Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 1.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 2.

Cuối tháng 9/2017, báo chí râm ran bàn tán về tân HLV trưởng của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Với từ khoá chính “trợ lý cho HLV nổi tiếng Guus Hiddink”, sự quan tâm lại càng được tăng lên gấp bội. Không mất quá nhiều thời gian, cái tên Park Hang-seo đuợc đưa lên khắp các trang báo Việt Nam sớm hơn cả thời gian công bố chính thức một ngày.

Ngày 10/10/2017, ông có mặt tài Việt Nam theo dõi trận đấu với Campuchia ở vòng  loại Asian Cup 2019. Một ngày sau, ông đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn 2 năm với VFF và nhắc đến thứ bóng đá mang tên Park hang-seo.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 3.

Ba ngày tiếp theo, ông có trận ra mắt đội tuyển Việt Nam bằng cuộc tiếp đón Afghanistan trên sân nhà Mỹ Đình. Một trận hoà có phần may mắn nhưng là đủ để Việt Nam lần thứ hai có mặt tại Asian Cup. Phần còn lại với HLV Park Hang-seo đã là lịch sử của bóng đá nước nhà. Tháng 10 vừa rồi là tròn 1 năm ông tới Việt Nam làm việc.

Trước ngày đến Việt Nam, ông bị gán cho biệt danh “quý ngài ngủ gật”. Đặt chân đến Việt Nam, ông cười và nói biệt danh đó chỉ là tin đồn. Sau khi cùng bóng đá Việt Nam kinh qua 2 giải đấu lớn, ông được gọi là “thầy phù thuỷ xứ Hàn” nhưng “quý ngài ngủ gật” cũng không sao, miễn là giúp bóng đá Việt Nam rạng danh trên đấu trường quốc tế.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 4.

Thường Châu, Trung Quốc, ngày 27 tháng 01 năm 2018

“Chúng ta đã cố gắng hết sức, tại sao phải cúi đầu? Chúng ta không phải cúi đầu!” – HLV Park Hang-seo hét lớn lên khi xung quanh ông là tất cả thành viên U23 Việt Nam, giữa nhiệt độ âm, tuyết rơi trắng xóa. Câu nói ấy của HLV Park Hang-seo không dừng lại ở lời động viên, nó mang âm hưởng của lời hịch: “Ngẩng cao đầu lên mà bước tiếp”.

U23 Việt Nam thua 1-2 trước U23 Uzbekistan nhưng là thất bại trong trận chung kết đầu tiên của bóng đá nước nhà tại sân chơi châu lục. Nước mắt chỉ rơi sau 120 phút kiên cường với những đôi chân lần đầu chạy trên nền cỏ đầy tuyết trắng. Ở dải đất hình chữ S khi ấy, U23 Việt Nam vẫn là những người hùng. Chưa khi nào, ranh giới giữa người thắng, kẻ thua lại mong manh và khó phân định đến thế.

Cả một hành trình với vô vàn những khoảnh khắc đi vào lịch sử, dội vào lòng người, có thể hoá thành những dư âm không dứt khỏi tâm trí. Từ những pha cản phá luân lưu của Bùi Tiến Dũng đến dáng đứng ngạo nghễ của Vũ Văn Thanh, từ cú sút phạt “cầu vồng trong tuyết” của Quang Hải đến lá cờ đỏ sao vàng cắm trên tuyết của Duy Mạnh, tất cả như ngọn lửa cháy hừng hực giữa gió tuyết Thường Châu.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 5.

Bogor, Indonesia, ngày 01 tháng 09 năm 2018

Nước mắt lại rơi, nhưng là trong trận tranh HCĐ ASIAD 2018. Sau cú đá phạt đền chạm xà ngang của Minh Vương, Olympic Việt Nam ngậm ngùi nhìn đối thủ đeo tấm HCĐ lên trước ngực. Bóng đá Việt Nam đã không thể có được tấm huy chương đầu tiên tại một kỳ Đại hội thể thao châu Á.

Tiếc nuối và buồn bã. Thất bại này đắng cay hơn nhiều trận thua trước U23 Uzbekistan hồi đầu năm. SVĐ Pakansari một lần nữa không phải địa điểm mang tới niềm vui cho bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, hạng 4 ASIAD vẫn là kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá nước nhà và nó lại in dáng hình HLV Park Hang-seo.

