Hành trình chăm con của các bố mẹ hẳn chẳng thể thiếu những lúc phát điên với cơn ăn vạ bất kể ở đâu, lúc nào của trẻ. "Nhưng nếu hiểu được nguồn cơn tiếng khóc, lắng nghe cảm xúc của trẻ và kiên nhẫn, bình tĩnh cùng trẻ đi qua các cấp độ trong cơn ăn vạ thì mọi chuyện sẽ dễ dàng được giải quyết", là đúc kết của ông bố Ninh Quang Trường. Anh Ninh Quang Trường (biệt danh Ba Ninh Ninh) vốn không chỉ là một MC có tiếng của VTV mà anh còn được cộng đồng các mẹ biết đến như là một ông bố siêu đảm và khéo của bé Cá nay đã 2 tuổi. Anh thường xuyên chia sẻ các kinh nghiệm nuôi dạy con nhỏ một cách rất gần gũi, chân thật, hài hước và đôi khi cũng có phần… lầy lội. Tuyệt chiêu xử lý cơn ăn vạ của trẻ là một trong số đó.

Ông bố MC vừa đảm vừa khéo trong một clip ví dụ về xử lý cơn ăn vạ của trẻ.

Ông bố MC tâm sự: "Cá nhà mình là một em bé khá ngoan và biết nghe lời, nhưng đôi khi Cá cũng có những cơn ăn vạ khó hiểu. Cũng may bố Cá đã đọc nhiều sách hay, gặp được nhiều chuyên gia nên có chút hiểu biết để đối phó với những trận khóc hờn của con. Trước tiên, để có thể xử lý tốt các tình huống này, bạn phải hiểu thế nào là ăn vạ hay là những cơn giận dữ ở trẻ, đó là khi trẻ có các hành vi ương bướng, la hét, khóc đòi bằng được thứ bé muốn, thậm chí còn đánh lại cha mẹ hoặc nằm khóc ăn vạ. Nhưng cha mẹ cũng nên hiểu trẻ dưới 3 tuổi không chỉ dùng tiếng khóc là vũ khí để gây áp lực buộc cha mẹ chấp nhận yêu cầu của bé mà chúng còn khóc vì đang thất vọng và buồn bã, vì thế hãy thấu hiểu cho cảm xúc này của bé".

Ông bố MC vừa đảm vừa khéo bật mí tuyệt chiêu xử lý tận gốc cơn ăn vạ của trẻ - Ảnh 2.

Ông bố MC vừa đảm vừa khéo bật mí tuyệt chiêu xử lý tận gốc cơn ăn vạ của trẻ - Ảnh 3.

Ba Ninh Ninh là một người rất chăm chỉ tìm tòi, đúc kết các kinh nghiệm trong việc dạy con.

Thấu hiểu 5 cấp độ cảm xúc trong cơn ăn vạ

Theo đó, cách xử trí với những cơn ăn vạ của trẻ dưới 3 tuổi được Ba Ninh Ninh đúc kết lại một cách đơn giản và hệ thống như sau: "Ăn vạ là hành động mà mọi đứa trẻ đều trải qua nhưng cách ứng xử của cha mẹ cần đúng thời điểm và đủ nghiêm nghị, kiên nhẫn. Thần chú vẫn cứ là 'kiên nhẫn'. Bởi những cơn ăn vạ sẽ đi qua nhưng thái độ của cha mẹ sẽ quyết định đến việc con bạn sẽ nâng cấp độ ăn vạ lên cao hay xuống thấp trong những lần tiếp theo".

Ba Ninh Ninh cho biết, nếu giải thích theo khoa học thì những cơn ăn vạ ở trẻ có 5 cấp độ:

Cấp độ 1: Trẻ giận dữ, thể hiện ở tiếng la hét lớn hoặc trút cơn giận vào vật thể/bản thân/người khác trong một khoảng thời gian ngắn (Sẽ càng dài nếu có ai đó tác động vào cảm xúc này).

Cấp độ 2: Trẻ sẽ có thêm cảm xúc buồn bã, bắt đầu bằng sự mếu máo, khóc, giãy giụa giảm dần, kéo dài bằng khoảng 40% tổng thời gian ăn vạ.

Cấp độ 3: Trẻ sẽ ương ngạnh, không cho ai đụng chạm đến mình.

Cấp độ 4: Trẻ bắt đầu giảm những biểu hiện thái quá, bắt đầu nhìn ngó xung quanh, cơn khóc có thể vẫn còn, nhưng bé sẽ nín khóc khi nghe ai đó nói đến bé.

Cấp độ 5: Trẻ sẽ hết giận và quay trở lại cảm xúc bình thường.

