Tháng 12 năm 2014, Lissa Palermo Surgeoner đang ngồi ở bàn làm việc thì bất ngờ cảm thấy cơn đau dữ dội ở bụng trái, mà cô nghĩ là ở gần buồng trứng. Cơn đau khủng khiếp tới mức cô phải tới bệnh viện khám. Tại đây, bác sĩ chỉ định chụp CT. Lissa được chẩn đoán bị sỏi thận. Nhưng bác sĩ khám cho cô cũng cho biết, phát hiện tích tụ dịch gần buồng trứng và gợi ý cô nên đi kiểm tra kỹ hơn.

Phải trải qua hành trình gian nan, cô gái mới được chẩn đoán mắc chứng bệnh khiến rất nhiều chị em lo sợ này - Ảnh 1.

Khi Lissa tới gặp bác sĩ sản phụ khoa của mình, cô biết rằng, có một khối u nang ở buồng trứng bên trái. Bác sĩ quyết định theo dõi tiếp nhưng một tháng sau, quyết định rằng, cần phải cắt bỏ nó. Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ u nang đồng thời cắt cả buồng trứng của Lissa và chẩn đoán cô bị lạc nội mạc tử cung. Đây là một chứng viêm gây đau mà thành mô thành tử cung lớn lên bên trong tử cung.

Con đường chông gai

Cho tới hôm nay, Lissa vẫn còn hoài nghi về bệnh sỏi thận đã dẫn cô đến với chẩn đoán lạc nội mạc tử cung. "Cũng buổi tối hôm đó, tôi 'đến tháng'", Lissa kể. Nhưng sau chẩn đoán, rất nhiều điều khác bắt đầu trở nên sáng rõ hơn. Thời niên thiếu, Lisa nhớ đã bị các cơn đau bụng tồi tệ hành hạ nhưng cố gắng phớt lờ chúng. "Tôi chỉ nghĩ mình quá yếu ớt". Hồi cấp 3, trong 2 ngày đầu kỳ kinh, Lissa từng nằm trên sàn nhà tắm trong đau đớn. "Tôi nghĩ mình đã cường điệu hóa cơn đau bởi dường như không ai khác gặp vấn đề như vậy".

Tuy nhiên, cơn đau trong kì kinh nguyệt dù đôi khi rất kinh khủng nhưng chưa bao giờ gây ra hậu quả gì quá nghiêm trọng cho Lissa. "Tôi là một trong những người may mắn vì vẫn có thể dùng miếng chườm nóng và ibuprofen để giảm đau", cô cho biết.

Lissa phát hiện thấy, những triệu chứng khó khăn nhất là thứ không dễ xác định rõ ràng. "Tôi thực sự cho rằng, tâm trạng tôi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Giờ đây, tôi có thể nhìn thẳng vào lịch 2 ngày trước chu kỳ kinh nguyệt và đó không phải là hội chứng tiền kinh nguyệt PMS - đó là mức độ khác biệt toàn diện của cảm xúc và tình trạng trầm cảm liên quan trực tiếp đến bệnh lạc nội mạc tử cung".

Nghiên cứu đăng tải vào tháng 5 năm 2016 trên tạp chí International Journal of Women's Health xác nhận rằng, phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ cao bị lo âu, trầm cảm và các rối loạn tâm lý khác. Nhưng vẫn chưa rõ liệu đó có phải là tác động của bản thân chứng lạc nội mạc tử cung hay chứng đau khung chậu mãn tính.

Phải trải qua hành trình gian nan, cô gái mới được chẩn đoán mắc chứng bệnh khiến rất nhiều chị em lo sợ này - Ảnh 2.

Sau đó, sự xuất hiện các triệu chứng bí ẩn đã buộc Lissa lao vào cuộc tìm kiếm nguyên nhân y khoa cho tình trạng của mình ngay sau khi tốt nghiệp trường luật năm 2008. "Tôi tự thấy mình là một người khá khỏe mạnh". Nhưng do cảm thấy sự mệt mỏi rõ rệt, Lissa nghi ngờ có gì đó không ổn. "Tôi tới gặp hết bác sĩ này đến bác sĩ khác. Tôi hỏi họ: 'Có phải tôi bị viêm khớp không? Tôi có bị đau cơ xơ hóa không?'. Tôi không nghĩ có mối liên hệ nào đó giữa các triệu chứng của tôi và chu kỳ kinh nguyệt. Tôi cảm thấy mệt mỏi cực độ, và nhìn chung, không khỏe mạnh chút nào, nhưng lại chẳng có biểu hiện cụ thể". Lissa đã trải qua rất nhiều xét nghiệm và không nhận được kết quả nào khác, ngoại trừ chứng viêm. Trong tâm trí Lissa, tất cả đều liên quan đến chứng lạc nội mạc tử cung. Nhưng thời điểm đó, cô vẫn còn cách chẩn đoán cuối cùng này một thời gian rất xa.