Thất bại là có thật và HLV 59 tuổi hiểu rằng, ông cùng các học trò với phần đông là những người đã gắn bó từ VCK U23 châu Á vừa trải qua một nốt trầm trong bản nhạc mà ông là nhạc trưởng. Nốt trầm ấy có lẽ cần thiết, để những cái đầu vẫn còn bay cao sau đầu năm hiểu được vị thế của họ, của đội tuyển, của bóng đá Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ bóng đá châu Á nói riêng và rộng hơn là thế giới.

Ngọn lửa đã không còn cháy dữ dội nhưng vẫn cháy đều, cháy đều để một ngày lại được bung toả hết nhiệt năng. Và để hâm nóng những tình yêu khác.

HLV Park Hang Seo và đội tuyển Việt Nam

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 7.

Những cái chạm tay nhau qua dải phân cách đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội)… Một anh cảnh sát giao thông cười sảng khoái cùng người dân đang hò nhau đi diễu hành mừng chiến thắng… Là dòng người tràn ra đường chào đón U23 Việt Nam về nước với cờ đỏ sao vàng ngập tràn muôn nơi.

Những cảnh tượng xưa nay tưởng chừng chưa từng có ấy cuối cùng cũng có thật ở những con đường, tuyến phố tại Việt Nam. Trong những ngày tháng 1 năm 2018, hàng trăm nghìn người Việt Nam không còn là người hâm mộ đơn thuần nữa, họ thật sự biến mình trở thành tín đồ túc cầu giáo đúng nghĩa, thần tượng những cậu trai chưa đầy 23 tuổi và mê mệt một người đàn ông sắp hết ngũ tuần như HLV Park Hang-seo.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 8.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 9.

Kể từ sau thế hệ vàng 2008 đói lả vì tắc đường tại SVĐ QG Mỹ Đình sau chức vô địch AFF Cup 2008, U23 Việt Nam là những hậu bối đầu tiên biết đến mùi vị này trên cung đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thủ đô sau khi giành HCB châu Á. Với người dân Việt Nam, hiếm khi nào họ được chứng kiến khung cảnh, được lắng nghe thanh âm, được cảm nhận không khí lễ hội mà bóng đá đem lại như thế.

Cũng từ ngày mạng xã hội phát triển ở Việt Nam, một thế hệ cầu thủ mới được quan tâm sát sao đến nhường này. Từ cầu thủ đến HLV được yêu mến, được trở thành thần tượng của nhiều người hâm mộ, đặc biệt là các bạn trẻ.

Những lượt theo dõi trên facebook, instagram là thước đo khó có thể bỏ qua khi muốn nói đến độ nổi tiếng của giới cầu thủ bóng đá,… Thực tế hơn là những cuộc săn đón khi đội tuyển tập trung. Những khán đài V.League cũng bớt đi những hàng ghế trống vì vừa có thêm những CĐV đến đơn giản chỉ để ngắm nhìn thần tượng thi đấu.

Sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam chìm vào khoảng tối. Không có thêm danh hiệu nào đáng kể, không tạo nên những cơn sốt bóng đá, những tiêu cực bị phanh phui càng khiến người hâm mộ mất niềm tin vào bóng đá.

Đó cũng là yếu tố HLV Park Hang-seo tạo dựng lại được cho bóng đá Việt Nam. Sau HCB U23 châu Á 2018, niềm tin dành cho vị HLV người Hàn Quốc càng dâng cao. Ngược lại, ông hoàn thành những mục tiêu và lời hứa với bóng đá Việt Nam, với người hâm mộ. Hạng 4 ASIAD 2018 như câu trả lời đanh thép cho những hoài nghi của người đời sau một thành công to lớn và cả những lời đắng cay nói đó chỉ là may mắn.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 11.

Từ chuyện vĩ mô đến vi mô của bóng đá Việt Nam, giá trị niềm tin luôn được đưa ra như một tiêu chí mà những người lãnh đạo bóng đá nước nhà chưa thể khôi phục lại cho người hâm mộ. HLV Park Hang-seo đến, cùng bóng đá Việt Nam giành được những thành công, và niềm tin là thứ ông đang góp phần tạo dựng lại, dù đó không phải mục tiêu ban đầu trong tâm trí vị HLV người Hàn Quốc.

Ở một đất nước mà những cầu thủ ở đội tuyển quốc gia như thước đo cao nhất cho giá trị, sự hâm mộ toàn dân, HLV Park Hang-seo gánh trên vai những trọng trách lớn lao và cả những áp lực. Niềm tin mà ông đem lại phần nào đó thay đổi bộ mặt của bóng đá Việt Nam và đó cũng là thứ ông nhận lại nhiều hơn những người tiền nhiệm, để có thêm động lực đi tới thành công.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 12.

