Thời gian gần đây, cộng đồng các bố mẹ đang rùng mình sợ hãi trước thông tin nhóm kẻ xấu đã trà trộn những nội dung lệch lạc, kinh tởm vào trong các chương trình Youtube yêu thích của trẻ và gây ra hậu quả khôn lường. Nhiều đứa trẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi hình ảnh xấu, kích thích bạo lực và thậm chí trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp trẻ có hành động tự sát hoặc cố tình làm đau mình. Thế nhưng dù hoang mang đến bao nhiêu đi nữa, các bố mẹ cũng phải công nhận Youtube luôn là một trong những kênh hữu ích nếu biết sử dụng một cách thông minh, có kiểm soát.
Anh Lê Quang Huy vốn được các bố mẹ tin tưởng đặt biệt danh là "ông bố công nghệ".
Hai cô con gái của anh Huy được bố tận dụng công nghệ để dạy học, nay đã có đủ vốn để giao tiếp và sử dụng để tìm hiểu các môn học, lĩnh vực khác bằng tiếng Anh.
Vậy bố mẹ cần có ý thức hay sử dụng Youtube, quản lý thiết bị thông minh như thế nào để bảo vệ con khỏi những nội dung xấu như đã nhắc đến ở trên? Trong phạm vi bài viết này, anh Lê Quang Huy (hiện đang sống tại Hà Nội) – vốn là một ông bố được mệnh danh là "ông bố công nghệ" khi đã ứng dụng thành công các chương trình, ứng dụng trên điện thoại để dạy hai con song ngữ, sẽ đưa ra một số cách thức hướng dẫn các bố mẹ. Qua đó, việc sử dụng thiết bị công nghệ trong việc dạy con sẽ trở nên hữu ích và tránh được các tác động xấu đến trẻ hơn.
Kiểm soát thời lượng xem
Một trong những điều tiên quyết hàng đầu khi bố mẹ cho phép con dùng điện thoại, ipad hay các thiết bị thông minh là không được thả nổi cho trẻ. Tuyệt đối không để trẻ tự dùng điện thoại muốn xem bao lâu thì xem, bởi đó là cách tệ hại nhất để trẻ dễ bị hấp dẫn vào các chương trình xấu. Có rất nhiều bố mẹ giao điện thoại cho con, để mặc con tự xem và khi quay trở lại đã hốt hoảng khi thấy những gì con đang xem vượt quá xa tầm kiểm soát của mình. Thay vì xem về nàng công chúa Elsa với nghị lực phi thường, sẽ là hình ảnh Elsa có bầu với Người Nhện, hay thay vì Peppa Pig với các câu chuyện trong sáng hàng ngày sẽ là Peppa Pig cầm dao đâm bố, tự sát…
Theo anh Huy, chỉ cần một vài lần như thế, trẻ dễ dàng bị tiêm nhiễm vào đầu suy nghĩ và hành động lệch lạc bởi trẻ ghi nhớ và bắt chước rất nhanh. Vì vậy, ngay từ đầu, bố mẹ phải giao hẹn với trẻ về thời lượng xem, các chương trình được xem và tốt nhất là nên cùng trẻ ngồi xem.
Tải về xem offline
Một trong những chức năng của Youtube rất hữu ích, đó là tải về xem offline. Bố mẹ hoàn toàn có thể tải những video có tính chất học hành như về bài hát, các video học phonic, mẫu câu giao tiếp… với chủ đề được định hướng trước và cho trẻ xem. Sau đó, bố mẹ nên ngắt kết nối internet để trẻ chỉ có thể xem được trong danh sách mà bố mẹ đã tải về này. Đây là một cách dù mất công sức một chút nhưng lại cực kỳ an toàn, hiệu quả đối với việc kiểm soát trẻ trước những nội dung lệch lạc, phản cảm.
Bỏ follow các kênh không xem, chọn follow các kênh hữu ích
Khi bố mẹ đăng nhập tài khoản Youtube sẽ có tính năng đăng kí kênh. Những kênh đã đăng kí sẽ được ưu tiên hiển thị và khi mở kênh Youtube sẽ chỉ có những clip liên quan. Vì vậy, bố mẹ chỉ cần nhấn vào nút follow đối với những kênh hữu ích, liên quan đến mục đích tìm kiếm, học tập của trẻ và chọn unfollow để loại bỏ trực tiếp luôn những kênh có nội dung không phù hợp. Thay vì thả nổi cho trẻ và để mặc Youtube tự hiện các video liên quan một cách không kiểm soát được, bố mẹ hãy xây dựng tài khoản của mình chỉ bao gồm những kênh có trong mục đích cụ thể.
Chọn danh sách phát cố định, khóa màn hình nếu cần thiết
Đối với mỗi kênh sẽ có các tính năng khác, có các mục như: trang chủ, video, danh sách phát. Nếu chọn vào danh sách phát sẽ có các nhóm chủ đề, trong đó bao gồm các video liên quan đến nhau. Bố mẹ sau đó có thể để máy ở xa để con xem. Con không chạm vào màn hình thì sẽ chỉ có tất cả số bài cố định được chạy. Tất cả các kênh học tiếng Anh đều có playlist như vậy và bố mẹ không phải tự tạo ra nữa.
Trong trường hợp nếu trẻ vẫn chạm vào màn hình, bố mẹ nên mở tính năng kiểm soát thiết bị. Khi bật tính năng lên, tất cả màn hình sẽ bị mờ đi, không thể chạm hay điều khiển được nữa. Chiếc ipad lúc này sẽ giống như một chiếc tivi vậy, con muốn chạm vào màn hình cũng không được và bắt buộc phải xem các video trong danh sách đã được bố mẹ bật sẵn.
Muốn trở lại bình thường, bố mẹ lại nhấn 3 lần vào nút chức năng, gõ password là được. Thêm vào đó, ipad còn có tính năng chỉ khóa một góc màn hình, có tính năng hẹn giờ… Bố mẹ nên biết cách sử dụng để kiểm soát nội dung con xem trên ipad trong trường hợp cần làm việc riêng khác.
Mua các kênh có bản quyền với những chương trình chính thống
Có một cách nữa, theo anh Huy, để bảo vệ con khỏi những nội dung xấu là bố mẹ hãy mua những kênh có bản quyền để cho trẻ xem. Những kênh này sẽ chỉ bao gồm nội dung tích cực, có ích đối với trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không thể thả nổi được việc để trẻ muốn xem bao nhiêu lâu thì xem. Bởi rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc cho trẻ sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử, dù nội dung không có hại đi nữa, cũng sẽ gây ra rất nhiều hậu quả như ảnh hưởng đến trí tuệ, sức khỏe và khả năng giao tiếp… Trẻ nhỏ vốn như tờ giấy trắng, bố mẹ hãy là những người lớn thông minh để giúp con bước đi theo con đường nào là đúng đắn nhất.