Vào ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử Little Boy được Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản, đánh dấu lần đầu tiên vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh. Vài ngày sau, quả thứ hai tên Fat Man nhắm vào Nagasaki về cơ bản đã chấm dứt Thế chiến II, buộc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Thế nhưng, các cuộc tấn công này cũng bắt đầu một kỷ nguyên mới đáng sợ không kém được biết đến là "Thời đại nguyên tử" cùng những cuộc chạy đua vũ trang hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Nhà khoa học J. Robert Oppenheimer - góp vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu thành công bom nguyên tử - là người bị đa phần công chúng đổ lỗi cho thảm kịch đó. Biệt danh "cha đẻ bom nguyên tử" trở thành danh hiệu và cũng là hình phạt gắn liền với ông đến tận bây giờ. Dựa trên cuốn American Prometheus (Thần Prometheus bản Mỹ) của hai tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin, đạo diễn Christopher Nolan quyết định kể lại câu chuyện của J. Robert Oppenheimer trên màn bạc.

Oppenheimer: Bi kịch của cha đẻ bom nguyên tử và màn "flexing điện ảnh" đến từ Christopher Nolan - Ảnh 1.

Bộ phim tiểu sử gai góc về mặt tối của bản chất con người

Trong thần thoại Hy Lạp, Prometheus là một vị thần góp công tạo ra con người và trộm lửa trên Olympia mang xuống cho nhân loại sử dụng. Hành động của ông dẫn đến hình phạt rợn người là hàng ngày bị đại bàng đến ăn gan. Câu chuyện về Prometheus trở thành một nguồn cảm hứng cho Christopher Nolan khi viết kịch bản phim về J. Robert Oppenheimer - người tạo ra bước nhảy vọt về khoa học cho thế giới, đổi lại là sự giằng xé tâm can cho đến lúc chết.

Theo đúng phong cách của Nolan, câu chuyện không được kể như một bộ phim tiểu sử thông thường mà là chuỗi các sự kiện nổi bật trong cuộc đời nhà khoa học nổi tiếng, được sắp xếp rời rạc không theo trình tự thời gian. Tuy nhiên, khán giả có thể phân ra ba giai đoạn chính: Oppenheimer thời trước dự án Manhattan; nhà khoa học khi nghiên cứu bom nguyên tử và cuộc đấu tranh tâm lý của ông sau khi hai quả bom được ném xuống Nhật Bản.

Oppenheimer thực sự là một bộ phim chạm đến những vấn đề to lớn mang tầm một khúc sử thi hoành tráng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không cần đi quá sâu vào câu chuyện của hai quả bom nguyên tử hay những sự kiện xung quanh nó để thưởng thức Oppenheimer. Lý do không phải vì những kiến thức đó không quan trọng, mà bởi điều thú vị ở đây nằm ở cách đạo diễn kể câu chuyện lịch sử cực kỳ phức tạp này và điều ông muốn nói đến.

Oppenheimer: Bi kịch của cha đẻ bom nguyên tử và màn "flexing điện ảnh" đến từ Christopher Nolan - Ảnh 2.

Oppenheimer: Bi kịch của cha đẻ bom nguyên tử và màn "flexing điện ảnh" đến từ Christopher Nolan - Ảnh 3.

Cillian Murphy trong vai nhà khoa học J. Robert Oppenheimer.

Giống nhiều đạo diễn lỗi lạc khác, Christopher Nolan mượn câu chuyện về "cha đẻ bom nguyên tử" để nói về những vấn đề mang tính phổ quát hơn. Trong một cuộc phỏng vấn với Vulture, đạo diễn Nolan nói Oppenheimer muốn đề cập đến những hậu quả hơn là kể lại những chuyện đã xảy ra. Đó cũng là lý do phim không dừng lại sau khi hai quả bom được thả thành công xuống Nhật Bản.

Nếu tinh ý, khán giả có thể nhận ra mạch chuyện chính thực chất là phiên chất vấn của chính phủ Mỹ với J. Robert Oppenheimer về việc ông phản đối tiếp tục các hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, những câu chuyện về quá khứ của nhà khoa học cũng như quá trình chỉ đạo dự án Manhattan của ông chỉ xuất hiện trên màn ảnh theo dạng hồi tưởng, tường thuật lại.

Bi kịch của J. Robert Oppenheimer là ông đã cống hiến cuộc đời mình để cống hiến cho khoa học. Kết quả, công trình của ông và đồng nghiệp được nhớ đến như một tội ác không thể gột rửa hay xoa dịu bởi những tấm huy chương cao quý, những bữa yến tiệc xa hoa. Hình phạt của Oppenheimer phải chịu cũng giống như Prometheus, khi hàng ngày bị hành hạ như có con đại bàng đang rỉa gan mình.