Thực sự là vậy, đau cơ xơ hóa và mệt mỏi kinh niên là các chứng bệnh đều liên quan tới chứng lạc nội mạc tử cung, mặc dù, một lần nữa, vẫn không rõ liệu lạc nội mạc tử cung có gây ra những triệu chứng này không. Hơn thế, người ta cho rằng, phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung chỉ đơn giản là có nguy cơ cao hơn mắc các chứng bệnh tự miễn, bao gồm mệt mỏi kinh niên cũng như dị ứng, hen suyễn, đa xơ cứng, ban đỏ lupus, nhược giáp và một số dạng ung thư nhất định.

Ngẫm lại, Lissa tin rằng, việc cô sử dụng thuốc viên tránh thai trong phần lớn tuổi 20 có thể là một điều may mắn bởi thuốc tránh thai là một trong những biện pháp điều trị chủ chốt để kiểm soát chứng lạc nội mạc tử cung.

Thuốc áp chế (dùng để đối phó với các đợt bùng phát bệnh) - trong trường hợp của Lissa là thuốc tránh thai được dùng liên tục - đóng vai trò chủ đạo trong điều trị lạc nội mạc tử cung - theo Leena Nathan, trợ giảng sản phụ khoa tại Trung tâm Y tế Đại học California tại Los Angeles. "Mục tiêu là giảm thiểu tối đa hay tránh một chu kỳ kinh nguyệt càng nhiều càng tốt. Bởi việc này giúp tránh các cơn đau và việc hình thành sẹo do chu kỳ kinh nguyệt và thậm chí có thể ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Một số phương pháp tránh thai nhất định dẫn tới kết quả là phụ nữ chỉ có vài lần 'đến tháng' mỗi năm".

Bắt đầu một gia đình trong khi phải sống chung với chứng lạc nội mạc tử cung

Khi kết hôn, Lissa không dùng biện pháp tránh thai nữa. Việc mất đi buồng trứng ở tuổi 33 càng đẩy nhanh kế hoạch lập gia đình của cô. Bác sĩ phụ khoa khuyến nghị hai vợ chồng cố gắng mang thai tự nhiên trước. Nhưng Lissa, lo sợ việc chờ đợi, đã gọi cho một bác sĩ chuyên về sinh sản. Vị bác sĩ này sau khi biết Lissa bị lạc nội mạc tử cung, đã lên lịch hẹn gặp cô ngay lập tức. Sau 3 lần thử bơm tinh trùng vào buồng tử cung không thành, Lissa có bầu trong lần thụ tinh qua ống nghiệm đầu tiên.

Phải trải qua hành trình gian nan, cô gái mới được chẩn đoán mắc chứng bệnh khiến rất nhiều chị em lo sợ này - Ảnh 3.

"Mang thai là điều tuyệt vời nhất tôi từng cảm nhận được", Lissa tâm sự. "Không chỉ là cảm giác hạnh phúc vì có bầu. Với tôi, lạc nội mạc tử cung thực sự là một bệnh do estrogen – không phải là bạn có nhiều estrogen mà là bạn không có progesterone - một dạng thúc đẩy tâm trạng đối với phụ nữ. Tôi không hề có nó".

Thật may mắn cho Lissa, thai kỳ không chỉ lấy đi 9 tháng tự do thoát khỏi những cơn đau bụng hàng tháng và tâm trạng thất thường mà giai đoạn cho con bú còn tiếp tục niềm vui đó trong khoảng 14 tháng (mặc dù Lissa bắt đầu cảm thấy có sự suy thoái nhẹ khi con trai cô bú mẹ ít hơn và ăn dặm nhiều hơn).

"Thai kỳ là trạng thái progesterone lên cao. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều bệnh nhân của tôi cảm thấy ổn trong suốt thai kỳ", bác sĩ sản phụ khoa Sara Till, Đại học Michigan, người chuyên điều trị lạc nội mạc tử cung và đau khung chậu, cho biết.

