Thời đại phong kiến xưa kia, không riêng gì tại các nước với chế độ quân chủ như Trung Quốc hay Nhật Bản thì ngay tại Việt Nam, quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn rất nặng nề. Thân phận của người phụ nữ thời đó như "bèo dạt mây trôi", phụ thuộc rất lớn vào những người đàn ông trong gia đình. Cay đắng nhất, lối tư duy cha mẹ đặt đâu con ngồi đó của phần lớn người xưa đã kéo theo biết bao là bi kịch, vùi dập biết bao nhiêu là số phận của những người con gái đoan chính hiền thục.
(Ảnh minh họa)
Chuyện của nàng Công chúa Phất Kim – con gái của vua Đinh Tiên Hoàng cũng không ngoại lệ. Nghe lời vua cha, nàng gật đầu bước vào một cuộc hôn phối chính trị, để rồi sau đó gặp biết bao nhiêu là tai ương về cả thể xác lẫn tâm hồn. Đáng nói, nàng đã bị chính người chồng kia xẻo má, bỏ rơi giữa trăm cuộc bể dâu, biến cố thời cuộc, kéo theo đó là cái chết buồn tủi của nàng trong chiếc giếng lạnh mà bên cạnh không có lấy một người thân.
Công chúa xinh đẹp vì trọn đạo hiếu trung mà chấp nhận cuộc hôn phối do cha sắp bày
Đinh Tiên Hoàng là vị vua sáng lập nên triều đại nhà Đinh cũng chính là vị vua đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc. Ông được đánh giá là một nhà mua anh minh, có tài trị nước nhưng trong chuyện gia đình con cái, như nhiều người cha trong thời đại mình, ông áp dụng nghiêm ngặt quy định cha đặt đâu con ngồi đó. Cũng từ quy định này, các con ông chịu không biết bao nhiêu là khổ cực, nhất là công chúa Phất Kim – con gái thứ 3 của ông.
(Ảnh minh họa)
Vị phò mã của Công chúa Phất Kim không ai khác, chính là Ngô Nhật Khánh, người đàn ông này có thể nói là người của tiền triều, luôn mang mối căm thù với vua Đinh. Và để ngăn chặn hậu họa về sau, loại bỏ ý định tạo phản của Ngô Nhật Khánh, vua Đinh Tiên Hoàng đã gả chính con gái Phất Kim của mình cho hắn. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi về Ngô Nhật Khánh như sau: "Ngô Nhật Khánh là bà con của Ngô Tiên Chúa (tức Ngô Quyền). Trước kia, Ngô Nhật Khánh từng xưng là An Vương, cùng trong số mười hai sứ quân giữ đất tranh hùng. Khi Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp được Ngô Nhật Khánh rồi, bèn lập mẹ của hắn làm Hoàng hậu, hỏi em gái của hắn cho con mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn, lại gả công chúa cho hắn nữa, thế mà Ngô Nhật Khánh vẫn không bớt oán hờn…".
(Ảnh minh họa)
Cuộc hôn phối chính trị bắt đầu từ đám cưới giữa Vua Đinh Tiên Hoàng với mẹ của Ngô Nhật Khánh. Trong bữa yến tiệc, vua Đinh Tiên Hoàng đã cố tình khéo léo sắp xếp cho người con gái kiều diễm của mình là Công chúa Phất Kim đến chúc rượu Nhật Khánh. Thế là anh hùng trúng bẫy mỹ nhân, ngay từ phút đầu tiên trông thấy Công chúa Phất Kim, Nhật Khánh đã ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kiều diễm của nàng.
Sau hai lần mời rượu, lúc ngà ngà say, Nhật Khánh táo bạo hỏi Công chúa Phất Kim: "Quý danh của nàng, liệu ta có biết được chăng?". "Dạ thưa tướng quân, tên thiếp là Phất Kim", Phất Kim Công chúa bẽn lẽn trả lời. Đến lần chúc rượu thứ ba, vì quá ham muốn vẻ đẹp chim sa cá lặn, lại hiền thục lễ giáo của Phất Kim, Ngô Nhật Khánh bèn ngỏ lời: "Ta muốn cùng nàng sum vầy gia thất, liệu nàng có bằng lòng không?".
(Ảnh minh họa)
Lúc này, Phất Kim chưa hề biết ý đồ của vua cha, nên cũng bẽn lẽn mà đáp lễ: "Cảm ơn tướng quân đã có lòng hạ cố", xong rồi nàng rảo bước không dám ngoái lại nhìn. Sắp đặt và chứng kiến toàn bộ sự việc diễn ra, vua Đinh Tiên Hoàng rất đắc chí vì cuối cùng mục đích của ông cũng gần như là hoàn thành. Sau đó, do nóng lòng có được người đẹp, Ngô Nhật Khánh không ít lần ngỏ lời cầu hôn Công chúa, nhưng đều bị từ chối.
Sau đó, biết thế cờ không thể nào vì một đứa con gái mà phá hỏng, vua Đinh Tiên Hoàng cho gọi Công chúa Phất Kim đến mà ép buộc nàng chấp nhận lời cầu hôn của Ngô Nhật Khánh, đồng thời ông ngọt nhạt nói với con gái Phất Kim rằng: "Tướng quân Ngô Nhật Khánh là người thao lược vào bậc nhất nhưng chưa thực sự tận trung vì sự nghiệp của cha, giặc Tống và giặc Chiêm đang lăm le bờ cõi, nếu được Nhật Khánh giúp thêm vây cánh thì Đại Cồ Việt ta còn gì bằng".
