng là lâu nhất.

Kinh khủng nhất là những bữa cơm chung. Cả đời tôi ám ảnh mãi cái lần nhà đầy đủ 10 miệng ăn, chầu chực mãi bà nội mới mang ra một đĩa rau xào, ít thịt luộc và… 2 quả trứng. Đến một đứa trẻ đang học lớp 5 như tôi khi ấy còn thấy chẳng đủ no. Vậy mà bà nội đủng đỉnh nói con cháu tự chia nhau ăn và phải “để phần” cho bà cô đi vắng nữa?!? Cứ như mâm cơm gia đình năm 45 vậy, thật “xa xỉ” và đề huề quá cơ!

Một lần tỉnh giấc ban đêm xong tự dưng tôi thấy đói. Mò xuống bếp xem có gì ăn, thấy trong tủ lạnh có bát thịt gà nên tôi bỏ ra gặm tạm. Vừa nhai được mấy miếng thì sống lưng lạnh toát. Bà nội xuất hiện lù lù sau lưng lúc nào không biết, xách tai tôi lên bắt cất chỗ thịt đi và chửi mắng tôi là loại “con nhà mất nết”. Vâng, là cháu bà chứ đâu. Từ lúc mẹ bỏ đi tôi như cái gai trong mắt bà, vừa là con gái vô dụng lại vừa hao cơm phí vải.

Ông bà liên tục giục bố tôi lấy vợ khác. Năm tôi 14 tuổi bố tái hôn, mẹ kế có bầu thì tôi bị đuổi về nhà ngoại. Căm tức lắm nhưng tôi chẳng làm gì được, chỉ biết khóc ướt gối khi nghĩ lại những ngày tháng tủi nhục sống cùng người thân mà như đứa ăn nhờ ở đậu.

Năm 20 tuổi tôi lỡ có bầu, khi ấy bạn trai đi làm xa nên chưa kịp về cưới hỏi. Nhà ngoại xây mới nên bảo tôi qua bên nội ở tạm một thời gian. Dù không muốn quay lại ngôi nhà kinh khủng đó nhưng do con còn bé quá nên tôi đành khăn gói bước sang.

Bà nội bắt tôi ở trong cái kho cũ vì phòng tôi ngày xưa giờ đã thuộc về con riêng của bố. Nuốt nước mắt ngược vào trong, tôi dọn dẹp sạch sẽ 15 mét vuông và mua thêm đồ đạc về trang trí. Chỉ 2 ngày là mẹ con tôi đã có chốn tử tế dung thân. Tuy hơi nhỏ một xíu nhưng cũng thoáng mát, lại cách xa phòng của những người khác trong nhà.

Tưởng được yên tĩnh chăm con nhưng kết cục tôi lại nhầm. Đứa con riêng của bố suốt ngày vào phòng quậy phá, ăn vụng sữa của con tôi và hò hét ầm ĩ. Nhắc nó thì nó mách bà, xong bà nội lại đi xuống mắng tôi rát mặt, chê tôi ích kỉ xấu tính với đứa em cùng cha khác mẹ.

Tôi tự bỏ tiền ra nuôi con vì không muốn dính líu đến nhà nội. Ấy thế mà ông bà chẳng chịu để yên, họ liên tục bới móc tra hỏi xem tôi chỉ ở nhà mà lấy tiền đâu ra ăn uống mua sắm. Thậm chí ông nội còn sai chú lục tung phòng tôi lên để kiểm tra xem liệu tôi có ăn cắp vàng tiền nhà họ.

Chua xót nhất là ngày ông bà nội đuổi tôi đi lần thứ 2. Lấy cớ cần phòng riêng cho giúp việc mới, họ bắt tôi bế đứa con đỏ hỏn ra khỏi nhà, không được phép mang theo gì ngoài giỏ đựng sữa bỉm. Tôi cắn chặt răng không khóc, tự nhủ mình phải mạnh mẽ lên.

8 năm trôi qua tôi cắt đứt quan hệ với bên nội. Đến bố ruột còn chẳng quan tâm đến sự tồn tại của tôi thì người khác đâu nghĩ tôi là máu mủ ruột thịt. Họ đối xử với tôi tệ bạc như thế, cay nghiệt như thế, tại sao lại bắt tôi quay về chăm sóc bà nội và bỏ tiền ra nuôi bà đến khi bà chết? Ở đâu ra sự đòi hỏi ngang ngược và vô lý thế chứ? Ai chửi tôi là con máu lạnh cũng được, chưa giây phút nào tôi quên quá khứ bất hạnh trong ngôi nhà to đùng ấy cả.

Trên đời này quý giá nhất 2 chữ gia đình. Nhưng với nhiều người, chẳng hạn như tôi, nhắc đến gia đình là cảm giác sợ hãi, lặng lẽ và mơ hồ…