Theo Reuters, vào hôm 1-11 hãng dược Mỹ Pfizer cho biết vắc-xin RSV thử nghiệm của họ đã chứng minh có hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm trùng nặng ở trẻ sơ sinh sau khi được tiêm cho các bà mẹ tương lai trong nửa sau của thai kỳ.

Đây là kết quả của một nghiên cứu giai đoạn cuối và nếu được phê duyệt, đây có thể là vắc-xin RSV đầu tiên dành cho bà mẹ nhằm giảm bớt gánh nặng bệnh tật ở trẻ nhỏ.

Pfizer có vắc-xin đầu tiên chống RSV - bệnh đang hành hạ nhiều trẻ em  - Ảnh 1.

Logo Pfizer hiển thị trên một chiếc điện thoại - Ảnh: REUTERS

RSV vốn là một virus gây bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em, đa số bệnh nhẹ, nhưng có thể chuyển nặng ở một số trẻ em thuộc nhóm nguy cơ (ví dụ trẻ có bệnh nền) và gây quá tải y tế khi bùng phát với số lượng lớn.

Điều đó đang xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới trong năm nay, sau khi các rào cản chống COVID-19 được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho virus hô hấp các loại đồng loạt lây lan sau gần 3 năm bị kìm hãm. RSV song hành với cúm mùa và COVID-19 tấn công cộng đồng cùng lúc đang khiến hệ thống y tế nhiều nước hết sức vất vả.

Reuters dẫn lời Phó Chủ tịch phụ trách vắc-xin virus của Pfizer: "Tiêm chủng cho bà mẹ tận dụng lợi thế của khả năng bảo vệ trẻ sơ sinh ngay từ ngày đầu tiên. Điều này rất quan trọng vì cao điểm nhập viện ở những trẻ này do RSV là khoảng một đến hai tháng tuổi".

Công ty cho biết vắc-xin này không đáp ứng được mục tiêu chính thứ hai của nghiên cứu là ngăn ngừa cả các trường hợp bệnh nhẹ.

Nhiều hãng dược như Pfizer và GSK đang chạy đua để phát triển vắc-xin chống lại RSV, nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ mới biết đi và người lớn tuổi. Các chuyên gia dự báo người về đích sớm nhất có thể thu lợi hàng tỉ USD sau khi vắc-xin được phê duyệt.