Nhiều ý kiến cho rằng phép liên hệ giữa hai nhân vật như một lời cảnh báo của Nolan về mặt trái của việc phát triển khoa học công nghệ. Khi càng sở hữu nhiều sức mạnh trong tay, con người càng trở thành mối nguy cơ rỡ ràng nhất cho sự diệt vong của nhân loại cũng như hành tinh này.

Thế nhưng, những mặt tối Christopher Nolan muốn nhấn mạnh có lẽ nằm ở chính con người chứ không phải của khoa học. Điều đó được thể hiện rõ ràng nhất tại chi tiết cuối cùng của phim, khi đạo diễn hé lộ cuộc gặp gỡ giữa J. Robert Oppenheimer và Albert Einstein. Ở đó, Einstein cảnh báo Oppenheimer sẽ phải hối hận với những gì quả bom gây ra. Tuy nhiên, "cha đẻ bom nguyên tử" chỉ nhẹ nhàng đáp lại: "Khi tôi đến tìm ông với những phương trình đó, chúng tôi nghĩ rằng có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền có thể hủy diệt cả thế giới. Tôi tin là chúng tôi đã làm được".

Oppenheimer: Bi kịch của cha đẻ bom nguyên tử và màn "flexing điện ảnh" đến từ Christopher Nolan - Ảnh 4.

Nhân vật Albert Einstein do Tom Conti thủ vai.

Cuộc gặp giữa Albert Einstein và J. Robert Oppenheimer là một chi tiết sáng tạo của Christopher Nolan. Ngoài đời thực, người mà "cha đẻ bom nguyên tử" tìm đến xin tư vấn là Arthur Compton - một nhà vật lý học quan trọng của dự án Manhattan. Vì vậy, khi đặt làm cảnh kết của bộ phim, Christopher Nolan chắc chắn gửi gắm nhiều suy nghĩ, quan điểm của mình.

Câu nói của Oppenheimer khiến Albert Einstein hoàn toàn thay đổi thái độ, đang từ vui vẻ trở nên bàng hoàng, lẳng lặng bỏ đi. Tình tiết này cũng chính là nút thắt cuối phim thường xuyên được Christopher Nolan sử dụng trong các tác phẩm của mình. Nó như ngầm ám chỉ Oppenheimer hoàn toàn tiên đoán được hậu quả có thể xảy ra từ công trình nghiên cứu của mình.

Tuy nhiên, ông vẫn thực hiện một cách bất chấp theo sự thôi thúc của chính những mặt tối bên trong, có thể là cái tôi cao ngạo muốn thể hiện bản thân hay khát khao muốn trở thành một vị thần khai sáng thế giới, như chính Prometheus. Kết cục, vị thần Oppenheimer trở thành có lẽ là "thần chết", "kẻ phá hủy những thế giới" như câu trích lấy từ kinh Bhagavad Gita mà ông đọc ở đầu phim.

Oppenheimer: Bi kịch của cha đẻ bom nguyên tử và màn "flexing điện ảnh" đến từ Christopher Nolan - Ảnh 5.

Oppenheimer: Bi kịch của cha đẻ bom nguyên tử và màn "flexing điện ảnh" đến từ Christopher Nolan - Ảnh 6.

Cuộc đời Oppenheimer trong phim được miêu tả đầy vinh quang nhưng cũng không thiếu bất hạnh.

Một màn "flexing" về kỹ thuật làm phim

Không chỉ đơn thuần là một đạo diễn, Christopher Nolan còn được biết đến là một nhà cách mạng trong lĩnh vực điện ảnh. Tác phẩm của ông không chỉ dừng lại ở kể chuyện, mà còn là những thí nghiệm về kỹ thuật, phương pháp làm phim. Sau khi Oppenheimer ra mắt, không ít người so sánh nó với Citizen Kane - dự án kinh điển của Orson Welles được ví như một cuốn giáo trình cho người làm điện ảnh ở Hollywood hàng chục năm qua.

Oppenheimer được kể theo lối phi tuyến tính - phong cách quen thuộc trong suốt sự nghiệp Christopher Nolan. Những sự kiện trong phim được sắp xếp không theo trình tự thời gian mà được cài cắm theo chủ đích của đạo diễn. Đây vừa là điều thú vị vừa là thử thách cho chính ekip trong một dự án có kịch bản phức tạp như Oppenheimer. Đôi lúc, khán giả có thể cảm thấy đạo diễn như chỉ liệt kê các sự việc theo kiểu gạch đầu dòng. Thế nhưng, cách kể này cũng phát huy tốt thế mạnh của mình ở nhiều thời điểm nhất định khi khiến người xem dễ hiểu hơn về số phận, động lực của các nhân vật trong phim.

