Vị Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp
Bất ngờ đã không diễn ra, với 65,9% phiếu ủng hộ của cử tri Pháp, ông Emmanuel Macron đã chiến thắng áp đảo bà Marine Le Pen tại vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 và sẽ trở thành Tổng thống mới của nước này, thay cho ông Francois Hollande.
Các con số thống kê sơ bộ được truyền thông Pháp công bố sau thời điểm 20h tối ngày 7/5 (giờ địa phương) cho thấy vòng 2 cuộc bầu cử năm nay chứng kiến sự vắng mặt đáng kể của các cử tri.
Cụ thể, lượng cử tri đi bầu chỉ ở mức 74,7%, thấp hơn nhiều so với mức trên 80% của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2012 và cũng thấp hơn con số trên 79% của vòng 1 cuộc bầu cử năm nay. Đây cũng là tỷ lệ thấp nhất tại vòng 2 một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp từ năm 1969. Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, có đến 12% cử tri bỏ phiếu trắng.
Nguyên nhân được giới phân tích nhận định là do nhiều cử tri vốn thuộc các đảng phái truyền thống cánh hữu và cánh tả không ủng hộ cả ông Macron lẫn bà Le Pen nên đã chọn cách vắng mặt hoặc bỏ phiếu trắng. Ngoài ra, các yếu tố khác như mưa lạnh ở nhiều vùng trên nước Pháp hay việc vòng 2 cuộc bầu cử diễn ra chính giữa kỳ nghỉ 3 ngày của dân Pháp cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ đi bầu.
Tuy nhiên, tỷ lệ vắng mặt cao này đã không ảnh hưởng đến chiến thắng của ông Macron dù trước đó có nhiều nhận định rằng nếu lượng cử tri vắng mặt đông thì cơ hội của bà Le Pen sẽ nhiều hơn.
Sau chiến thắng, ông Macron đã có mặt tại quảng trường bảo tàng Louvre để chia vui với những người ủng hộ. Phát biểu trước hơn 10.000 người, ông Macron tuyên bố sẽ bảo vệ nước Pháp và châu Âu và hứa hẹn một trang mới đã mở ra cho nước Pháp.
“Tôi sẽ bảo vệ nước Pháp, bảo vệ các lợi ích sống còn và hình ảnh của nước Pháp. Tôi sẽ bảo vệ châu Âu. Nền văn minh và lối sống tự do của chúng ta đang bị thách thức. Tôi sẽ hành động để siết chặt mối liên hệ giữa châu Âu với các công dân của mình.
Tôi muốn gửi đến toàn thể thế giới lời chào của một nước Pháp bác ái. Một trang mới đã mở ra cho nước Pháp, và tôi muốn đó là trang của niềm hy vọng và niềm tin”, ông Macron nhấn mạnh.
Cùng lúc đó, trong cuộc mít-tinh của những người ủng hộ mình tại rừng Vincennes phía Đông thủ đô Paris, bà Marine Le Pen cho biết đã gọi điện chúc mừng ông Macron nhưng cho rằng cuộc bầu cử này đã cho thấy đảng Mặt trận quốc gia đã trở thành đảng đối lập chính tại Pháp và “liên minh ái quốc” mà bà dẫn dắt sẽ là đối trọng chính với “phe toàn cầu hóa” của tân Tổng thống Macron.
Bà Le Pen nói : “Với kết quả to lớn và lịch sử này, người dân Pháp đã đưa liên minh ái quốc thành lực lượng đối lập lớn nhất với các dự án của tân Tổng thống. Tôi kêu gọi tất cả những người ái quốc gia nhập liên minh của chúng tôi và đảng Mặt trận quốc gia sẽ đổi mới toàn diện để đáp ứng với chờ đợi lịch sử này của người dân Pháp”.
Thách thức chờ đợi ông Macron
Đối người dân Pháp, cuộc bỏ phiếu ngày 7/5 đã kết thúc một trong những mùa bầu cử Tổng thống gây nhiều tranh cãi, thị phi và cũng khó dự đoán nhất trong lịch sử nước này.
Cuộc bầu cử này chứng kiến thất bại nặng nề của các đảng phái truyền thống của cánh hữu và cánh tả ngay từ vòng 1, cũng như sự thăng tiến mạnh mẽ của các ứng cử viên cực hữu và cực tả là bà Le Pen và ông Melenchon và việc nước Pháp có một vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử là ông Macron ở tuổi 40.
Trước mắt ông Macron sẽ là quá trình chuyển giao quyền lực được dự đoán sẽ có không ít thách thức. Vào ngày 10/5 tới, Hội đồng Hiến pháp Pháp sẽ chính thức thông qua kết quả bỏ phiếu cuối cùng để xác nhận chiến thắng của ông Macron và đến ngày 14/5, ông Macron sẽ chính thức bước vào điện Elysees để tiến hành lễ chuyển giao quyền lực với ông Francois Hollande.
Tuy nhiên, thách thức lớn với ông Macron sẽ là việc thành lập chính phủ mới. Do ông Macron không thuộc một đảng phái lớn và phong trào “Tiến bước” mà ông sáng lập vào tháng 4/2016 chưa từng tham gia một cuộc bầu cử nào nên hiện không có ghế nào trong Nghị viện. Vì thế, muốn điều hành được chính phủ mới một cách hiệu quả, ông Macron sẽ buộc phải tìm cách liên minh với các đảng phái chính trị khác trong bối cảnh các đảng này đang có nhiều toan tính cho cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới.
Quan trọng hơn, việc gần 25% cử tri Pháp không đi bầu và 12% trong số đi bầu bỏ phiếu trắng đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng đến nhà lãnh đạo mới của Pháp, đó là ông Macron sẽ cần phải tiếp tục hành động rất nhiều để tập hợp lại người dân Pháp vốn đã bị chia rẽ sâu sắc sau cuộc bầu cử này./.