Cuộc chiến nuôi con
Tại toạ đàm Để nuôi không phải cuộc chiến, PGS Dũng chia sẻ những nguyên nhân vì sao trẻ hay ốm. Nhiều người mẹ coi nuôi con như cuộc chiến bởi con biếng ăn, còi cọc, chậm lớn, suốt ngày quấy khóc ngằn ngặt, vì không ngủ, vì táo bón, mà không hiểu vì sao cũng như không biết cách xử lý thế nào.
Tại buổi toạ đàm, một bà mẹ trẻ cho biết con chị dù đẻ thường vẫn hay ốm hơn những đứa trẻ nhà hàng xóm đẻ mổ. Trong khi đó, nhiều thông tin cho rằng trẻ đẻ thường khoẻ hơn đẻ mổ. Còn con của chị hoàn toàn ngược lại.
Câu hỏi của bà mẹ trẻ này không phải là câu hỏi của riêng ai mà của hầu như tất cả bà mẹ nuôi con thơ.
PGS Dũng cho biết ngày nào ông khám cho các bệnh nhi cũng gặp những câu hỏi vì sao con em ốm, vì sao con cháu hay ốm.
Thậm chí, có bà mẹ nước mắt ngắn nước mắt dài tủi thân kể với bác sĩ mỗi lần cho con về nhà ngoại đứa trẻ lại ốm. Mặc dù bà ngoại, ông ngoại và mẹ bé có chăm kiểu gì thì bé cũng ốm nên bà nội của cháu bé cũng không cho bé về nhà ngoại luôn.
Khi hỏi về gia đình ở nhà ngoại như thế nào, PGS Dũng cho rằng nhà bà ngoại nhỏ, hẹp, ánh sáng không có, không gian bí, không khí ẩm thấp trẻ lại không được chạy chơi nên hay ốm chứ không phải do bà ngoại không khéo chăm mà trẻ ốm.
2 thủ phạm
Nguyên nhân trẻ ốm PGS Dũng cho biết chỉ có hai yếu tố:
Thứ nhất, yếu: Khi con bạn yếu thì sẽ hay ốm hơn đứa trẻ khoẻ. Một đứa trẻ khoẻ là đứa trẻ đầy đủ chất dinh dưỡng, đề kháng tốt, không thiếu vitamin.
Bất cứ bác sĩ nhi khoa nào cũng đều biết đối với đứa trẻ thì cái bếp đi trước, tủ thuốc đi sau. Bởi vì nuôi dưỡng là yếu tố quan trọng để giúp đứa trẻ khoẻ hay yếu.
Ngay từ khi trẻ ra đời, PGS Dũng cho biết tốt nhất nên cho trẻ bú mẹ sau 30 phút đến 1 tiếng đầu đời để trẻ có thể tận dụng được nguồn sữa non quý báu từ mẹ. Sữa non có nhiều khả năng miễn dịch là bởi, sau mỗi lần bà mẹ bị bệnh, kháng thể lại tăng và sữa non là sự tích luỹ các kháng thể trong cuộc đời bà mẹ.
Nếu đủ chất, sức đề kháng tốt thì đứa trẻ sẽ phát triển toàn diện, ít ốm hơn đứa trẻ không đủ chất, thiếu canxi, thiếu kẽm, thiếu sắt…
PGS Dũng khuyên các bà mẹ nên nuôi con 6 tháng đầu đời bằng sữa mẹ. Sau 6 tháng cần cho trẻ ăn uống đa dạng thực phẩm kết hợp thêm sữa bò. Có thể bổ sung các vitamin cho trẻ. Về mùa đông như hiện nay nên bổ sung thêm vitamin D để tránh thiếu vitamin này.
Thứ hai, môi trường trong nhà
Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng khiến đứa trẻ khoẻ hay yếu. PGS Dũng cho biết các phụ huynh cứ mải mê lo không khí ô nhiễm bên ngoài rồi cho trẻ ở trong nhà mà không biết rằng không khí trong nhà còn gây bệnh tật nhiều hơn không khí bên ngoài. Ô nhiễm không khí trong nhà đáng báo động hơn.
Hai sát thủ trong nhà đó chính là khói thuốc lá và khói hương. PGS Dũng từng khám cho đứa trẻ còi cọc, chậm lớn, hay ốm nguyên nhân chỉ vì bà đứa trẻ ngày nào cũng đi chùa và trông cháu nên đưa bé ra chùa với mình. Ở chùa, đứa trẻ hít phải khói hương.
Hay cách đây không lâu, một bà mẹ đưa con đến khám và than thở tại sao con nhà cháu hay ốm dù chăm sóc tốt, nhà bên cạnh thì khoẻ mạnh. Khi tư vấn cho mẹ bé, bà mẹ mới nói rằng do nhà ở kiêm cửa hàng nên ngày nào cũng thắp hương thần tài và đứa trẻ hít khói hương triền miên.
Đặc biệt khói thuốc lá, trong nhà có người hút thuốc lá chắc chắn đứa bé hay ốm hơn con nhà không hút thuốc lá. Lấy ví dụ về một đồng nghiệp của PGS Dũng, nữ bác sĩ ôm con đến nhờ ông khám vì bé hay ốm. Bà mẹ này khổ sở vì bị chì chiết nuôi con hay ốm, mang tiếng là bác sĩ vụng về.
Khi hỏi ra không phải do bà mẹ là bác sĩ vụng về nuôi con mà do bố của bé hút thuốc lá rất nhiều, trung bình mỗi ngày 1 bao. Và đây mới là yếu tố khiến đứa bé hay ốm chứ không phải do mẹ bé vụng.