Thông thường, khi bố mẹ vội vàng tác động sớm lên cấp độ 1,2,3 sẽ khiến cho những lần ăn vạ khác của trẻ sẽ kéo dài dai dẳng hơn. Nếu ở cấp độ 2, cha mẹ tiếp tục dụ dỗ, đánh lừa, mua đồ chơi để bé quên thì lần sau, mức độ ăn vạ sẽ mãnh liệt hơn và mẹ phải dụ dỗ nhiều hơn. "Vì vậy, hãy để bé tự trải qua cấp độ 1,2,3 trong an toàn để bé suy nghĩ và tự điều chỉnh cảm xúc của mình. Đến cấp độ thứ 4 là thời điểm tốt nhất để cha, mẹ cho lời khuyên, răn dạy và yêu thương", Ba Ninh Ninh nhấn mạnh.

Ông bố MC vừa đảm vừa khéo bật mí tuyệt chiêu xử lý tận gốc cơn ăn vạ của trẻ - Ảnh 4.

Ông bố MC vừa đảm vừa khéo bật mí tuyệt chiêu xử lý tận gốc cơn ăn vạ của trẻ - Ảnh 5.

Bé Cá bình thường là một em bé khá ngoan và biết nghe lời, nhưng cũng không tránh được những lúc mè nheo, ăn vạ.

"Đó là giải thích theo khoa học, nhưng thực tế Ba Ninh Ninh thấy thông thường cha mẹ ở Việt Nam thường sẽ có hai cách xử lý khi bé ăn vạ. Một là khi bé đang ở cấp độ 1 hoặc cấp độ 2 cha mẹ sẽ xót con và ngay lập tức cho bé thứ bé muốn hoặc dụ dỗ bằng đồ chơi hay điện thoại để chấm dứt cơn giận dữ của trẻ. Nhưng nếu bố mẹ làm thế thì lần sau cơn ăn vạ của trẻ sẽ càng ngày càng tăng cấp độ lên rất nhiều lần và bố mẹ sẽ phải suốt đời đi đáp ứng các yêu cầu của trẻ. Trường hợp thứ hai, khi trẻ vừa ăn vạ cấp độ 1 hoặc 2, cha mẹ đã không giữ được bình tĩnh, nên đã tỏ thái độ giận dữ, hét/la lớn/đánh bé kiểu như: 'Im ngay/nín ngay'. Điều này không chỉ khiến cho bé kéo dài sự ăn vạ, mà về lâu về dài, còn tác động đến cảm xúc và tính cách của trẻ, khiến trẻ hoặc sợ sệt, nhút nhát, hoặc bướng bỉnh, hung bạo. Mình thấy cách xử trí này vô cùng phổ biến ở Việt Nam", ông bố đảm đang chia sẻ thêm.

Cũng theo Ba Ninh Ninh chia sẻ, anh tuy cũng là người khá nóng tính, nhưng trước mỗi lần ăn vạ của con trai, anh đều phải "niệm thần chú: Kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn", sau đó đếm từ 1 đến 50 để mình có thể giữ bình tĩnh và trong khoảng thời gian này con cũng đã có thể tự trải qua cấp độ 1,2,3. Sau đó Ba Ninh Ninh sẽ hỏi Cá: "Con cứ khóc đi, nhưng bố không biết con muốn gì, con nói cho bố biết con muốn gì được không?". Lúc này tông giọng của bố mẹ cực kỳ quan trọng, hãy nói một cách vui vẻ, nhẹ nhàng, tỏ ra thấu hiểu cảm xúc của trẻ. Tuyệt đối không được cao giọng với con, nếu không bé sẽ phản ứng dữ dội hơn.

Ông bố MC vừa đảm vừa khéo bật mí tuyệt chiêu xử lý tận gốc cơn ăn vạ của trẻ - Ảnh 6.

Ông bố MC vừa đảm vừa khéo bật mí tuyệt chiêu xử lý tận gốc cơn ăn vạ của trẻ - Ảnh 7.

Nếu hiểu được nguồn cơn tiếng khóc, lắng nghe cảm xúc của trẻ và kiên nhẫn, bình tĩnh cùng trẻ đi qua các cấp độ trong cơn ăn vạ thì mọi chuyện sẽ dễ dàng được giải quyết

Những nguyên tắc cùng con đi qua cơn ăn vạ

Ba Ninh Ninh chia sẻ, để giảm cơn ăn vạ của các bạn nhỏ thì phải có một vài nguyên tắc nhất định và bố mẹ phải luôn luôn tuân theo những nguyên tắc của chính mình đã đặt ra.