Thành công lớn nhất của HLV Park Hang-seo có lẽ không phải phổ biến chiến thuật 5-3-2 hay 3-5-2 tới đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Thứ thành công nhất có lẽ là tạo nên tinh thần công bằng và không khí của một gia đình ở trên đội tuyển, nơi tập hợp của những cá tính, những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam.

Hình ảnh HLV Park Hang-seo vô tư chơi bóng, trêu chọc các học trò đã không còn là chuyện mới lạ. Nó đã thành thói quen. Thói quen ấy tạo nên những hành động tự nhiên và vô tình tạo nên không khí của một gia đình.

Đội tuyển U23 Việt Nam đến Olympic Việt Nam và giờ là đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo cùng các trợ lý thấm nhuần tư tưởng về một tập thể đoàn kết, không có ngôi sao lớn để phụ thuộc. Tất cả guồng máy cùng chạy, cùng dừng, cùng san sẻ gánh nặng, khó khăn với nhau.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 13.

Hình ảnh HLV Park Hang-seo xúc động khi tiễn Hùng Dũng về nước vì chấn thương tại ASIAD 2018; đắp mặt nạ cho Trọng Hoàng trước khi về Việt Nam làm đám cưới;… cho thấy một góc khác bên cạnh dáng vẻ cương nghị và cực kỳ nghiêm túc khi trên sân của ông.

Dĩ nhiên, “gia đình” mà HLV Park Hang-seo tạo dựng phải duy trì dựa trên những nguyên tắc. “Chúng tôi có những quy tắc chung đối với các cầu thủ. Đối với tôi, tự do là tôn trọng trách nhiệm và nghĩa vụ, và các nguyên tắc. Bạn sẽ có được sự tự do sau khi bạn đã hết mình để thực hiện trách nghiệm, nghĩa vụ tuân theo nguyên tắc chung. Do đó, đối với cá nhân tôi, tôi cho rằng tuân thủ nguyên tắc và thực hiện trách nhiệm đối với công việc của mình là rất quan trọng”, HLV người Hàn Quốc chia sẻ.

Nguyên tắc ấy được HLV Park Hang-seo tôi rèn từ kinh nghiệm khi còn làm cầu thủ cho đến khi làm HLV. Hơn 20 năm theo nghiệp cầm quân, HLV người Hàn Quốc đã định hình được phong cách nhưng để hoàn thiện và chứng minh nó đúng đắn, ông cần chọn đúng người đồng hành. Và có lẽ đó là bóng đá Việt Nam.

Từ e dè, HLV Park Hang-seo chấp nhận sang Việt Nam tìm kiếm thử thách ở tuổi 59 nhờ lời khuyên của vợ. Câu chuyện phía sau là cả một quãng thời gian vừa có áp lực nhưng cũng không kém phần đẹp tươi. Ở tuổi 60, HLV Park Hang-seo đang sống lại một thời thanh xuân và vẫn nguyên vẹn những mộng mơ nhưng giản đơn và thiết thực.

“Những người trẻ Việt Nam thật sự rất trong sáng, và hết sức sôi nổi. Khi bước qua tuổi 60, tôi đã tự đặt ra thử thách với bản thân mình rằng phải thành công trong việc dẫn dắt các cầu thủ Việt Nam”, ông nói.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 15.

Một câu nói dung dị nhưng được đúc kết từ người đàn ông sống cả đời với bóng đá. Một người đưa bóng đá Việt Nam hiện diện đậm nét trên bản đồ bóng đá châu Á nhưng cũng vì áp lực quá mà không dám xem các học trò đá luân lưu tại VCK U23 châu lục.

Cương nghị và quyết liệt, nghiêm túc nhưng cũng đầy tình cảm, đó là HLV Park Hang-seo. Sau những thành công, đó mới chỉ là phần đầu của mối lương duyên giữa HLV Park Hang-seo và bóng đá Việt, tuần trăng mật của ông với bóng đá Việt Nam chắc chắn không chỉ dừng lại ở những câu chuyện vừa nêu tên.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 16.

“HLV Park Hang-seo đã hết thời”. Nếu cách đây 1 năm, câu nói ấy có thể khiến ai đó dao động nhưng hiện tại sẽ còn chẳng ai dám nói ông như thế nữa. Hết thời sao vào được chung kết U23 châu Á. Hết thời sao lọt top 4 với những Nhật Bản, Hàn Quốc tại ASIAD năm nay. Và người đàn ông từng bị coi là hết thời tại quê hương mình ấy vừa cùng đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup sau 10 năm đằng đẵng đợi chờ.

