Có ai đó đã từng nói ''Bố mẹ là lần đầu tiên làm bố mẹ và con cũng là lần đầu tiên làm con, thế nên chúng ta hãy cùng nhau đồng hành để sống một cuộc sống thật hạnh phúc''. Quả thực không ít ông bố, bà mẹ thừa nhận rằng họ đã từng ghét con, thậm chí cảm thấy hối hận khi đã có bé quá sớm khi bản thân chưa sẵn sàng, chưa đủ kiến thức và lòng bao dung để chăm sóc và nuôi dạy các con.

Anh Lương Hiếu (sống tại Hà Nội) cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh như thế. Lần đầu tiên làm bố vào năm 25 tuổi, những thay đổi trong cuộc sống khiến anh Hiếu cảm thấy stress, mệt mỏi. Không có bất cứ kinh nghiệm hay hiểu biết nào về việc chăm sóc con, cả hai vợ chồng anh đã có khoảng thời gian khá khó khăn khi con mới ra đời.

''Cái giây phút gặp con lần đầu. Tôi cứ nghĩ cái giây phút đó sẽ ảo diệu lắm, sẽ khiến tôi nhận ra cái gì đó thiêng liêng kết nối chúng tôi. Nhưng, tôi nhầm. Trong tôi chỉ có những câu hỏi tò mò nó có điểm nào giống mình không nhỉ?, các bác sĩ có nhầm nhọt gì không?.

Rồi bác sĩ bảo tôi về phòng chăm sóc sau sinh chờ 2 mẹ con. Ôi, cái phòng đó có hơn 1 tá giường mà phải gần 3 chục mẹ sau sinh, chưa tính các con, người nhà chăm nom. Phải thừa nhận, là rất ngột ngạt, chật chội.

Vợ tôi mất nhiều sức nên lúc đó mệt quá, chỉ uống ít sữa, ăn ít cháo rồi ngủ thiếp đi. Tôi, bơ vơ giữa các mẹ, các bà, các bé, tay thì ấn bụng cho vợ, tay thì bế con ngủ. Đứng thế 1 hồi thì con đòi sữa, tôi phải gọi vợ dậy, nhờ 1 bác bên cạnh bế hộ con để đi mua nước nóng pha sữa, mua cháo cho vợ. Mua về, tôi cứ pha sữa ở 100 độ C. Rồi đinh ninh chờ nó nguội là con được uống. Kết quả, tôi bị cả phòng mắng, sữa phải pha đúng độ. Trời ơi. Cay! Mệt, buồn ngủ, lạnh, đã díp cả mắt, lại phải chăm 2 mẹ con. Tôi ước gì, đã lôi họ hàng 2 bên nội ngoại đi đẻ cùng!

Cắn răng riết đến 4, 5h sáng, cả phòng đều thiếp đi. Cứ nhìn các mẹ chồng, mẹ vợ thay ca mà lòng tôi lại buồn. Tôi chẳng chợp mắt được 1 chút nào. Gần 7h sáng, mẹ tôi mang cháo vào cho vợ, thay ca cho tôi. Về đến nhà là tôi nằm thẳng cẳng đến 11h trưa. Tôi tắm gội cho tỉnh táo, ăn qua loa rồi vào thay mẹ.

Đến khi về nhà là những chuỗi ngày ăn không ngon, ngủ không yên chính thức bắt đầu. Con gái tôi, nó khó ngủ thành tính. Cứ 1, 2h đêm là ọ ọe. Hết đòi ăn, lại đòi bế. Nhiều hôm, tôi bế nguyên đêm. Mà đường tiêu hóa nó cũng kém, 5 đêm thì 3, 4 đêm trớ sữa, 2 vợ chồng cứ lúi húi mà dọn dẹp. Cứ duy trì như thế 3, 4 tháng, cả 2 vợ chồng cùng cáu bẳn. Lắm đêm, vừa bế con tôi vừa nghĩ ''sao nó đáng ghét thế không biết'', anh Hiếu tâm sự.

Ông bố trẻ từng ghét con tâm sự về 2 điều quan trọng giúp bản thân yêu các bé lúc nào không hay - Ảnh 1.

Anh Hiếu bên con trai và con gái của mình.

Thế nhưng càng chăm sóc và ở bên con nhiều thì ông bố trẻ lại cảm thấy tình yêu thương dành cho bé đang lớn dần lên. Từng mốc phát triển của con luôn có bố mẹ đồng hành. Và anh Hiếu phát hiện mình đã yêu con lúc nào không hay.

"Tối, buồn ngủ, con cứ dang tay đi tới tôi rồi ỉ ôi, đòi được bế. Ừ thì bế. 14 tháng tuổi, con đi mầm non. Những ngày đầu, con cứ ra khỏi nhà là rưng rưng nước mắt, đến lớp là gào. Rồi chiều chiều, mỗi khi đón con, nhìn nó nước mắt ngắn dài, chạy ra ôm bố mà tôi thấy sao nó đáng yêu đến kỳ lạ. Nhưng những ngày làm VIP chẳng mấy mà qua, đến lúc con ham vui với bạn mà quên cả bố mẹ đang chờ.

5 tuổi, con tập đi xe đạp. Lúc đầu con sợ lắm, sợ ngã, sợ đau, sợ bố bỏ tay không giữ. Nhưng rồi con cũng chẳng ngã bao giờ. Mới đầu thì vừa đi vừa phải động viên, cố thêm vòng nữa rồi về mua bim bim. Đến hồi đi siêu rồi, nó đòi đạp thi với tôi chạy bộ. Tôi nhường, để cô bé vừa đạp, vừa phe phé cười. Tôi thua nhưng lòng tôi hạnh phúc!

Giờ có thời gian nhìn lại, tôi mới nhận ra, cuộc sống trôi qua thật là mau. Và con đã giúp tôi vỡ ra kha khá bài học:

- Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Nếu cha mẹ tôn trọng, yêu thương con thì con không còn lựa chọn nào khác, ngoài yêu thương, tôn trọng cha mẹ. Nếu cha mẹ tin tưởng, trao quyền cho con, con sẽ tự tin, dám làm và thành công.

- Con là người thầy của cha mẹ. Khi đi qua những khó khăn, vất vả trong quá trình nuôi, dạy con, tôi thấy mình đã trưởng thành nhiều: biết lắng lại để nghe (cả nghe con, nghe vợ, nghe mọi người xung quanh), kiên nhẫn hơn (trong dạy con, trong công việc và trong cuộc sống), biết trân quý những điều mà trước đây nghĩ là bình thường (ngắm các con vui chơi, đi dạo cùng gia đình)''.

Những tâm sự của anh Hiếu nhận được rất nhiều sự đồng cảm của các bậc phụ huynh. Dường như ai cũng nhìn thấy bản thân mình trong đó. Công việc, áp lực cuộc sống nhiều khi đã khiến các ông bố, bà mẹ trở nên mất kiểm soát và nóng giận với con, thế nhưng thay vào đó hãy bình tĩnh, kiên nhẫn, mở lòng và bao dung, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều từ chính những đứa trẻ của mình.