Có những câu chuyện tình yêu khiến người ta phải tấm tắc khen ngợi về độ hi sinh. Cả hai yêu nhau đắm say, vượt qua tất cả khó khăn để có thể về chung một nhà. Tuy nhiên, sau đó cũng là cả những nỗi niềm khổ đau mà chẳng phải ai cũng thấu.
Cãi lời cha mẹ để kết hôn với người đàn ông Trung Quốc
Dương Hiến Ích là một dịch giả Trung Quốc. Ông sinh ra tại Giang Tô vào năm 1915 trong một gia đình danh gia vọng tộc thời ấy. Lớn lên, ông du học tại Đại học Oxford. Trong thời gian theo học ở đó, ông gặp cô bạn gái Gladys Margaret Taylor.
Gladys sinh năm 1919 tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, bà lại là người Anh chứ không phải người Trung Quốc. Khi đó, vì công việc của người bố mà cả gia đình sang sinh sống.
Dù sống ở đây và sinh con tại nơi này song mẹ của Gladys không bao giờ cho phép con cái mình chơi với trẻ em bản địa. Năm 1926, cả gia đình này rời Trung Quốc. Bởi vậy, khi Dương Hiến Ích gặp bà đã nhanh chóng tạo được sự chú ý lớn.
Gladys tuy không sống ở Trung Quốc bao nhiêu nhưng lại thích văn hóa ở đây. Bà nói chuyện với họ Dương về Trung Quốc, về Thiên Tân. Cả hai dần dần trở nên vô cùng thân thiết. Dương Hiến Ích dù không mấy điển trai, gương mặt nổi bật với đôi mắt hí nhưng bù lại rất năng động, vui vẻ, hài hước và thông minh.
Thậm chí nhiều người còn cho rằng Dương Hiến Ích là một trong số ít học sinh Trung Quốc hiếm hoi có thể chơi với những sinh viên Anh bản xứ.
Về phần Dương Hiến Ích, ông cũng quý mến Gladys vì bà không giống những phụ nữ Anh Quốc bình thường vốn kiêu ngạo. Bà khiêm tốn, giản dị và vô cùng trong sáng. Cuối cùng, cả hai xác lập tình yêu với nhau. Tình cảm đó đắm say và nồng nàn đến nỗi Gladys đã muốn được kết hôn và đồng hành với họ Dương trong tất cả hành trình cuộc đời.
Năm 1939, Gladys đã về thông báo với cha mẹ chuyện yêu một người bạn cùng lớp đến từ Trung Quốc. Bà sẽ cùng ông trở về Trung Quốc sau khi tốt nghiệp để kết hôn và sinh con.
Lúc đó, mẹ bà - một người có kinh nghiệm 30 năm sinh sống và làm việc ở Trung Quốc đã nhận thức rõ sự khác biệt lớn về lối sống, văn hóa của hai nước. Bà kiên nhẫn thuyết phục cô con gái vừa tròn 20 tuổi qua hết ngày này tháng nọ.
"Nếu con lấy chồng Trung Quốc con sẽ rất tiếc nuối, cuộc hôn nhân ấy sẽ chẳng dài quá 4 năm".
Thậm chí bà đã phải nói ra những lời khó nghe đến cùng: "Nếu con có con, chúng sẽ tự tử".
Gladys nghe hết những lời ngăn cản và thuyết phục đó, cố chấp với tình cảm của mình. May mắn thay, cha bà vốn là một người thoải mái hơn. Ông không đồng tình hay ngăn cản mối quan hệ mà chỉ dặn dò: "Khoan kết hôn, con hãy đến đó rồi sống trong vài năm, lúc ấy có muốn cưới xin cũng chưa muộn".
Năm 1940, Gladys quyết định theo Dương Hiến Ích về Trung Quốc. Khi xin giấy thông hành, các quan chức Anh thể hiện sự tò mò khó hiểu rằng tại sao một cô gái 21 tuổi lại đến Trung Quốc. Bà thẳng thắn đáp: "Tôi đến với vị hôn phu của mình".
Phía bên kia ngay lập tức tỏ vẻ không tán thành và nói rằng có thể khi đến Trung Quốc, cô sẽ phát hiện người đàn ông này đã có vợ. Gladys không nản chí, nói luôn: "Cha tôi hiện đang giảng dạy ở một trường đại học Trung Quốc". Lúc này, người làm thủ tục mới cấp giấy tờ.
Mẹ Dương Hiến Ích ở Trùng Khánh khi biết con trai sắp dẫn về một người phụ nữ tóc vàng làm vợ, bà cũng có chút suy sụp. Tuy nhiên, tính cách cố chấp của họ Dương có từ bé, ý ông đã quyết thì chẳng ai ngăn cản được.
Lúc quay về, Dương Hiến Ích biết rằng Gladys đến Trung Quốc không có người thân thích, chỉ có ông là chỗ dựa duy nhất của bà. Ông sẽ đối tốt với bà để xứng đáng với tình yêu trong sáng ấy. Yêu một người là để cho người ấy có một bến đỗ an toàn nhất.
