Anh Phùng Quốc Vũ (47 tuổi, TP. Vũng Tàu), công tác trong lĩnh vực giáo dục, có 2 con trai đang theo học tại Singapore. Con trai đầu của anh đi du học khi 14 tuổi, còn con trai thứ hai đi du học khi 13 tuổi. Gia đình, bạn bè từng rất bất ngờ trước quyết định cho con đi du học sớm của anh Vũ. Bởi bên Singapore, vợ chồng anh không hề có người thân hay bạn bè hỗ trợ.

Thế nhưng, tạm gác sự lo lắng, anh Vũ vẫn quyết định cho con đến Đảo quốc sư tử - nơi có hệ thống giáo dục phát triển hàng đầu châu Á cùng nền văn hóa đa dạng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các con.

Anh Quốc Vũ chia sẻ: "Gia đình tôi từng đi du lịch ở Singapore 4-5 lần. Lần đầu tiên chúng tôi đến đất nước này là khi các con mới học lớp 2, lớp 3. Sau này, tôi cũng cho con tham gia một số khóa học hè kéo dài khoảng 10 ngày tại Singapore. Các con rất thích thú, hứng khởi. 

Về cá nhân, tôi thích cách làm việc, tác phong của người dân cùng môi trường nơi đây. Họ quản lý con người rất chặt nên ít xuất hiện tệ nạn xã hội. Hơn thế, vị trí địa lý thuận lợi, thời tiết khí hậu tương đồng, chi phí tiết kiệm hơn các nước phương Tây cũng là những tiêu chí mà sau khi suy tính, tôi quyết định cho con chinh phục học thuật tại đây.

Nhiều người khuyên vợ chồng tôi không nên để con đi du học sớm bởi có thể gặp cú sốc tâm lý, dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nhưng tôi thấy nếu để con đi du học quá sớm (6 – 10 tuổi) thì con đánh mất đi bản sắc văn hóa Việt Nam. Còn nếu con đi du học muộn quá thì khả năng thích nghi văn hóa sẽ kém đi. Như vậy, thời điểm phù hợp nhất là ở bậc THCS – lúc này con chưa trưởng thành nhưng cũng không còn non nớt".

Ông bố ở Vũng Tàu chia sẻ kế hoạch chuẩn bị tài chính cho con đi du học từ bậc THCS - Ảnh 1.

Anh Vũ cùng bà xã đã sớm xây dựng kế hoạch cho 2 con đi du học sớm tại Singapore.

Tài chính du học – Bài toán khiến mọi ông bố bà mẹ "đau đầu"

Theo anh Quốc Vũ, chuẩn bị tài chính cho con đi du học là vấn đề quan trọng, được đặt lên hàng đầu. Chi phí học tập và sinh hoạt ở Singapore rất đắt đỏ. Nếu con không đỗ trường công lập, chọn học trường tư thục thì phải chi trả học phí 100%. Hiện học phí và các chi phía khác tại trường tư thục khoảng 2500 SGD/tháng (khoảng 43 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, nếu con học ở trường công lập chỉ tốn 600 SGD (khoảng 10,5 triệu đồng/năm). Ngoài ra, các con anh còn nhận được sự hỗ trợ nhiều khoản khác như tiền ăn, chi phí di chuyển phương tiện giao thông.

Mỗi năm, gia đình anh Vũ mất khoảng 18.000 – 20.000 SGD/năm (khoảng 315 – 350 triệu đồng/năm) cho mỗi con. Đây là một số tiền tương đối lớn nên vợ chồng anh đã lên kế hoạch tài chính tỉ mỉ để việc học của 2 con không bị gián đoạn giữa chừng. Anh còn dự định cho các con đi du học tại Singapore đến hết bậc đại học nên càng cần chuẩn bị tài chính kỹ càng.

Theo đó, anh Vũ chia sẻ trước khi các con ra nước ngoài 2 năm, vợ chồng anh xây dựng một quỹ mới gọi là quỹ học tập. Để quỹ có dòng tiền ổn định, gia đình anh đã cắt giảm chi tiêu, "hy sinh" nhiều dịch vụ giải trí. Chẳng hạn, vợ chồng anh giảm các chuyến du lịch của gia đình, không mua xe hơi như dự định mà vẫn "trung thành" với xe máy. Ngoài ra, anh Vũ cùng vợ làm thêm nhiều công việc khác để tăng thu nhập. Vợ chồng anh mất 2 năm mới tích cóp được số tiền nuôi các con ăn học trong vòng 1 năm.

Tính toán kỹ lưỡng là vậy nhưng có lúc, anh Vũ vẫn gặp khó khăn về tài chính. Đó là khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Giãn cách xã hội kéo dài 6-7 tháng khiến công việc của vợ chồng anh đình trệ. Để có tiền cho con ăn học, anh buộc phải vay mượn người thân, bạn bè. Rất may là khi dịch bệnh qua đi, công việc phục hồi và khởi sắc.

Ông bố ở Vũng Tàu chia sẻ kế hoạch chuẩn bị tài chính cho con đi du học từ bậc THCS - Ảnh 2.

Thêm nữa, để giảm chi phí sinh hoạt, các con anh cũng đi làm thêm để hỗ trợ bố mẹ. Tuy vậy, anh luôn dặn các con không đặt nặng vấn đề tiền bạc mà cần chú trọng học tập nhiều hơn và chỉ làm những việc đúng với định hướng ngành nghề. Anh Vũ đánh giá, việc 2 con đi làm thêm từ sớm không chỉ hỗ trợ gia đình về tài chính mà còn giúp các con trưởng thành. 2 con anh đã bước đầu thâm nhập vào thị trường Singapore, hiểu các nguyên tắc trong công việc, quy tắc giao tiếp, ứng xử, có những trải nghiệm thú vị và mở rộng mối quan hệ.

