Anh Nguyễn Văn Dũng (44 tuổi) - chủ một vườn đào Nhật Tân sở hữu trong tay 3.000 gốc đào cổ thụ. Ngoài việc trồng, tận tay chăm sóc những gốc đào, anh Dũng luôn mang trong mình một cái duyên, cái nghiệp chẳng giống ai đó là việc vớt xác chết dưới sông Hồng.
Cách đây 30 năm, anh Dũng và cha mình đã tự tay vớt và chôn tại bãi bồi này nhiều xác chết đuối không có giấy tờ tùy thân, không người đến nhận dạng. Và cũng từ đó dường như cái nghiệp đã bám lấy anh như một định mệnh, đó là sự giao cảm giữa những người chết đuối với người sống.
Sau này lớn thêm một chút, mỗi lần anh Dũng phát hiện xác chết là anh lại mang về miếu cô Trôi để chôn cất. Chia sẻ về điều này anh nói: "Người ta chẳng may chết dưới sông đã không được toàn thây rồi nếu cứ để dưới đó thì tội lắm. Nên tôi đã mang nhiều xác về đây chôn cất, hương khói".
Đây là ngôi miếu chôn cất bà chúa sông ngòi của làng. Trước kia, khi cuộc sống còn nghèo khó, mỗi khi vớt được xác, anh quấn cho tử thi một manh chiếu, những năm gần đây anh tự bỏ tiền túi mua quan tài, mua tiểu để mai táng. Trong 30 năm gắn với cái nghiệp này, đã có hàng trăm gia đình đến nhận lại thi thể (phải sau 3 năm chôn cất) và "cảm ơn" anh cả vài chục triệu nhưng đến nay anh chưa nhận tiền của bất cứ ai.
"Mỗi lần vớt xác lên, tôi cùng anh em trong làng tổ chức mai táng, hương khói và làm lễ 3 ngày cho nạn nhân nữa", anh Dũng kể. Hiện tại ở ngôi miếu này chỉ còn 66 ngôi mộ và cứ ngày rằm, mùng 1 anh đều hương khói và chăm lo cho linh hồn những người vô danh.
Năm 2012 anh mua một chiếc thuyền lớn chở được khoảng 30 người trị giá 100 triệu đồng, 1 ca nô máy trị giá 80 triệu đồng để thuận tiện cho việc tìm, vớt xác. Hai bên hông con thuyền lớn anh Dũng cho in dòng chữ "Trụ sở thường trực vớt xác trên sông Hồng" và cả số điện thoại của mình.
3 chiếc thuyền lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Nhớ lại lần vớt thi thể kinh hoàng nhất trong đời, anh Dũng kể: "Năm 1994 trên sông Hồng xảy ra vụ đắm tại xã Phú Thượng, lúc ấy khoảng 3h sáng. Nhận được tin từ những người xung quanh, tôi một mạch chạy ra lao xuống dòng sông vớt người bị nạn. Chỉ trong đêm và ngày hôm ấy tôi đã kéo lên bờ 40 thi thể nạn nhân xấu số".
Riêng chiếc thuyền nhỏ nhất này là phương tiện gắn bó với anh cả chục năm nay, đã cứu hàng chục người khỏi chết đuối, vớt được rất nhiều thi thể. Cụ thể bao nhiêu anh cũng không nhớ nổi.
Quang cảnh bên trong "trụ sở" vớt xác của anh Dũng. Với 30 năm kinh nghiệm anh Dũng cho hay: "Dường như tôi với những người xấu số có duyên nợ với nhau nên việc tìm và vớt xác là chuyện bình thường. Có những lần tôi phải mò cả đoạn sông mới gom hết được phần xương, thịt lại được vì thi thể đang trong quá trình phân hủy".
Trong hơn 500 thi thể vớt được, số trẻ em chiếm đến 1/5, trong đó có nhiều hài nhi bọc trong túi nilon còn cả dây rốn. "Mỗi lần vớt được thi thể là trẻ em hoặc hài nhi tôi như rụng rời chân tay, muốn khóc lắm nhưng bản lĩnh không cho phép tôi làm chuyện đó bởi tôi sợ mình khóc rồi lần sau sẽ không làm được công việc này nữa".
Theo anh Dũng thì anh buồn nhiều hơn là vui bởi số người mình cứu được ít hơn số xác vớt được.
Người đàn ông có vẻ bặm trợn nhưng thực chất hiền khô và mang nặng trong lòng mình cái căn, cái nghiệp ít ai làm được. "Nếu cứ thấy trong người bất thường, mệt mỏi là tôi bước ra sông Hồng, kiểu gì ở đó cũng có xác cần tôi phải vớt lên. Còn nếu không đi ra sông kiểu gì tôi cũng bị ốm, mệt mỏi vô cùng", anh Dũng kể.
Khi chúng tôi đề cập đến chuyện tại sao có khả năng "giao tiếp" với xác chết mà lại không tham gia việc tìm kiếm chị Lê Thị Thanh Huyền (nạn nhân trong vụ án TMV Cát Tường), anh Dũng cho biết: "Ngay trong ngày đầu tiên tôi cũng có mặt dưới chân cầu Thanh Trì nhưng lắng nghe tình hình tôi khẳng định là xác chị Huyền không có dưới sông, dù gia đình, cơ quan chức năng có mời đến cả chục nhà ngoại cảm cũng không tìm thấy xác dưới sông". |