Chi phí giáo dục là khoản đầu tư quan trọng nhất của đời người, mà sự lựa chọn đúng - sai đôi khi dẫn đến những hệ quả khó lòng sửa chữa được. Đặc biệt giáo dục tiểu học đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trên hành trình phát triển toàn diện của trẻ. Đây là giai đoạn nền tảng để các con phát triển kiến thức, kỹ năng, hình thành nhân cách và trau dồi nhận thức xã hội. Vì vậy, lựa chọn trường tiểu học được xem là một trong những quyết định hệ trọng đối với nhiều bậc cha mẹ.

Những năm qua, các tiêu chí lựa chọn trường tiểu học đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, tựu trung lại thì việc chọn trường ảnh hưởng rất nhiều từ yếu tố kinh tế, địa lý, quan điểm giáo dục của gia đình... "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh".

Mới đây, một ông bố ở Hà Nội gây chú ý khi vào một nhóm dành cho phụ huynh xin ý kiến về việc chọn trường. Anh chia sẻ: Cấp 1 cứ xin cho con học trường công gần nhà, tiện việc đưa đón và tiết kiệm chi phí, để tiền cho con đi chơi du lịch hay học thêm kĩ năng, ko cần thiết phải đầu tư trường tư hay quốc tế tốn kém, Lên cấp 2 cấp 3 mới cần quan trọng.

"Liệu quan điểm này đúng hay sai?", ông bố thắc mắc.

Chủ đề ông bố này đưa ra ngay lập tức thu hút sự quan tâm.

Ông bố Hà Nội lên mạng xin ý kiến chọn trường cấp 1, phụ huynh "thả" 1 câu gây tranh cãi: Không có tiền thì nghĩ nhiều! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mỗi môi trường có ưu nhược điểm riêng

Một người phản biện, "không có tiền thì nghĩ nhiều", còn nếu có điều kiện kinh tế thì ai cũng sẽ cho con học trường tư và trường quốc tế từ mầm non. Người giàu, người có tiền nhìn chung là những người có tầm nhìn, có trình độ nhất định so với mặt bằng chung xã hội, và không phải ngẫu nhiên họ tốn tiền cho con họ học trường "xịn".

Xã hội ngày càng phát triển, các bố mẹ cũng thấy là các con cần nhiều kỹ năng hơn là chỉ mỗi phát triển các môn văn hoá, mà để rèn đa dạng kỹ năng thì các trường học phí cao đang làm tốt hơn hẳn.

Trẻ em như tờ giấy trắng, mọi tính cách thói quen sẽ hình thành từ bé. Học trường tư con không nặng về thành tích được trao đổi phản biện rất tự tin không bị gò bó vào cái khuôn mẫu quy trình như trường công. Kỹ năng mềm được thiên nhiều hơn nên sẽ biết tìm tòi khám phá, tư duy suy nghĩ sẽ nhạy bén hơn và biết phân tích logic mọi sự việc tốt hơn. Vì vậy nếu có điều kiện thì ngay từ mẫu giáo cho con học quốc tế chắc chắn sẽ phát triển khác hẳn.

Với một đứa trẻ thì cấp tiểu học là quan trọng nhất, cần đầu tư nhiều nhất chứ không phải cấp 2, cấp 3. Cấp tiểu học cần cho con học trong 1 môi trường tốt, hình thành các thói quen tốt, thì khi lên cấp 2, 3 dù cho có học "trường làng" thì cháu cũng có các tính cách tốt, khả năng tự học...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến ngược lại cho rằng, chuyện chọn trường còn tùy quan điểm mỗi người, chỉ có phù hợp chứ không có đúng sai. Học trường nào là do lựa chọn của phụ huynh thôi. Mỗi môi trường nó có cái ưu nhược điểm riêng, không thể đánh giá được môi trường nào hơn hay kém. Khách quan thì mỗi môi trường đều rèn con theo những cách khác nhau, có những mặt tích cực và hạn chế riêng. Có nhiều gia đình rất giàu, nhưng các con vẫn học trường công. Quan trọng là tố chất và thái độ của con đối với việc học ra sao.

"Như nhà mình thì mình cho con học công lập gần nhà tất từ cấp 1 đến cấp 3. Chiếm đại đa số mọi nhà. Còn nhà nào có điều kiện kinh tế hơn thì họ sẽ lựa chọn trường tư trường quốc tế. Còn để mà so học vấn thì những bạn học trường làng chẳng học thêm nếm gì mà cũng rất là giỏi đấy thôi. Mỗi người 1 quan điểm", một phụ huynh nêu ý kiến.