(Ảnh minh họa)
Biết rằng tính khí vua cha nóng nảy, lại một khi đưa ra quyết định gì thì phải làm cho bằng được, Công chúa Phất Kim đành gật đầu nghe theo. Hôn sự nhanh chóng diễn ra sau đó và rồi Nhật Khánh trở thành phò mã của Vua Đinh Tiên Hoàng.
Nàng công chúa bị xẻo má, bỏ rơi vì khuyên chồng đừng làm phản vua cha
Trong thời gian đầu, Ngô Nhật Khánh và Công chúa Phất Kim sống khá hạnh phúc. Cho đến một hôm, Nhật Khánh nhận được một phong thư của lái buôn phương Bắc, Nhật Khánh đọc xong rất vui mừng rồi liền nhai nuốt cả phong thư ấy. Sau đó 2 ngày, Nhật Khánh xin phép "nhạc phụ" Đinh Tiên Hoàng cho mình và Công chúa Phất Kim đi kinh lý Ái Châu bằng đường thủy. Yêu cầu này liền được chấp nhận.
(Ảnh minh họa)
Sang hôm sau, trong lúc trên thuyền đi Ái Châu, thấy thái độ của chồng mờ ám, kỳ lạ, Công chúa Phất Kim liền hỏi chồng: "Chúng ta đi đâu?". Lúc này, biết rằng không thể giấu vợ, Ngô Nhật Khánh mới nói rằng mình sẽ vượt qua nam giới để cầu cứu vua Chiêm. Ngô Nhật Khánh cũng hé lộ rằng người Tống sẽ giúp dẫn đường. Theo đó, vua Chiêm sẽ giúp đỡ thuyền bè, binh lính để đánh đường thủy còn quân Tống sẽ hỗ trợ đường bộ.
Sự việc vỡ lẽ, thì ra Ngô Nhật Khánh vẫn chưa từ bỏ ý định phản nghịch lại vua Đinh Tiên Hoàng. Mặt Công chúa Phất Kim biến sắc. Để dỗ dành vợ, Ngô Nhật Khánh còn ngọt nhạt nói rằng: "sau này nếu cơ đồ rộng mở, ta sẽ là Vua còn nàng sẽ trở thành chính cung Hoàng hậu".
(Ảnh minh họa)
Cứ tưởng Công chúa Phất Kim sẽ như thuyền theo lái, xuôi theo những viễn tưởng phù hoa mà nghe lời chồng làm phản vua cha. Trái lại, Công chúa Phất Kim rất đau đớn khi phát hiện ra chồng mình vẫn mang trong lòng âm mưu làm phản. Phất Kim kiên quyết nói rằng sẽ không phản bội phụ vương. Công chúa cũng cầu xin Ngô Nhật Khánh hồi tâm chuyển ý, đừng phản lại vua cha để rồi mang tội bất hiếu, bất trung.
Bất ngờ, Ngô Nhật Khánh đùng đùng tức giận, tiến lại phía Công chúa Phất Kim đang dàn giụa nước mắt, liền rút dao ra mà xẻo má vợ và kể tội như sau: "Cha nàng đã lừa gạt để ức hiếp mẹ con ta. Ta có đâu lại vì nàng mà bỏ qua tội ác của cha nàng. Thôi, nàng hãy trở về, ta sẽ một thân một mình đi tìm ai có thể cứu được ta đây...". Nói xong, vị phò mã của vua Đinh sang thuyền chiến cạnh đó hối thúc quân chèo, bỏ lại Công chúa và những nữ hầu.
(Ảnh minh họa)
Kết cuộc buồn của một phận đời công chúa bị xoáy vào những biến cố thời cuộc
Phất Kim được đưa về kinh thành Hoa Lư chạy chữa thuốc men, tuy vết thương trên mặt đã lành, nhưng vết sẹo trên má không bao giờ có thể làm nguôi được nỗi đau đớn, tủi nhục trong lòng của một người vợ có chồng là tướng quốc, là phò mã mà lại theo giặc ngoại bang để chống lại vua cha. Cuối cùng, Công chúa Phất Kim đã xuống tóc, đi tu trong một ngôi chùa ở Kinh thành Hoa Lư.
Sau đó, biết bao biến cố thời cuộc nối tiếp diễn ra, vua cha Đinh Tiên Hoàng và anh cả đều bị sát hại. Về phần Ngô Nhật Khánh thì mang chiến thuyền đánh Đại Cồ Việt nhưng gặp bão lớn mà tan tác, xác trôi xuống đáy sông mà không cách nào tìm được.
(Ảnh minh họa)
Qua bao cuộc bể dâu đó, Công chúa Phất Kim lòng càng xót xa, nặng trĩu, nàng trở nên u buồn và câm lặng. Sau đó, nàng quyết định nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt, phía tây bắc kinh thành Hoa Lư tự vẫn, kết thúc một phận đời bi kịch. Quả thật, phận đời Công chúa Phất Kim là một phận đời buồn, một mặt trái của xã hội phong kiến xưa, có sắc, có quyền, lại hiếu đạo khiêm nhu, nhưng lại bị xoáy vào những mưu đồ chính trị, hết cha rồi tới chồng, cuối cùng phải dùng cái chết để giải thoát mà bên cạnh lại không có lấy một người thân.
(Nguồn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký tiền biên)