Giáo dục thực sự là giáo dục bình dân

Giáo dục giờ vốn dễ gây tranh cãi vì có quá nhiều phương pháp, nhiều môi trường giáo dục và nhiều kiến thức khác nhau khiến phụ huynh băn khoăn với việc hướng con mình theo lối đi nào. Trong chính mỗi phụ huynh cũng có sự đấu tranh về tư tưởng về cách thức định hướng việc học cho con mình.

Dù mục đích giống nhau là mong muốn con được nên người, tự lập và chủ động với cuộc sống sau này, nhưng đã có những phân luồng về hướng đi khác nhau trong các bậc phụ huynh.

Người thì xác định thả ra cho con được học cùng thiên nhiên, ít áp lực học hành. Người thì đầu tư cho con môi trường giáo dục đắt tiền hoặc nhiều sức ép để mong con thành công sau này. Người muốn con học kiến thức ít thôi, hãy học từ cuộc sống. Người lại nhất nhất cho con tham gia các lò luyện, các cuộc thi cam go để con vào trường chuyên, lớp chọn...

Tuy nhiên, 1 bài viết dưới đây với 1 góc nhìn khác lạ sẽ cho bạn thấy giáo dục cần nhất điều gì và nó không hề phức tạp như người ta nghĩ.

Dưới góc nhìn của ông bố 2 con Nguyễn Đức Quang thì giáo dục lại cực kỳ đơn giản, không cần nặng nề, cũng chẳng cần cầu kỳ với những phương pháp ghê gớm.

Ông bố Tiến sĩ không chọn Montessori hay Steiner, dạy con theo lối giáo dục bình dân: "Con hãy tạm bỏ đọc sách đi mà giúp mẹ in hóa đơn đặt hàng cho khách" - Ảnh 1.

Ông bố Tiến sĩ Nguyễn Đức Quang với cách dạy con "một mình một lối" nhưng rất thuyết phục.

Nguyên lý của anh về giáo dục rất đơn giản, ấy là phải gần gũi với đời sống. Nên "không cần Montessori hay Steiner gì ghê gớm đâu" và "không có gì phải cần sang chảnh, lộng lẫy, nguy nga long lanh và đắt tiền cả, bởi giáo dục là cuộc sống mà".

Anh cũng nói với con rằng: "Nếu phải lựa chọn thì con bỏ đánh piano đi mà hãy lên đồi nghe tiếng chim hót tiếng nước chảy. Nếu phải lựa chọn thì con bỏ vẽ tranh đi mà hãy lên nương mà ngắm lúa gieo vui trong gió. Nếu phải lựa chọn thì con hãy tạm bỏ làm bài tập toán bài tập văn đi để đi dần sàng thóc lúa giúp bố mẹ và các bác Bếp. Nếu phải lựa chọn thì con tạm bỏ đọc sách đi mà hãy đi giúp mẹ in hóa đơn đặt hàng để kịp chuẩn bị cho khách mua thực phẩm. Nếu phải lựa chọn thì con hãy bê bàn học di động ra hành lang để vừa học vừa trông nồi mật chuối mật dứa tới khuya giúp bố mẹ".

Ông bố Tiến sĩ không chọn Montessori hay Steiner, dạy con theo lối giáo dục bình dân: "Con hãy tạm bỏ đọc sách đi mà giúp mẹ in hóa đơn đặt hàng cho khách" - Ảnh 2.

Ông bố Tiến sĩ không chọn Montessori hay Steiner, dạy con theo lối giáo dục bình dân: "Con hãy tạm bỏ đọc sách đi mà giúp mẹ in hóa đơn đặt hàng cho khách" - Ảnh 3.

Và câu kết hoàn toàn tóm đủ ý anh muốn nói chính là: "Giáo dục thực sự là giáo dục bình dân, giáo dục trẻ từ khoai từ sắn từ thóc từ lúa, từ buôn từ bán từ phân từ tro. Chả cần gì ghê gớm và sang chảnh cả".

Phải để mọi thứ diễn ra một cách chân thực nhất, đừng tô vẽ, đừng làm cho nó long lanh và bóng bẩy nhân tạo

Anh Nguyễn Đức Quang viết:

"Giáo dục thật sự là gì?

Là như các cụ ta đã làm hàng nghìn năm nay ấy thôi, không cần Montessori hay Steiner gì ghê gớm đâu. Là những gì đơn giản nhất, mộc mạc nhất, chân chất nhất, đời thường nhất, tiện lợi nhất, rẻ tiền nhất và không chỉ miễn phí đâu mà còn ra thêm tiền ấy. NHƯNG giáo dục thật sự là nó cần một sự bao dung, độ lượng, kiên trì, nhẫn nại ở đỉnh cao đối với trẻ.

