Nguồn tin từ tờ Korea Time của Hàn Quốc cho biết Lotteria Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, theo sau chi nhánh Indonesia. Mặc dù hãng đã lên tiếng về thông tin đóng cửa là chưa chính xác, tuy nhiên tình hình kinh doanh tại Việt Nam của Lotteria trong nhiều năm qua chưa bao giờ có lợi nhuận là một thực tế cần xem xét.
Doanh thu của Lotteria luôn cao nhất trong các chuỗi fast food cùng phân khúc, năm 2019 họ thu về 1.680 tỷ đồng (KFC là 1.500 tỷ đồng và Jollibee khoảng 1.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong khi KFC lãi trước thuế đạt trên 100 tỷ đồng thì khoản lỗ của hệ thống Lotteria lại duy trì khoảng 20 đến 24 tỷ đồng trong 3 năm gần đây (2017 đến 2019), chưa kể tới khoản lỗ lũy kế hơn 100 tỷ của 2 năm trước đó.
Thử đi sâu tìm hiểu những khó khăn về nguồn thu và chi phí của hãng gà rán này.
CHI PHÍ ĐẦU VÀO TĂNG
Giá cả các loại thực phẩm có xu hướng tăng, bệnh dịch khiến nguồn cung hạn chế
Trước giai đoạn Covid, khá nhiều bệnh dịch ập tới ngành chăn nuôi, từ dịch bệnh gà, cúm gia cầm H5N1, H5N8 khiến hàng triệu con gà bị thiêu huỷ tới lợn tả châu Phi. Các loại dịch bệnh khiến nguồn cung thực phẩm khan hiếm và giá cả leo thang hơn, điều đó đánh mạnh vào chi phí của các đơn vị fastfood.
Hiện tại thì giá bán các món ăn cũng đang có xu hướng nhích nhẹ. Khảo sát trên một con phố trung tâm quận Thanh Xuân, Hà Nội cho thấy, giá cơm văn phòng đã nhích nhẹ từ 25 – 30k/suất lên 35 – 40k/suất, ở một số cửa hàng phân khúc cao hơn thì lên tới 45 – 60k/suất. Điều đó cho thấy giá thực phẩm đã ảnh hưởng lên tới giá bán cơm, thức ăn chín của các hàng quán.
Giá nhân công cũng tăng dần
Một yếu tố lao động lớn của Lotteria là các học sinh, sinh viên làm thêm. Mức giá nhân công này cũng tăng dần theo thời gian, nếu như cách đây vài năm, mức lương cho công việc phụ bàn, bưng bê các nhà hàng chỉ từ 15 -20K/giờ, thì giờ mức đó đã lên 25 – 30K/giờ. Và trên các trang web tuyển dụng, tờ rơi, vẫn có rất nhiều thông tin tuyển dụng cho loại công việc này. Điều đó cũng do mức chi tiêu ở các thành phố lớn ngày càng đắt đỏ hơn. Nếu như trước đó tiền chu cấp trung bình của các em sinh viên chỉ khoảng 1 – 2 triệu đồng/tháng, chỉ bao gồm ăn và ở, nhưng giờ mức đó đã lên 3 – 4 triệu đồng.
DOANH THU GIẢM DO COVID
Covid cũng khiến các hãng fastfood buộc phải dừng hoạt động các chi nhánh trong thời gian giãn cách xã hội. Trong thời gian dịch bùng phát, thì không chỉ fastfood, các thương hiệu F&B cũng phải tạm ngừng hoạt động một số chi nhánh. Như năm 2020 vừa rồi, có 3 đợt dịch bùng phát mạnh, tương đương gần 3 tháng phải đóng cửa, và nhiều tháng hoạt động không đầy đủ công suất.
Tình hình kinh doanh tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng còn đỡ bi đát. Một số thành phố du lịch như Vũng Tàu, Nha Trang, Hội An, sự sụt giảm khách du lịch nước ngoài gây thất thu lớn cho các cửa hàng F&B. Đi nhiều tuyến phố sầm uất trước kia, giờ chỉ còn lác đác cửa hàng mở cửa và đường xá vốn đông đúc, nay chỉ còn lại vài người.
Như vậy, áp lực lên các công ty là rất lớn, trong khi vẫn phải trả chi phí mặt bằng và một phần lương cho nhân công, để chờ ngày hết dịch hoạt động, nhưng doanh thu thì gần như bằng không.
Ngoài các phần liên quan tới chi phí đầu vào và ảnh hưởng doanh thu do Covid, thì cũng phải nhắc tới xu hướng người Việt bắt đầu chọn những món ăn tốt cho sức khỏe hơn và bắt đầu xa rời dần fastfood. Tuy nhiên phải khẳng định đây chỉ là xu hướng, chứ chưa phải là chủ đạo, bởi các cửa hàng fastfood vẫn thu hút được một lượng lớn khách hàng.
Xu hướng thứ hai là sau những ngày tháng giãn cách xã hội, thì người tiêu dùng Việt bắt đầu quen dần với việc gọi đồ ăn mang về. Sau dịch, những hàng quán dài ở các "thánh địa trà sữa", "phố nhậu" đóng cửa khá nhiều. Một phần bởi chủ cửa hàng không chịu nổi áp lực lãi lỗ do dịch, một phần bởi nhu cầu của người dùng đã di chuyển một phần lên các app đặt đồ ăn online, gọi ship. Và khi đã chuyển lên online, thì thường các "cloud kitchen" này chỉ cần ở trong ngõ ngách để tiết kiệm chi phí.
Như thế, doanh thu bị ảnh hưởng do phải cạnh tranh với các bếp online có giá mềm hơn, tiện dụng hơn, trong khi đó chi phí mặt bằng vẫn phải trả đầy đủ tạo áp lực rất lớn cho các thương hiệu fastfood như Lotteria.
Nhìn rộng ra, việc đóng cửa các cửa hàng Lotteria chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Rộng hơn thì nền kinh tế chắc chắn sẽ chịu bị ảnh hưởng bởi Covid, việc một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, chuyển hướng kinh doanh do sức mua giảm, chi phí gia tăng là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, xu hướng các doanh nghiệp online hoá hoạt động, rời bỏ các cửa hàng offline hiện đang rõ rệt. Các cửa hàng bán lẻ và F&B gần đây chuộng xu hướng đặt cửa hàng trong ngõ hẻm và thuê shipper giao hàng cho khách. Điều đó sẽ định hình sâu sắc ngành bán lẻ, F&B trong thời gian tới.