Lời tiên tri ứng nghiệm sau 37 năm
Sau 1 năm sinh sống ở Trung Quốc, tháng 2/1941, cặp đôi quyết định tổ chức đám cưới. Bố mẹ Gladys dù xa xôi nhưng cũng đã đến dự. Đám cưới đó có sự xuất hiện của hàng loạt nhân vật máu mặt nhất Bắc Kinh thời bấy giờ.
Cuối năm 1942, cậu con trai đầu lòng tên Dương Diệp của họ ra đời. Một nhà ba người sống vô cùng hạnh phúc.
Khi đó, vợ chồng Dương Hiến Ích đang làm việc tại Viện dịch thuật và biên soạn Quốc gia. Họ bắt đầu sự nghiệp dịch thuật và dịch các tác phẩm kinh điển sang tiếng Anh.
Về Trung Quốc, điều kiện sống không được như bên Anh, Dương Hiến Ích cảm thấy áy náy và có lỗi với vợ tuy nhiên Gladys không hề quan tâm. Bà yêu chồng nên quyết tâm đến Trung Quốc chứ chẳng phải đến để hưởng thụ.
Thế nhưng đúng như những gì mẹ của Gladys đã cảnh báo từ trước đó, cuộc sống của bà ở Trung Quốc chẳng hề dễ dàng. Nhất là khi con trai họ là một cậu con lai. Ngay từ nhỏ, Dương Diệp đã biết mẹ của mình khác mẹ của bạn bè. Thi thoảng cậu bé còn nhỏ giọng xin xỏ: "Mẹ đừng đến đón con" ở trường. Tuy nhiên, nhiều lúc Dương Diệp cũng vui vẻ khen ngợi nhan sắc của người mẹ xinh đẹp.
Năm 1952, cả gia đình chuyển từ Nam Kinh đến Bắc Kinh. Dương Diệp rất nhạy cảm với sự khác biệt vẻ ngoài của mình với những người khác. Tuy nhiên, cậu học tập vô cùng chăm chỉ và có thành tích cao.
Tuy vậy, chặng đường học hành và sự nghiệp của Dương Diệp gặp nhiều cản trở vì gương mặt lai của mình. Thậm chí, cậu cũng gặp phải lời bàn tán, dò xét và chỉ trích.
Năm 1968, đôi vợ chồng Dương Hiến Ích và Gladys gặp phải biến cố lớn và bị bắt giữ. Cậu con trai Dương Diệp gặp vấn đề về tâm thần và trở nên bấn loạn. Nhận biết tình hình đó, gia đình quyết định gửi cậu đến Anh điều trị bệnh. Tuy nhiên, ở Anh vào ngày Giáng Sinh năm 1979, Dương Diệp đã tự thiêu ở phòng ngủ của mình trong nhà dì ruột tại Anh, chấm dứt 37 năm cuộc đời.
Cuối cùng, lời phán trong lúc nóng giận cách đó 40 năm của mẹ Gladys về cuộc hôn nhân đó đã thành sự thật, cậu con trai cả Dương Diệp quyết định kết liễu cuộc đời mình.
Tin tức đưa về khiến cho vợ chồng Dương Hiến Ích vô cùng đau đớn. Nhất là Gladys, sức khỏe của bà suy sụp nhanh chóng và rơi vào tình trạng nghiện rượu. Bà bắt đầu uống rượu bất kể dịp và thời gian nào. Bi kịch của con trai cũng trở thành chủ đề bị cấm trước mặt Gladys.
Một lần, vợ chồng Dương Hiến Ích được mời sang Anh tham gia hội nghị. Họ đến thăm Hilda - chị gái Gladys, người đã cưu mang Dương Diệp khi cậu ở Anh.
Hilda vừa cất tiếng nói rằng bà từng nghĩ Dương Diệp tốt dần lên thì Gladys đã yêu cầu ngừng lại. Bà không muốn nhắc đến nỗi đau đó nữa.
Gladys đã rất hạnh phúc về sự lựa chọn kết hôn, bỏ qua lời tiên tri của mẹ. Bà kiên cường với mọi khó khăn và kiên cường giữ lấy tình yêu của mình. Thế nhưng, số phận bà không thoát khỏi 8 chữ mà mẹ từng nói.
Năm 1989, Gladys lâm bệnh nặng. Dương Hiến Ích chăm sóc vợ rất chu đáo. Tự tay ông làm mọi chuyện cho bà với sự cẩn thận và chỉn chu hiếm có. Tháng 11/1999, Gladys lặng lẽ từ biệt cõi đời.
Trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà nắm tay chồng nói 4 từ: "Em không hối hận". Sự hiểu chuyện đó khiến Dương Hiến Ích đau đớn khôn nguôi.
Nguồn: Daydaynews, Kknews