Đầy giáo viên được đào tạo bài bản về Mon hay Steiner nhưng chưa chắc đã có được cái bao dung độ lượng và nhất là cái kiên trì bền bỉ nhẫn nại với trẻ em đâu. Bởi những phẩm chất đó không một nhà trường hay chương trình đào tạo nào có thể làm được, phải do trường đời tạo ra và đủ già mới có. Nó là sự thông thái của người từng trải chứ nó không bao giờ là trí tuệ được dạy và học được đâu.

Không ai có thể dạy được ai sự kiên trì bền bỉ nhẫn nại cả, mà chỉ ai muốn có và nỗ lực để có thì mới có mà thôi. Người làm giáo dục mà không có phẩm chất đó thì chỉ dạy học theo kiểu cơm.cơm mà thôi.

Với kiểu giáo dục ở đồi thì không có gì là phức tạp và không có gì phải cần sang chảnh, lộng lẫy, nguy nga long lanh và đắt tiền cả. Bởi giáo dục là cuộc sống mà. Ngoài kia có phân trâu phân bò thì trong quá trình học của trẻ phải có phân trâu phân bò. Ngoài kia có cơm có gạo thì quá trình học của trẻ phải có cơm có gạo. Phải để mọi thứ diễn ra một cách chân thực nhất, đừng tô vẽ, đừng làm cho nó long lanh và bóng bẩy nhân tạo. Cái gì là chân lý thì bản thân nó đã là chân thiện và chân mỹ rồi. Nét đẹp của sự thật. Nét đẹp của sự thông thái. Nét đẹp của tự nhiên. Cái thiện nằm ngay trong cái thật. Cái đẹp luôn nằm trong cái thật. Không thật thì không thiện được và cũng không thể đẹp được dù rằng trông nó có vẻ như đẹp.

Ông bố Tiến sĩ không chọn Montessori hay Steiner, dạy con theo lối giáo dục bình dân: "Con hãy tạm bỏ đọc sách đi mà giúp mẹ in hóa đơn đặt hàng cho khách" - Ảnh 4.

Học sinh Trường Đồi được "thả "ra để học từ lao động và thiên nhiên.

Mình luôn giáo dục các con ruột của mình rằng nếu phải lựa chọn thì con bỏ đánh piano đi mà hãy lên đồi nghe tiếng chim hót tiếng nước chảy. Nếu phải lựa chọn thì con bỏ vẽ tranh đi mà hãy lên nương mà ngắm lúa gieo vui trong gió. Nếu phải lựa chọn thì con hãy tạm bỏ làm bài tập toán bài tập văn đi để đi dần sàng thóc lúa giúp bố mẹ và các bác Bếp. Nếu phải lựa chọn thì con tạm bỏ đọc sách đi mà hãy đi giúp mẹ in hóa đơn đặt hàng để kịp chuẩn bị cho khách mua thực phẩm. Nếu phải lựa chọn thì con hãy bê bàn học di động ra hành lang để vừa học vừa trông nồi mật chuối mật dứa tới khuya giúp bố mẹ. Buổi tối mùa dịch bố mẹ phải vắt chân lên cổ dạy online luyện thi cấp 3 cho các anh chị lấy bằng Mỹ, bố mẹ không thể vừa dạy học vừa canh nồi mật được, các con vừa học bài vừa làm thay bố mẹ được. Và nếu cần học đan thì bố mẹ sẽ cho con đan mây đan tre để tạo cái vỉ đập ruồi tạo cái chổi giúp bố mẹ đỡ phải mua và tái sử dụng cho Trái đất này bớt gánh nặng. Nếu phải thêu thùa khâu vá thì các con hãy khâu giúp bố mẹ cái rèm cũ đang bị rách hay khâu cái khăn trải bàn có miếng rách ấy. Tái sử dụng mọi thứ cho bớt gánh nặng cho Trái đất này. Cần gì phải thực hành trên mô hình và trong phòng học sang chảnh bắt mắt? Bởi nó không phải là cuộc sống. Học cái gì mà học từ cuộc sống thì trí tuệ đó sẽ quay về với cuộc sống tốt nhất. Và học từ cuộc sống thì con sẽ tư duy giải quyết vấn đề của cuộc sống chân thực nhất, con sẽ giàu có về tiền bạc và giàu có về tâm hồn nhất.