Oppenheimer: Bi kịch của cha đẻ bom nguyên tử và màn "flexing điện ảnh" đến từ Christopher Nolan - Ảnh 7.

Đạo diễn Christopher Nolan tại buổi công chiếu phim.

Giống thời làm Memento (2000), với Oppenheimer, Nolan dùng màu sắc để giúp khán giả dễ nắm bắt mạch phim được kể chồng chéo, không theo thứ tự thời gian. Trong đó, những phân đoạn có màu là khi câu chuyện theo chân nhân vật chính. Ngược lại, những phân đoạn trắng đen là lúc phim được kể theo góc nhìn của nhân vật Lewis Strauss (Robert Downey Jr. đóng) - người được xây dựng như phản diện chính.

Để hiện thực hóa ý đồ đó, Christopher Nolan đã cùng hãng phim nghiên cứu một loại phim nhựa trắng đen mới dành riêng cho các máy quay IMAX. Điều này đem đến những cảnh phim với chất lượng hình ảnh tuyệt vời trong Oppenheimer.

Thật khó để tưởng tượng bất kỳ đạo diễn nào khác chọn cách truyền tải một kịch bản vốn đã nhiều thông tin đến khán giả theo cách cũng phức tạp không kém như vậy. Thế nhưng, Nolan đã phát huy "phép thuật" của mình để đạt được sự cân bằng trong việc tạo nên một câu chuyện vừa thách thức khán giả, vừa đầy thú vị để thu hút người xem chú tâm theo dõi.

Diễn xuất của dàn cast thực lực cũng là một điểm sáng của Oppenheimer. Cillian Murphy thực sự có màn hóa thân xuất thần trong vai "cha đẻ bom nguyên tử". Không chỉ giống về tạo hình, tài tử người Ireland tạo cho nhân vật rất nhiều tính cách trên màn ảnh. Oppenheimer xuất hiện không phải là anh hùng cũng không phải kẻ phản diện của cả câu chuyện. Đồng thời, ông vừa là hung thủ và vừa là nạn nhân cho chính tham vọng của mình.

Sự biến đổi tính cách của Oppenheimer trong suốt bộ phim được Cillian Murphy thể hiện tinh tế. Ban đầu, nhân vật xuất hiện trong hình hài một nhà vật lý học tài năng, được trọng vọng ngay từ khi còn trẻ. Anh ta cao ngạo, đầy khuyết điểm về tính cách. Khi thực hiện dự án Manhattan, Murphy lại thể hiện nhân vật là một người lãnh đạo thực thụ, thông thái và bản lĩnh. Lúc về già, khi đã trải đời hơn, nhân vật đầy hối hận và cam chịu hình phạt xứng đáng với những hậu quả mình gây ra.

Một người khác tỏa sáng về mặt diễn xuất trong phim là Robert Downey Jr. trong vai kẻ luôn ghen tị với tài năng và những thành tựu của Oppenheimer. Trong khi đó, Matt Damon, Emily Blunt và Florence Pugh cũng ghi điểm trong những phân cảnh họ xuất hiện dù đất diễn không quá nhiều.

Oppenheimer: Bi kịch của cha đẻ bom nguyên tử và màn "flexing điện ảnh" đến từ Christopher Nolan - Ảnh 8.

Robert Downey Jr. trong vai phản diện của phim.

Chấm điểm: 4/5

Nolan thành công khi biến câu chuyện nhiều lớp lang, mang nặng yếu tố lịch sử, chính trị này trở nên hấp dẫn với khán giả đại chúng. Tuy nhiên, sở thích tự làm phức tạp vấn đề của đạo diễn này, phần nào cũng khiến bộ phim đôi khi trở nên rắc rối quá mức cần thiết. 

Cách kể phi tuyến tính đôi khi khiến các tình tiết của Oppenheimer bị xé lẻ, rời rạc. Tiết tấu quá nhanh cùng việc sử dụng quá nhiều nhân vật, quá nhiều đoạn hội thoại phần nào cũng khiến bộ phim trở nên khó theo dõi hơn.

Oppenheimer: Bi kịch của cha đẻ bom nguyên tử và màn "flexing điện ảnh" đến từ Christopher Nolan - Ảnh 9.