Nếu theo dõi ông Hoàng Khải trên Facebook, chúng ta có thể thấy vị doanh nhân này rất chăm chỉ sử dụng mạng xã hội. Hàng ngày, ông Hoàng Khải đều cập nhật trạng thái và đồng thời không quên chúc tốt lành vào mỗi buổi sáng.
Tuy nhiên, sau khi thừa nhận Khaisilk đã bán lụa "made in China" trong suốt 30 năm qua, ông Hoàng Khải đã không còn thói quen chúc mừng buổi sáng như thường lệ. Đến chiều tối ngày 27/10 thì Facebook cá nhân của ông Khải cũng đã được khóa lại.
Bên cạnh đó, Fanpage chính thức của hệ thống Khaisilk là Khaisilk Boutique cũng trong tình trạng tương tự. Đây là lần thứ 2 kể từ khi Khaisilk dính vào "cơn bão" lụa "made in China", Fanpage này ngừng hoạt động. Trước đó, vào ngày 25/10, Fanpage này đã bị khóa nhiều giờ trước khi hoạt động trở lại.
Fanpage Khaisilk Boutique đã bị khóa lần thứ 2 sau "cơn bão" lụa "made in China" - Ảnh chụp màn hình.
Đây dường như không phải động thái bất ngờ bởi sau khi lên tiếng thừa nhận bán khăn Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam trong nhiều năm qua, ông Hoàng Khải đã bị cộng đồng mạng và người tiêu dùng phản ứng dữ dội.
Trước đó, khăn lụa mang thương hiệu nổi tiếng Khaisilk bị nhiều khách hàng tố có tới 2 nhãn mác, một là "Made in China" và một là "Khaisilk - Made in Vietnam". Đứng trước thông tin này, sau một hồi lâu im lặng, doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk đã cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng, thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc.
Ngay sau đó, ngày 26/10, tất cả các cửa hàng Khaisilk ở Hà Nội và Sài Gòn đều đã tạm đóng cửa. Ghi nhận tại Hà Nội, 2 cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai và 26 CBD Nguyễn Thái Học đã đóng cửa không lý do.
Hai cửa hàng Khaisilk tại TP. Hồ Chí Minh cũng đóng cửa với bảng thông báo: "Chúng tôi xin đóng cửa để kiểm tra và điều chỉnh hàng hóa".
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 27/10, Tổng cục thuế đã bước đầu chỉ đạo cơ quan thuế trên địa bàn Hà Nội đánh giá việc chấp hành nghĩa vụ thuế, bán hàng kê khai của Khải Silk, yêu cầu công bố ngay khi có kết quả.