Ngày 18/4, đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, đơn vị đã có kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu về các mẫu thuốc được thu giữ trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả.
Theo vị đại diện, kết quả phân tích, xét nghiệm cho thấy nhóm thuốc đông y giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, không được phép sản xuất trong đông y.

Thuốc xương khớp giả. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Danh sach các thuốc chữa xương khớp giả gồm: Nhức khớp tê bại hoàn; Tui Hua Shen Jing Tong (thường gọi là thuốc thoái hóa Singapore); Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn; Profeessor’s Pill (thường gọi là khớp xanh); Mujarhabat Kapsul (thường gọi là khớp xanh); Gai cốt hoàn; Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn; Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn; Phong tê nhức Bạch Xà Vương; Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn; Viên vai cổ; Yuan Bone; Thoái cốt hoàn plus; Thoái hóa nhức khớp hoàn plus; Thoái hóa tọa cốt đơn.
Nhóm thuốc tân dược giả chưa phát hiện dược tính độc hại nhưng không có dược tính kháng sinh để chữa bệnh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.
Các loại tân dược giả gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion (trị ho, kích ứng).

Thuốc tân dược giả. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Cũng theo thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế, các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả không có trình độ chuyên môn về sản xuất thuốc. Các đối tượng chủ yếu mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu… để tự pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh.
Sở Y tế Thanh Hóa và các cơ quan chức năng hiện chưa phát hiện các sản phẩm thuốc giả nói trên tại cơ sở khám chữa bệnh công lập. Lý do là các loại thuốc này không có giấy tờ hợp lệ để tham gia đấu thầu. Phần lớn số thuốc giả được tiêu thụ qua mạng và các kênh bán lẻ.
Đường dây sản xuất thuốc giả, buôn bán thuốc giả "khủng" với số lượng lớn, tinh vi do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991; ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (SN 1985; ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cầm đầu.

Nguyễn Tiến Đạt (trái) và Trịnh Doãn Giáo là những kẻ cầm đầu liên quan tới đường dây. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Đạt đã đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất và nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược. Sau đó, bọn chúng đặt mua các nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuê nhân công trộn lẫn nghiền thành bột, sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm bán ra thị trường qua các kênh phân phối.
Kể từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.
Cơ quan công an hiện đã bắt giữ 14 đối tượng về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”,thu giữ hàng chục nghìn hộp thuốc giả cùng nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả với khối lượng lên đến 10 tấn.