Phạm Lãi (536 TCN - 448 TCN), tự Thiếu Bá, là chính trị gia, nhà quân sự, nhà kinh tế và học giả Đạo gia nổi tiếng vào cuối thời kỳ Xuân Thu. Ông xuất thân bần hàn nhưng tài học hơn người, từ kinh tế, chính trị, văn học và thiên văn đều tinh thông, từng hiến sách giúp Việt vương Câu Tiễn phục quốc, sau đó trốn đi ở ẩn.
Song nổi tiếng hơn cả là chuyện tình giữa ông và Tây Thi - một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa.
Tạm gác lại tình sử nức tiếng này, hãy cùng tìm hiểu Phạm Lãi rốt cuộc tài giỏi đến mức nào mới được người Trung Quốc tôn xưng là Thần Tài?
Theo quan niệm Trung quốc, hình tượng Thần Tài bao gồm 5 vị “Ngũ lộ Tài Thần”, ứng với 4 hướng và trung tâm: Trung Bân Tài Thần Vương Hợi (Trung); Văn Tài Thần Tỷ Can (Đông), Phạm Lãi (Nam); Võ Tài Thần Quan Công (Tây) và Trương Công Minh (Bắc). Trong đó có thông tin Nam Tài Thần là Sài vương gia - Chu Thế Tông Quách Vinh, vốn họ Sài nên được người đời gọi là Sài vương gia, còn Phạm Lãi lại là Đông Nam Tài Thần trong “Cửu lộ Tài Thần”.
Trong "Sử ký - Hóa Thực Liệt Truyện" ghi lại một câu chuyện như vậy:
Phạm Lãi lúc ấy có một người bạn cùng chí hướng là Kế Nhiên - một học giả rất giỏi về kinh doanh thông thương. Ông đã nói với Phạm Lãi 7 cách để làm giàu, bao gồm làm thế nào để ngăn chặn thiên tai nông nghiệp, tập hợp tài phú, điều chỉnh phát triển kinh tế...
Phạm Lãi dùng 5 điều trong đó, giúp Việt quốc trở nên giàu có, tạo tiền đề tiêu diệt Ngô quốc. Sau khi Phạm Lãi rời khỏi Việt quốc, ông đã ba lần di cư, trong 19 năm gây dựng nên gia tài đồ sộ. Nhưng ông đã chia tài sản của mình cho anh em và con cháu, người thân, bạn bè xung quanh, trở thành một nhân vật huyền thoại thời bấy giờ.
Trong suốt quãng đời ẩn danh, Phạm Lãi sống bằng nghề buôn, ông đã đúc kết những nguyên tắc kinh doanh quý giá truyền lại cho đến nay, được lưu lại trong sách cổ Trung Hoa với tựa là Đào Chu Công sinh ý kinh (tạm dịch: Bí quyết kinh doanh của Đào Chu Công).
1. Làm ăn cần chăm chỉ và khẩn trương, như vậy mới đạt hiệu quả cao.
2. Chi tiêu phải tiết kiệm và dùng tiền đúng mục đích. Người làm ăn chủ yếu lấy công làm lời nên việc tích tiểu thành đại, góp gió thành bão bao giờ cũng nên ưu tiên.
3. Giao thương phải khiêm tốn. Người làm kinh doanh bao giờ cũng quan trọng thể diện và uy tín, nên giữ bộ mặt và sĩ diện của mình hết sức quan trọng.
4. Buôn bán tuỳ thời, tập cách dự đoán đúng nhu cầu thị trường hoặc đi trước thời đại.
5. Muốn giàu phải biết lựa chọn người làm công và đối tác, tránh tình trạng tham lam, nợ khó đòi hoặc thất thoát do hoàn cảnh túng bần họ làm liều.
6. Quản lý chặt chẽ chuyện kinh doanh. Sổ sách, khách hàng, hàng hoá phải thường xuyên kê khai, đảm bảo tra xét rõ ràng nhằm vừa quản lý tốt, vừa dự báo tình hình chính xác, vừa chống thất thoát, vừa chuẩn bị kịp thời cho các kế hoạch làm việc sắp tới.
7. Biết nhìn người. Làm chủ phải có cặp mắt biết nhìn người và phân biệt thị phi và trắng đen; phải biết phân biệt kẻ tốt người xấu để thuê mướn và lựa chọn đối tác; phải biết ưu điểm và khuyết điểm của người làm công nhằm tránh giao sai người thiếu năng lực, sai việc, sai địa điểm, sai trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
8. Người làm cho mình phải là những người chính trực, có tài đức, ngay thẳng để vừa giúp mình giữ gìn kỷ luật, giúp làm gương cho người xung quanh tránh tiêu cực, bè lũ, phe phái gây mất đoàn kết.
9. Cẩn thận trong xuất nhập. Hàng hoá, sổ sách, tiền bạc thu chi hàng ngày phải cẩn thận, ghi chép, lưu trữ phải chính xác, tránh gây sai lệch, thất thoát hoặc tạo điều kịên cho kẻ xấu lợi dụng.
10. Kiểm tra hàng hóa. Hàng hoá muốn mua, nhập kho phải được xem xét thấy tận mắt, đến tận nơi, sờ tận tay.
11. Làm ăn phải coi trọng chữ tín, đúng kỳ hạn tránh tình trạng bị phạt hay bồi thường vì trễ hẹn.
12. Kiểm soát tồn kho: Hàng hoá trong kho bãi phải được kiểm soát, bảo vệ che đậy, tránh thất thoát, mất trộm, hư hỏng vì mưa nắng, thời tiết nóng ẩm, lũ lụt...
13. Làm ăn bất kỳ nơi đâu phải hiểu biết luật pháp, thuế suất.
14. Muốn giàu phải tích đức: Càng phát đạt thì phải càng tích đức hành thiện.
15. Tạo dựng mối quan hệ. Buôn có bạn, bán có phường.
16. Độ lượng trong đối nhân xử thế. Đối xử người làm phải độ lượng, làm công tác tư tưởng và động viên thường xuyên để họ trung thành và cống hiến sức lực và tài trí.
Phạm Lãi được đánh giá là "công danh toàn trung", cả sự nghiệp và cuộc sống đều đạt được kết cục vô cùng mỹ mãn, hậu thế tôn vinh ông là ông tổ của thương nhân Trung Quốc.
Nguồn: Sina, Baidu