Tình trạng ngộ độc thuốc giảm đau, hạ sốt... rất thường gặp tại các bệnh viện. Nguyên nhân là do thuốc thuộc diện không kê đơn, mọi người có thể dễ dàng mua và sử dụng. Trường hợp nhập viện chủ yếu nằm trong 2 nhóm nguyên nhân gồm uống thuốc quá liều tự tử và lạm dụng thuốc dẫn tới ngộ độc. Thậm chí, có trường hợp nguy kịch do dùng thuốc sai cách.

Suýt chết vì lạm dụng thuốc

Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) tiếp nhận điều trị bé trai N.M.T (8 tuổi, ngụ Tây Ninh) bị rối loạn đông máu, suy gan... vì uống quá liều thuốc paracetamol. BS CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức Nhiễm - COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết bệnh nhi được bệnh viện tỉnh chuyển đến cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, rối loạn đông máu, suy gan, men gan tăng cao 9.500 UI/L (bình thường 30-400UI/L).

Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết trước khi nhập viện bé T. sốt nên bà ngoại mua thuốc cho cháu uống nhưng không được hướng dẫn sử dụng. Thấy bé vẫn còn sốt nên cứ cách mỗi giờ bà lại pha thêm thuốc paracetamol sử dụng luân phiên dạng viên, dạng gói và loại đặt hậu môn. Sau khoảng 2 ngày, bệnh nhi rơi vào nguy kịch vì hôn mê, suy hô hấp… May mắn, bé được cấp cứu kịp thời và sau một tuần điều trị bé đã hồi phục.

Phá cơ thể vì ham dùng thuốc giảm đau, hạ sốt - Ảnh 1.

BS CK2 Bùi Vinh Quang, Chủ nhiệm Khoa A25, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) thăm khám cho bệnh nhân

Tương tự, cũng vì lạm dụng thuốc giảm đau, nữ bệnh nhân N.V.T.T (18 tuổi) bị suy đa cơ quan nặng phải nằm điều trị tại phòng hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM). BS CK2 Bùi Vinh Quang, Chủ nhiệm Khoa A25, Bệnh viện Quân y 175 - là người điều trị cho chị T., cho biết bệnh nhân thường xuyên đau đầu do áp lực học tập nên thường tự mua thuốc giảm đau về uống. Tuy nhiên, do sử dụng thời gian dài nên biến chứng, ngộ độc dẫn đến suy gan, suy đa cơ quan. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, dùng thuốc thải độc và thay huyết tương 5-6 lần. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và phục hồi.

Theo bác sĩ Quang, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận từ 400 - 500 bệnh nhân ngộ độc tây dược và 150 - 200 trường hợp bị ngộ độc thuốc giảm đau paracetamol. Bệnh nhân nhập viện thường trong 2 trường hợp do tự tử uống thuốc quá liều và lạm dụng, thường xuyên sử dụng thuốc. Ngộ độc thuốc chia làm 3 giai đoạn gồm: 24 giờ đầu tiên thường không có triệu chứng; giai đoạn 1-3 ngày sau bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như nôn ói và bắt đầu tổn thương đa cơ quan; từ ngày thứ 4, nếu bệnh nhân vượt qua thì có thể hồi phục dần.

Tìm nguyên nhân gây sốt

Nguy hiểm là các dấu hiệu ban đầu rất mờ nhạt, chỉ đến khi nhập viện mới được phát hiện tổn thương qua các xét nghiệm. Nhiều trường hợp nhập viện trễ khiến việc điều trị khó khăn. Nếu kịp thời phát hiện, bệnh nhân đến sớm trong 6 giờ đầu thì có thể truyền thuốc chống độc đặc hiệu hoặc truyền dịch... nhằm thải độc - bác sĩ Quang nhấn mạnh và lưu ý quá liều khi sử dụng trên 140 mg/kg cân nặng/ ngày sẽ ngộ độc. Tuy nhiên, một số trường hợp dù uống thấp hơn liều này nhưng vẫn có thể ngộ độc như người thường xuyên uống rượu, bia; bệnh nhân mắc các bệnh lý về gan, thận (suy gan, suy thận…) hoặc bệnh nhân sử dụng thuốc chống lao.

Bác sĩ Quang khuyến cáo để sử dụng thuốc giảm đau hợp lý, hiệu quả và an toàn, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau mà phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Đồng thời, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin cho các bác sĩ và dược sĩ về triệu chứng, mức độ đau, tiền sử dùng thuốc điều trị… để giúp lựa chọn loại thuốc giảm đau phù hợp, tránh các biến chứng có thể xảy ra.

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết đối với trẻ khi sốt thường là trẻ nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Bởi tác nhân gây bệnh xâm nhập, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng thân nhiệt nhằm thúc đẩy các phản ứng bảo vệ để loại trừ mầm bệnh. Như vậy, sốt không phải là một bệnh, mà là một dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể của bé đang tích cực chống lại tác nhân gây bệnh. Do đó, điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân gây sốt, chứ không phải là hạ sốt bằng mọi cách.

Nếu trẻ sốt, cần cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng bằng cotton để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt. Khi bé sốt nhẹ, hãy cho bé nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi, cho bé uống nhiều nước (sữa, nước lọc, nước hoa quả, nước canh…) và ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Nếu sốt quá cao (trên 39 độ C), bé sẽ dễ mất nước và thường rất mệt, khi đó mới nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt.

Thuốc hạ sốt an toàn là acetaminophen (paracetamol), tên biệt dược là hapacol, efferalgan... Liều thông thường là 10-15 mg/kg cân nặng của bé cho mỗi lần uống và 2 lần dùng cách nhau ít nhất 6 giờ. Ngoài ra, cũng có thể tham khảo liều lượng sử dụng ghi trên hộp thuốc.

Nếu trẻ dưới 2 tuổi thì tốt nhất nên dùng thuốc hạ sốt theo liều chỉ định của bác sĩ. Tránh lạm dụng thuốc và dùng thuốc quá liều khi bé sốt cao liên tục - dùng thuốc hạ sốt nhiều hơn liều hướng dẫn chỉ làm tăng nguy cơ quá liều, ngộ độc thuốc.

Cẩn trọng khi sử dụng

BS CK2 Bùi Vinh Quang lưu ý người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc, như: không được tự ý nhai, bẻ hay nghiền viên thuốc; không tự thay đổi liều sử dụng, mua thêm thuốc hay ngưng thuốc đột ngột.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Không cạo gió, cắt lể, quấn kín trẻ hoặc kiêng ăn uống khi trẻ bệnh. Bên cạnh đó, không lau bằng nước đá, giấm, rượu hay chanh khi trẻ sốt vì có thể gây nhiễm độc.

Ngoài ra, trong mỗi cữ thuốc hạ sốt, chỉ dùng một trong 2 đường uống hoặc hậu môn, không dùng cả 2 đường cùng lúc. Bên cạnh đó, dược chất ibuprofen (biệt dược ibrafen, nurofen, advil...) có sẵn trên thị trường cũng có thể giúp hạ sốt. Tuy nhiên, nên sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ và không dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đặc biệt, ibuprofen cũng không được sử dụng trong sốt xuất huyết vì làm tình trạng rối loạn đông máu sẵn có trầm trọng thêm, dễ gây xuất huyết tiêu hóa.