Bên cạnh việc chuẩn bị tài chính cho con đi du học sớm, anh Vũ cũng quan tâm đến những tiêu chí khác như: Ngôn ngữ, kỹ năng, tâm lý. Về ngôn ngữ, vì chương trình học tập ở Singapore hoàn toàn bằng tiếng Anh nên để thi đỗ vào trường và có khả năng học tập, các con cần giỏi ngoại ngữ. Vì thế trong thời gian con ở Việt Nam, anh Vũ đã mời gia sư uy tín về giảng dạy.

Về kỹ năng mềm, điều anh Vũ quan tâm nhất là vấn đề tự lập. Trước khi con đi du học 1 năm, anh Vũ yêu cầu bà xã không tham gia vào việc nhà, để các con tự làm. Con phải biết nấu cơm, giặt là quần áo, sửa chữa những vật dụng đơn giản,… Đây đều là điều hữu ích cho con khi sang Singapore sinh sống.

Ông bố ở Vũng Tàu chia sẻ kế hoạch chuẩn bị tài chính cho con đi du học từ bậc THCS - Ảnh 3.

2 con trai của vợ chồng anh Quốc Vũ.

4 thách thức mà các con đối mặt và đã dũng cảm vượt qua

Tuy có sự chuẩn bị kỹ lượng nhưng khi sang Singapore, các con của anh Vũ vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Vợ chồng anh đã luôn đồng hành cùng con vượt qua mọi thách thức.

Khó khăn đầu các con gặp phải là về thể chất. Người Singapore rất chú trọng phát triển thể chất cho trẻ, trong khi bố mẹ Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Các con anh cũng vậy, trước đây chỉ tập thể thao để giải trí chứ chưa thật sự chú trọng nâng cao sức khỏe. Vì thế khi sang Singapore, các con anh rơi vào tình trạng "thấp bé, nhẹ cân" hơn so với các bạn. Điều này khiến đôi lúc các con cảm thấy mặc cảm, tự ti.

Khó khăn thứ hai về sự khác biệt văn hóa, phong cách làm việc. Anh Vũ nhận thấy người Singapore có ngoại hình là người châu Á nhưng tác phong làm việc lại theo châu Âu. Trong công việc, họ rõ ràng, rành mạch, dứt khoát. Họ cũng làm việc với cường độ cao, lên đến 12 tiếng/ngày. Đặc biệt, khi làm việc, họ rất nghiêm túc, tập trung tối đa. 2 con trai của anh Vũ mất một thời gian mới quen với nhịp sống, nhịp làm việc của họ.

Khó khăn thứ ba là về việc di chuyển bằng phương tiện giao thông. Khi mới sang, các con của anh Vũ không quen với việc dùng các phương tiện công cộng và than phiền phải đi bộ quá nhiều. Mất 1-2 tháng đầu tiên, 2 con mới thích nghi với việc tham gia mạng lưới giao thông.

Cuối cùng là việc các con gặp vấn đề về tâm lý. "Tâm lý của các con chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là trong 6 tháng đầu, tôi thấy các con phấn khích khi được trải nghiệm văn hóa ở quốc gia mới, không bị sự quản thúc bởi bố mẹ. 

Giai đoạn 2 là 3 tháng sau đó, các con nhớ nhà, nhớ mọi người, nhớ thức ăn Việt Nam và có tâm lý muốn về nước. Vợ chồng tôi khắc phục bằng cách thường xuyên gọi điện động viên, thậm chí là sang Singapore ở với con trong thời gian ngắn. Ngoài ra, tôi còn khích lệ con tham gia các hoạt động ngoại khóa như đi tham quan các địa điểm nổi tiếng, đến viện dưỡng lão chăm sóc người già,… Điều này sẽ giúp con vơi đi nỗi nhớ nhà. Đến khi bước sang giai đoạn 3 là con quen với mọi thứ", ông bố Vũng Tàu dí dóm cho biết.

Ông bố ở Vũng Tàu chia sẻ kế hoạch chuẩn bị tài chính cho con đi du học từ bậc THCS - Ảnh 4.

Dù chặng đường phía trước còn nhiều thách thức nhưng chỉ cần gia đình luôn hòa thuận, đồng lòng thì chắc chắn sẽ vượt qua.

Từ câu chuyện của gia đình, anh Vũ đưa ra lời khuyên hữu ích dành cho các bậc phụ huynh có dự định cho con đi du học sớm. Theo anh, điều đầu tiên là cần chuẩn bị về tài chính, tối thiểu là có đủ tiền cho con học tập và sinh hoạt trong 1 năm. Thứ hai là cần hỗ trợ con trong việc trau dồi ngoại ngữ, bởi nếu tiếng Anh của con không tốt sẽ không học tập được. Thứ ba, anh Vũ cho rằng cần giúp con hình thành tính tự lập. Và cuối cùng, con phải có nền tảng thể chất tốt để học tập, làm việc trong môi trường cường độ cao.

Đến nay, anh Vũ cảm thấy hài lòng sau vài năm các con ra nước ngoài học tập. Anh thấy các con có tác phong nhanh nhẹn, kỷ luật tốt, chấp hành công việc nghiêm chỉnh, có kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả. Đặc biệt, các con có tư duy chín chắn hơn, đưa ra định hướng công việc sớm dù mới chỉ học bậc THCS. Đây đều là những mặt tích cực mà môi trường giáo dục ở Singapore đem lại.

                                                                                                                                   Ảnh: NVCC