Thứ nhất: Hãy cứ để bé khóc. Hãy cắt ngay nguồn năng lượng gây ra ăn vạ, đừng lo lắng khi trẻ ăn vạ quá đà ở cấp độ 1, 2 và 3. Bố mẹ chỉ đơn thuần im lặng, và cất những món đồ hay giải quyết tình huống gây ra sự ăn vạ ở bé. Bố mẹ không nên yêu cầu con "Nín ngay/Im ngay/Đừng khóc nữa!" vì nếu vậy trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ không hiểu cảm xúc của mình, cha mẹ không hiểu mình đang nghĩ gì, vì thế chúng sẽ khóc to hơn. Bố mẹ cũng sẽ cảm thấy khó chịu hơn.

Thứ 2: Hãy im lặng, dõi theo con. Tốt nhất, bố mẹ nên để mặc con khóc, không dỗ dành, không quát mắng, nhưng cũng đừng bỏ đi. Cha mẹ hãy ở bên cạnh, nhìn bé với nét mặt thản nhiên, tươi cười, có thể làm việc khác, hoặc tỏ ra vui vẻ khi nói chuyện với con. Lúc đó, trẻ một mặt vẫn khóc, mặt khác, vẫn tò mò quan sát thái độ của cha mẹ. Sự không bỏ đi của bố mẹ còn thể hiện ở việc sau khi trẻ bình tĩnh lại, hãy ôm bé vào lòng và bắt đầu nói về chuyện vừa xảy ra. Bố mẹ có thể nói với con rằng, bố mẹ hoàn toàn hiểu cảm giác khi ấy của bé và giúp bé diễn đạt những cảm xúc khó chịu bằng lời nói để bé nhận ra rằng, thể hiện cảm xúc bằng lời nói sẽ tốt hơn. Cha mẹ có thể bày trò chơi để giúp trẻ quên đi giây phút vừa ăn vạ xong.

Ông bố MC vừa đảm vừa khéo bật mí tuyệt chiêu xử lý tận gốc cơn ăn vạ của trẻ - Ảnh 8.

Ông bố MC vừa đảm vừa khéo bật mí tuyệt chiêu xử lý tận gốc cơn ăn vạ của trẻ - Ảnh 9.

Ông bố trẻ luôn cố gắng dành thật nhiều thời gian chất lượng bên con.

Thứ 3: Cứng rắn và kiên nghị. Khi đòi hỏi không được đáp ứng, bé sẽ phản ứng gay gắt và cư xử khó ưa. Nhưng nếu cha mẹ nhượng bộ, trẻ sẽ càng "lấn tới", thời gian ăn vạ sẽ kéo dài hơn, mức độ ăn vạ cũng quyết liệt hơn. Vì vậy, bố mẹ cần cương quyết, không nhượng bộ. Bố mẹ hãy chuẩn bị tâm lý để lắng nghe con khóc hay la hét cả tiếng đồng hồ. Mẹ cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết khi dạy con, nhất quán phương pháp này cả trong nhà lẫn đi ra ngoài, đừng bực tức hay la hét với con, tránh xây dựng hình tượng xấu cho con.

Thứ 4: Không để người khác xen vào. Nếu bố mẹ đang cương quyết với bé nhưng có những người xung quanh xúm vào dỗ dành, mọi kỷ luật sẽ trở thành vô nghĩa. Vì vậy, bố mẹ cần thống nhất phương pháp nuôi dạy con với các thành viên khác trong gia đình, tránh để mọi người bênh vực khi bé có hành vi ứng xử không tốt, khiến cho việc dạy dỗ gặp khó khăn.

Thứ 5: Ôm ấp yêu thương. Khi bé ở cấp độ 4, bố mẹ có thể nói chuyện và đừng ngại cho bé cái ôm yêu thương và tha thứ. Trẻ con rất tinh nhanh nếu bạn không có nguyên tắc, trẻ sẽ "bắt bài" của bố mẹ và tăng tần suất ăn vạ lên rất nhanh.

Chỉ cần kiên quyết và nhất quán thực hiện được những nguyên tắc trên trong khoảng 2-3 lần, Ba Ninh Ninh tin rằng bố mẹ sẽ hoàn toàn dễ dàng đi qua những cơn ăn vạ sau này của trẻ: "Bởi trẻ con thực ra rất đơn giản, khi con ăn vạ chỉ đơn giản là con đang muốn một thứ gì đó có thể chỉ rất nhỏ thôi. Điều cần nhất là bố mẹ hãy lắng nghe, bao dung và kiên nhẫn với con. Hãy cùng nhau tận hưởng việc làm bố mẹ một cách thật đơn giản, nhẹ nhàng và vui vẻ".