Học cái gì mà học từ cuộc sống thì trí tuệ đó sẽ quay về với cuộc sống tốt nhất

Giáo dục thật sự là dạy trẻ cách sống, cách tư duy, cách giải quyết vấn đề từ những điều nhỏ nhặt chân thực nhất, không có gì phải tốn kém và màu mè sang chảnh cả. Điều đó không có nghĩa là lớn lên trẻ sẽ chỉ biết làm những việc chân tay nhỏ nhặt đó thôi đâu và trẻ sẽ chỉ sống được với những thứ bình thường đó thôi đâu. Và cũng không có nghĩa là trẻ lớn lên chỉ biết tới những suy nghĩ nhỏ mọn và tầm thường đó đâu. Mà giáo dục trẻ với những thứ bình thường đó là cách giáo dục giúp trẻ hình thành cái gốc cái rễ mạnh khoẻ. Từ cái gốc rễ đó trẻ sẽ va chạm với cuộc sống và sẽ có khả năng sống được với nhiều cái khác phong phú đa dạng hơn, kể cả với những cái sang chảnh và sa hoa lộng lẫy khi cần phải thích nghi và thể hiện. Giữ cho cái gốc gác khỏe mạnh và lâu bền mới khó chứ học mấy cái sang chảnh sa hoa lộng lẫy thì không cần học cũng tập nhiễm nhanh lắm.

Hai con của mình được giáo dục theo cách này từ hơn chục năm nay từ lúc trở về Việt Nam. Bạn lớn đã 16 tuổi và con luôn tôn trọng mọi lối sống sang chảnh và xa hoa của nhiều người xung quanh nhưng con luôn tránh. Mọi người thích chụp ảnh kỷ yếu nơi sống ảo và làm những trò để trông có vẻ như có quyền lực và có tiền thì con bảo con kệ họ, còn con thì không tham gia. Tuy nhiên khi phải cùng bố mẹ tham gia các bữa tiệc sang trọng ở những nơi đẳng cấp và với những người thực sự giàu có và quyền lực thì các con luôn tỏ ra lịch sự, biết tiết chế bản thân và biết mình đang ở với ai haha. Hồi sang Mỹ tập huấn về Blended Learning với bố mẹ, buổi tối thứ 6 hôm đó toàn học viện cả trăm gia đình phải tới hội trường nghe thuyết giảng cuối tuần của gia đình ngài giám đốc học viện. Thấy xung quanh ai cũng quần áo lịch sự, tóc bôi keo bóng nhoáng, sức nước hoa thơm phức; khác hẳn với ngày thường đi làm ai cũng casual và chả để ý tới hình thức. Cậu con giai mình hồi đó mới 7 tuổi, tối đó hỏi: ba ơi con sơvin và đeo cà là vạt thế này đẹp chưa? Tóc con thế này đủ bóng chưa? Các bạn nhà xung quanh ai cũng đang chuẩn bị đi nghe thuyết giảng tối thứ 6 lịch sự đẹp lắm, thơm phức luôn ba ạ. Lúc đó mình nghĩ bụng, à thì ra là dù có được giáo dục bằng rơm bằng rạ bằng ngô bằng sắn; thì tới lúc nào cần sang trọng lịch sự và đẳng cấp thì con mình vẫn làm được đấy, bản năng rồi.

Nhân viên, giáo viên của trường đang thực hành nhân giống và kinh doanh cây cảnh vừa kiếm tiền mùa Covid, vừa có tư liệu và kinh nghiệm để dạy HS thông qua các dự án thật.

Bố mẹ sẽ tiếp tục kiên định với con đường giáo dục các con bằng ngô bằng khoai bằng gạo bằng lúa thôi. 18 tuổi bố mẹ thả các con đi. Lúc đó đi theo hướng nào là do các con tự quyết định, bố mẹ sẽ tư vấn từ xa thôi.

Giáo dục thực sự là giáo dục bình dân, giáo dục trẻ từ khoai từ sắn từ thóc từ lúa, từ buôn từ bán từ phân từ gio. Chả cần gì ghê gớm và sang chảnh cả".

Nói thêm về ông bố này, anh Nguyễn Đức Quang cũng là 1 người rất đặc biệt. Bản thân anh vốn là 1 thầy giáo, từng có thời gian học tập và sinh sống ở nước ngoài. Cả anh và vợ đều có học vị Tiến sĩ ở nước ngoài và từng giảng dạy công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội và ĐHQGHN. Hiện anh chị là chủ trường Spring Hill, 1 ngôi trường nổi tiếng với những triết lý giáo dục thuận tự nhiên và gần gũi với đời sống. Phương pháp giáo dục của anh luôn có 1 góc nhìn rất khác với số đông, cấp tiến trong sự giản dị.

Hiện tại vì tình hình dịch bệnh COVID-19 nên trường đang tạm thời chuyển sang việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi và cung cấp nông sản, thực phẩm cho các gia đình trong cộng đồng của trường. Đó cũng là lý do, anh cần con mình tham gia vào với chính cuộc sống hiện tại như cách anh viết “con hãy tạm bỏ đọc sách đi mà giúp mẹ in hóa đơn đặt hàng cho khách" để hòa nhập với thời cuộc. Vì ít nhất, trong lúc này bài học về sự sinh tồn thực sự là cần thiết.

* Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả.