Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, đã được vinh danh bởi National Geographic Traveller và Forbes Asia với danh hiệu "vua cà phê Việt Nam". Ông không chỉ nổi tiếng với những thành tựu trong sự nghiệp kinh doanh, mà còn được nhiều người ngưỡng mộ vì tư duy sống sâu sắc và triết lý kinh doanh của mình.
Cuộc sống của ông Vũ luôn được bao phủ bởi lớp màn bí ẩn, với những biến động và thử thách mà nhiều người không thể hiểu được. Ông từng trải qua 5 năm dành cho việc tu tâm trên núi, để rồi khi xuất hiện trở lại tại sự kiện kỷ niệm 22 năm thành lập Tập đoàn Trung Nguyên và ra mắt dòng sản phẩm cà phê mới vào năm 2018, ông mặc bộ trang phục giản dị giống như một tu sĩ, với áo dài đen và quần lửng trắng rộng, cổ quấn khăn rằn, và tự xưng là "Qua". Sự xuất hiện này đã khiến nhiều người tò mò và thắc mắc về cuộc sống của ông Vũ trong thời gian qua.
Mặc dù có không ít những biến cố và tranh cãi trong cuộc đời, ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn được nhiều người Việt tôn trọng và coi như một biểu tượng doanh nhân, với tư duy kinh doanh độc đáo và là nguồn cảm hứng không ngừng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các startup trẻ.
Triết lý kinh doanh của ông dường như vừa đầy tính thách thức và đổi mới, luôn chứa đựng những bài học quý giá về cuộc sống và kinh doanh. Một trong những quan điểm nổi bật của ông là về tiền bạc và nghĩa vụ trả nợ. Ông đã từng phân tích rất sâu sắc về khái niệm nợ tiền và coi đó như nợ ân tình người, mà không chỉ dừng lại ở việc trả bằng tiền mặt.
Lấy chính cuộc đời nhiều biến thiên của mình, ông Vũ nhận định: "Một người cho tôi vay tiền, tôi nghĩ rằng đó là người ta mang công sức bát gạo của bản thân họ gửi gắm vào tay mình. Tuyệt nhiên không dám nghĩ là người ta nhiều tiền nên đôi ba đồng cái công chỉ như cái kẹo. Người ta không đòi bạn cũng chẳng phải vì người ta quên. Đồng tiền đi liền khúc ruột, họ không quên đâu. Họ chỉ im lặng để chờ xem sự tử tế của bạn có thật như những gì bạn đã hứa hẹn.
Tôi nói với quý nhân của mình rằng, tôi nợ họ, nợ trọn đời này. Cái nợ ấy không còn đơn giản là nợ vật chất nữa. Nếu tôi không đủ tiền để trả thì tôi sẽ trả bằng sự trung thành của mình, bằng sự tận tụy của mình, thậm chí bằng cả máu và nước mắt. Người cho tôi bát cơm lúc tôi giàu sang chưa chắc đã vì tôi mà cho. Nhưng người sẵn sàng kéo tôi ra khỏi khó khăn tuyệt vọng thì chắc chắn họ đã yêu thương và trân quý tôi thực sự.
Bạn có thể là một người nghèo nhưng đừng làm một người bội tín hay vô ơn. Bạn có thể không đủ tiền để trả nhưng phải biết dùng miệng để giữ lại chút tín nhiệm. Bội tín chính là sự suy sụp về mặt kinh tế, bội tín cũng chính là sự thất bại nặng nề về mặt nhân cách.
Bạn im lặng, bạn có thể được bố thí hoàn toàn số tiền đó, người hào sảng sẽ không gay gắt với bạn như phường nặng lãi. Nhưng bạn sẽ vĩnh viễn mất đi một ân nhân, một người anh em tử tế, một niềm hy vọng, một chiếc phao cứu sinh trong những cơn đắm chìm về sau."
Theo quan điểm của ông Vũ, khi ta nợ tiền ai đó, điều quan trọng không chỉ là việc trả lại số tiền, mà còn là hiểu rõ ý nghĩa của chữ "Nợ" đó. Ông đã áp dụng triết lý này trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Một ví dụ cụ thể là việc ông mượn 200 triệu đồng từ một gia đình và trong suốt 23 năm qua, ông đã không ngừng trả nợ bằng cách thanh toán mỗi tháng 25 triệu đồng. Theo tính toán, việc trả nợ này đã khiến ông chi ra số tiền lên đến 6,9 tỷ đồng. Hành động này không chỉ là việc trả ơn, mà còn là biểu hiện của sự trân trọng và lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ, như một cách để báo đáp tình cảm và đạo đức với người đã giúp đỡ ông trong những ngày đầu khởi nghiệp của Trung Nguyên.
Có thể nói rằng triết lý của ông Vũ không chỉ là lý thuyết trên giấy tờ, mà còn được thể hiện thông qua hành động và cuộc sống hàng ngày của ông.
Theo ông, khi người ta cho bạn vay không phải là họ thừa tiền mà là vì họ trân quý bạn và muốn giúp đỡ bạn sực thự. Ông đặc biệt nhấn mạnh: "Bạn có thể là một người nghèo nhưng đừng làm một người bội tín hay vô ơn."
(Tổng hợp)