Báo cáo ước tính rằng có khoảng 1,7 triệu loại virus chưa được biết đến đang tồn tại trên động vật có vú và chim, trong đó có tới 850.000 loại có khả năng lây nhiễm sang người.

Hầu hết những đợt bùng phát dịch lớn trong hơn 100 năm qua, từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 tới COVID-19, đều do các hoạt động của con người thúc đẩy, dẫn tới sự suy thoái liên tục của tự nhiên. Nguy cơ bùng phát ngày càng cao có nghĩa là thế giới đang trong "kỷ nguyên của đại dịch" - các chuyên gia hàng đầu nhấn mạnh trong một phiên thảo luận mới đây do Liên Hợp Quốc tài trợ.

"Cách chúng ta sử dụng đất; mở rộng và thâm canh nông nghiệp; sản xuất, buôn bán và tiêu dùng không bền vững đang làm gián đoạn thiên nhiên và gia tăng sự tiếp xúc giữa động vật hoang dã mang mầm bệnh với con người. Đây là con đường dẫn đến đại dịch" - Tiến sĩ Peter Daszak, Chủ tịch của tổ chức sức khỏe sinh thái EcoHealth Alliance, một trong 22 nhà khoa học hàng đầu đứng sau nghiên cứu, chia sẻ.

Mặc dù vậy, nguy cơ lây nhiễm virus từ động vật sang người có thể được "giảm đáng kể" bằng các hành động quyết liệt để ngăn chặn sự tàn phá đa dạng sinh học, chẳng hạn như thiết lập khu bảo tồn tự nhiên và tăng cường biện pháp để giảm khai thác không bền vững tại những khu vực đa dạng sinh học cao.

Trong khi đó, chi phí để thực hiện các "biện pháp phòng chống" đại dịch như vậy chỉ bằng khoảng 1/100 lần so với các "biện pháp ứng phó" như phát triển vaccine hay cách ly như hiện nay. Tính đến tháng 7/2020, COVID-19 đã gây thiệt hại khoảng 8 - 16 triệu USD đối với nền kinh tế toàn cầu. Chỉ tính riêng tại Mỹ, thiệt hại có thể lên tới 16 triệu USD vào cuối năm 2021.

Các nỗ lực cải thiện an ninh lương thực và loại bỏ những loài có nguy cơ truyền nhiễm bệnh dịch khỏi hoạt động buôn bán động vật hoang dã - với sự hỗ trợ của các cơ quan thực thi pháp luật - cũng sẽ góp phần làm giảm nguy cơ bùng phát đại dịch mới trong tương lai.