Môi trường gia đình tốt, mới là nhân tố đầu tiên để đứa trẻ phát triển tốt. Gia đình có tài chính tốt, nhưng luôn lục đục thì đứa trẻ cũng không phát triển tốt được. Ở cấp 1, cha mẹ nên giúp con có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc là đầu tiên, chứ không phải chỉ có tiền quyết định tất cả. Nhiều người hay bị cố quá, so với điều kiện của mình nên cuộc sống luôn căng thẳng áp lực, vô tình lại là sức ép lên con nhỏ. Con cái không mong cuộc sống như thế.

Hơn nữa, đầu tư cho con học hành là đầu tư tốt nhất nhưng là đầu tư đường dài nên cha mẹ cần xem xét đến lộ trình kinh tế gia đình ở mức thu nhập nào trong 10-15 năm. Thế nên trường quốc tế hay dân lập, công lập, trường làng hay trường điểm bố mẹ cần xem xét vấn đề kinh tế trước, cố gắng kiếm tiền bằng chính khả năng của bản thân để lo cho con học hành được đến đâu, sắp xếp thời gian để đưa đón con như thế nào thì sẽ lựa chọn được phương án tốt nhất.

2 yếu tố chọn trường tiểu học

Nói về vấn đề chọn trường cho con, nhà văn Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả của cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" cho rằng: Phụ huynh thường tổng kết bằng câu, cấp 1 chọn trường là có lý do, bởi vì ở 2 năm đầu của bậc tiểu học, các con vừa học vừa chơi, còn các cô sẽ vừa dạy vừa dỗ là chính. Tiêu chí chọn trường ở các phụ huynh không giống nhau, nó phụ thuộc vào quan điểm cũng như điều kiện kinh tế của từng gia đình. Bản thân anh Ngọc Phúc đánh giá cao những tiêu chí sau:

Tiêu chí thứ nhất – GẦN NHÀ: Các con vẫn còn bé nên thời gian di chuyển quá xa để đến trường không phải là tốt. Hiện nay hầu hết các trường đều có xe đưa đón học sinh an toàn và tiện lợi, tuy nhiên nhiều gia đình đã không chọn dịch vụ đó, các bố mẹ tận dụng luôn "lao động nhàn rỗi", tức là nhờ ông bà đưa đón cháu hàng ngày. Chính vì vậy nhiều trường có hiện tượng, chưa đến 16h30 ông bà đã đến ngồi chờ sẵn. Bởi vì như các cụ nói, ở nhà cũng chẳng có việc gì. Ưu điểm của việc có người thân đưa rước khiến bố mẹ yên tâm làm việc. Nhược điểm có thể xảy ra tai nạn bất ngờ trên đường, dù điều này không ai mong muốn.

Tiêu chí thứ hai – KHUÔN VIÊN RỘNG RÃI: Thoạt nghe có vẻ khó thực hiện bởi vì nhiều trường công lập tại Hà Nội có diện tích khá khiêm tốn. Thậm chí có trường nếu đến vào giờ ra chơi, sân trường quá bé so với lượng học sinh đang tuổi hiếu động. Nhiều người không quen đứng một lúc sẽ cảm thấy ngột ngạt và ầm ĩ, cho nên việc chọn những ngôi trường có khi chưa nổi tiếng nhưng có sân chơi rộng rãi để các con vận động là ưu tiên của nhiều phụ huynh.

"Trường và lớp đã chọn, việc chính yếu là giúp cho con học tập, nếu con có sức học thật sự tốt, việc định hướng thi vào các trường THCS hệ Chất lượng cao sẽ là ưu tiên hàng đầu. Ngay khi con bước sang năm lớp 3, phụ huynh hãy bắt đầu hướng dẫn cho con học và đi thi dù chỉ mang tính cọ xát, bởi có như vậy các con sẽ quen dần tâm lí thi cử.

Đến năm lớp 4 hầu như các bạn giỏi đều tham gia các kì thi HSG cấp quận môn Toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Giai đoạn con học bậc tiểu học, không ai khác chính bố mẹ là người thầy tốt nhất của con mình. Các con có hứng thú học tập ở giai đoạn này hay không, phần lớn phụ thuộc vào sự quan tâm của bố mẹ", nhà văn nói.

Cùng con vào lớp 1 Chia sẻ tất cả những kinh nghiệm hữu ích để giúp cha mẹ đồng hành cùng con trong chặng đường lớp 1, đồng thời tìm ra đâu là ngôi trường tiểu học phù hợp với con nhất! KHÁM PHÁ