Tìm kiếm liệu pháp thay thế

Từ bây giờ, thuốc tránh thai không còn xuất hiện ở nhà Lissa nữa bởi cô và ông xã đang nghĩ tới chuyện có thêm bé nữa. Tuy nhiên, cô phát hiện một số liệu pháp thay thế đem lại lợi ích cho cả tâm trạng và các cơn đau của Lissa. Gặp một chuyên gia châm cứu chuyên về sinh sản 2 lần/tháng giúp cải thiện tâm trạng. Lissa cũng thử một liệu pháp cổ truyền Trung Hoa có tên cứu ngải: chuyên gia châm cứu thắp một ngọn nến và đặt lên bụng Lissa trong lúc cô bị đau bụng và cơn đau hoàn toàn được xoa dịu (mặc dù nó trở lại trong vòng vài giờ).

"Tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ vào sự kết nối thân – tâm khi nói về các cơn đau khung chậu và thực sự khuyên bệnh nhân của tôi tới gặp các đồng nghiệp chuyên về y dược kết hợp Đông - Tây", Nathan cho biết. "Họ thực hiện châm cứu và bấm huyệt cùng nhiều loại thảo dược để làm nhẹ triệu chứng".

Lissa cũng phát hiện ra rằng, thay đổi chế độ ăn có thể giúp ích, cụ thể là ăn thực phẩm có hàm lượng carbohydrate thấp và tránh sản phẩm từ sữa. Cô cũng không dùng đậu nành. "Dĩ nhiên, tôi không hoàn hảo. Tôi rất thích đồ ăn. Nhưng tôi thực sự nhận thấy sự khác biệt khi thay đổi".

Phải trải qua hành trình gian nan, cô gái mới được chẩn đoán mắc chứng bệnh khiến rất nhiều chị em lo sợ này - Ảnh 4.

Hành trình kiểm soát chứng lạc nội mạc tử cung

Điều khiến Lissa phiền lòng nhất là bức màn bí ẩn và những câu hỏi chưa có lời giải đáp xung quanh chứng lạc nội mạc tử cung. Mặc dù đã gặp nhiều bác sĩ và trải qua nhiều xét nghiệm, cô chưa bao giờ được một đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói rằng: "Đó là chứng lạc nội mạc tử cung", ngay cả trong cuộc trò chuyện mới đây với bác sĩ của cô về việc kiểm soát sự thay đổi thất thường tâm trạng mỗi tháng cũng vậy. Trên thực tế, đôi khi Lissa băn khoăn không biết nửa số bác sĩ mà cô từng gặp thậm chí có tin vào sự tồn tại của lạc nội mạc tử cung hay không. Dù cô biết về mặt lý thuyết, chứng bệnh này có thể được biết đến và được chứng minh.

Mặc dù là một trong những rối loạn phụ khoa thường gặp nhất, cứ 10 phụ nữ lại có 1 người mắc và một nửa trong số này bị vô sinh, phần lớn các bác sĩ đa khoa không cảm thấy thoải mái khi điều trị bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung. Phán nửa số bác sĩ không thể chỉ ra 3 triệu chứng chính của bệnh – theo kết quả một cuộc điều tra mới đây.

"Việc chẩn đoán lạc nội mạc tử cung có thể không hề dễ dàng", Nathan cho hay. "Rất nhiều phụ nữ bị đau bụng kinh và một số lại không bị đau chút nào. Họ không hề biết mình bị lạc nội mạc tử cung cho tới khi họ cố gắng mang thai. Những phụ nữ khác trải nghiệm rất nhiều khó chịu".

Tìm một bác sĩ có kiến thức dựa trên cơ sở khoa học là bước thiết yếu điều tiên. Họ có thể tư vấn cho bạn về dấu hiệu, triệu chứng lạc nội mạc tử cung cũng như các lựa chọn điều trị khác nhau. Một người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt cũng sẽ biết khi nào nên đề nghị bạn tới gặp chuyên gia để nhận được hướng dẫn về các bước đi tiếp theo. "Nếu tôi không thể đưa bệnh nhân tới chỗ họ có được sự kiểm soát khiến họ hài lòng về các cơn đau, tôi sẽ đề nghị họ tới gặp một chuyên gia về đau khung chậu. Đến lúc đó, tôi trông cậy vào chuyên môn từ các đồng nghiệp của tôi".