Một tập thể chưa thua trận nào ở giải đấu. Một tập thể không có bất kỳ một vết rạn nứt về sự đoàn kết. Quan trọng hơn, nhìn vào tập thể ấy, bán độ không bao giờ còn trong từ điển. Với niềm tin ngất ngưởng, Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup thứ hai trong lịch sử nhưng là chức vô địch xứng đáng nhất, giành được bằng đẳng cấp và trình độ vượt trên đối phương.

Sau những giọt nước mắt ở Thường Châu, Bogor, lần này HLV Park Hang-seo đã rơi nước mắt ở Hà Nội, là giọt nước mắt của hạnh phúc đến nghẹn ngào: “Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời tôi”.

HLV Park Hang-seo truyền vào đoàn quân áo đỏ luôn hừng hực lửa một chất lạnh lẫn sự thực dụng từ quê hương ông. Ông biến một đội hình bị loại từ vòng bảng SEA Games 2017 giành HCB U23 châu Á, một đội hình tưởng chừng rệu rã sau thất bại ở bán kết AFF Cup cách đây hai năm giờ đây đã đạt đến ngưỡng vọng cao nhất khu vực. Ai đó gọi ông là HLV thành công nhất lịch sử các đội tuyển Việt Nam có lẽ cũng không phải quá lời.

Ông thay đổi suy nghĩ của người hâm mộ Việt Nam, đáp ứng thành công mong mỏi của họ. Với quê hương, HLV Park Hang-seo chứng minh mình vẫn chưa lỗi thời.

HLV 59 tuổi trở thành sợi dây tô hồng thêm mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Thành công của ông là niềm tự hào của xứ Hàn, “xuất khẩu” thành công một HLV là điều bóng đá Hàn chưa từng làm được cho đến khi HLV Park Hang-seo đến Việt Nam.

Đài SBS cử cả một ê-kíp lớn sang Việt Nam tác nghiệp trận chung kết lượt về AFF Cup 2018. Tỷ suất người xem trận đấu vượt mốc 20%, vượt xa các chương trình giải trí được phát sóng cùng thời điểm. Trước đó, tỷ suất người xem ở trận chung kết lượt đi cao hơn mọi chương trình thể thao được chiếu trên truyền hình cáp Hàn Quốc trong năm 2018.

“Hiếm có trong lịch sử” là những gì mà tờ Chosun hay Joins nói về một sự kiện thể thao. Ở nơi đây, tuyển Việt Nam giờ chỉ còn xếp sau đội tuyển quốc gia xứ sở kim chi. Họ nói ký ức World Cup 2002, nơi Hàn Quốc lọt vào bán kết, vừa ùa về. Cơn sốt đã lan tràn từ Hà Nội đến Seoul.

Nhưng không chỉ có vậy, tân Tổng thống Hàn Quốc lần đầu tiên tới thăm chính thức Việt Nam nhưng ông không đi thẳng đến Văn phòng Chính phủ. Ông phải tới trụ sở Liên đoàn bóng Việt Nam (VFF) trước.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 18.

Park Hang-seo: “Thầy phù thuỷ” xứ Hàn và kỳ tích tạo ra từ thứ pháp thuật “chúng ta không phải cúi đầu” - Ảnh 19.

Chính phủ Hàn Quốc bỏ qua một số rào cản, thay đổi chính sách thị thực và dành cho công dân ở TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng nhiều ưu đãi, trong đó có vấn đề visa.

Ngày ông Park trở về Hàn Quốc nghỉ ngơi sau VCK U23 châu Á 2018, hàng chục cơ quan báo chí, truyền thông Hàn Quốc bắt tay nhau tạo nên cuộc họp báo ngay ở sân bay. Một Đài truyền hình Hàn Quốc sau đó còn chọn ông Park làm nhân vật để quay chương trình thực tế. Danh tiếng, tầm ảnh hưởng, hiệu ứng của HLV Park Hang-seo vì thế không chỉ dừng lại ở thể thao nữa.

Ít nhất 3 tháng trong năm nay, người hâm mộ Việt Nam sống trong không khí của lễ hội. “Đi bão” trở thành một danh từ để nói về những dòng người đổ ra đường ăn mừng một chiến công.

Hiếu Lương
Tuấn Mark - Tùng Lê - Hiếu Lương
Tuấn Maxx, Hoàng Anh
Theo Trí Thức Trẻ